Ông Trump trở lại Nhà Trắng: Tham vọng tái định hình chính sách Mỹ

20/01 15:52
 

Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20/1 sau một nhiệm kỳ gián đoạn với nhiều điểm đột phá và khác biệt so với truyền thống.

Lễ nhậm chức của Tổng thống Donald Trump, năm 2017. (Nguồn: Getty Images)

Sự kiện này không chỉ là nghi lễ chuyển giao quyền lực thông thường mà còn thể hiện những thay đổi đáng kể trong cách thức tổ chức và chính sách của xứ cờ hoa dưới thời Donald Trump 2.0.

Khởi đầu phá vỡ truyền thống

Lễ "đăng quang" lần thứ hai của ông Donald Trump gây chú ý với nhiều điểm mới và khác biệt so với các lễ nhậm chức tổng thống trước đây trong lịch sử nước Mỹ. Những điều này không chỉ thể hiện qua hình thức tổ chức mà còn phản ánh những thay đổi trong bối cảnh chính trị và xã hội của nước Mỹ.

Một là, đây là lần thứ hai trong lịch sử lễ nhậm chức tổng thống Mỹ được tổ chức trong nhà. Do thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ dự báo chỉ khoảng âm 6 độ C, buổi lễ được chuyển vào tổ chức tại phòng Rotunda trong Tòa nhà Quốc hội thay vì ngoài trời theo truyền thống. Điều này tạo ra thách thức lớn cho công tác hậu cần khi sức chứa của phòng Rotunda chỉ vào khoảng 700 người trong khi ban tổ chức đã phát hành hơn 200.000 vé cho sự kiện ngoài trời. Ban tổ chức đã chỉ định nhà thi đấu đa năng Capital One làm địa điểm phụ để công chúng có thể theo dõi sự kiện qua màn hình lớn.

Hai là, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1874, lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ có sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, phá vỡ truyền thống trước đây khi nghi lễ này chỉ có các đại sứ nước ngoài tham dự. Danh sách khách mời quốc tế gồm nhiều nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước như Tổng thống Argentina Javier Milei, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni. Đặc biệt là sự tham dự của Phó Chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính. Đáng chú ý, ông Trump còn mời nhiều chính trị gia cánh hữu châu Âu như Eric Zemmour của Pháp và Nigel Farage của Anh.

Ba là, lễ nhậm chức lần này phá vỡ kỷ lục về số tiền quyên góp với 170 triệu USD và có thể đạt tới 200 triệu USD. Đáng chú ý, sự kiện thu hút sự tham gia chưa từng có của giới công nghệ với sự hiện diện của các CEO hàng đầu như Elon Musk (Telsa), Mark Zuckerberg (Meta), Jeff Bezos (Amazon) và Tim Cook (Apple). Các công ty công nghệ lớn của các CEO này đều đóng góp 1 triệu đô la cho quỹ tổ chức lễ nhậm chức cho thấy mối quan hệ được cải thiện giữa Tân Tổng thống Donald Trump và Thung lũng Silicon.

Bốn là, ông Trump đã có quyết định khác biệt so với truyền thống trong việc treo cờ rủ tưởng niệm. Theo thông lệ, cờ rủ phải được treo trong 30 ngày để tưởng niệm cố Tổng thống Jimmy Carter. Tuy nhiên, do thời gian này trùng với lễ nhậm chức, ông Trump đã phản đối và được Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson chấp thuận không treo cờ rủ trong ngày diễn ra lễ nhậm chức. Quyết định này đã phá vỡ tiền lệ trước đây, khi vào năm 1973, Tổng thống Richard Nixon vẫn duy trì việc treo cờ rủ trong suốt thời gian tưởng niệm cố Tổng thống Harry Truman dù đó là ngày ông nhậm chức.

Năm là, lễ nhậm chức năm nay được bảo vệ ở mức cao chưa từng có. Ban Tổ chức đã dựng 48 km hàng rào cao 2 mét quanh Tòa nhà Quốc hội, mức cao nhất từng được sử dụng; triển khai khoảng 25.000 nhân viên thực thi pháp luật, trong đó có 7.800 thành viên Vệ binh quốc gia. Điều này cho thấy mối quan ngại về an ninh sau vụ ám sát hụt của ông Trump vào tháng 7/2024.

Những điểm khác biệt này không chỉ là những thay đổi về mặt tổ chức mà còn phản ánh những chuyển biến sâu sắc trong nền chính trị Mỹ, cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận ngoại giao của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ hai. Theo đó, chính quyền ông Trump cải thiện quan hệ với giới công nghệ và phải xử lý các thách thức an ninh trong nước. Đồng thời, những thay đổi này cũng báo hiệu nhiệm kỳ tổng thống sắp tới có thể sẽ tiếp tục phá vỡ nhiều quy tắc và truyền thống lâu đời của nền chính trị Mỹ.

Loạt cam kết trong ngày đầu nhậm chức

Trong chiến dịch tranh cử và thời gian chuẩn bị nhậm chức, ông Donald Trump đã đưa ra một loạt cam kết chưa từng có về những việc sẽ làm ngay trong ngày đầu tiên tại Nhà Trắng. Ông Trump đã lên kế hoạch ban hành hơn 100 sắc lệnh hành pháp, vượt xa kỷ lục 17 sắc lệnh của người tiền nhiệm năm 2021. Điều này cho thấy tham vọng của chính phủ liên bang Mỹ trong định hình lại nhiều lĩnh vực.

Một là, trong lĩnh vực nhập cư và biên giới. Ông Trump cam kết sẽ phát động “chương trình trục xuất lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”, nhằm vào khoảng 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp, trong đó có khoảng 500.000 người có tiền án. Ông Trump dự định tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại biên giới và có thể sử dụng Điều 42 để kích hoạt quyền hạn khẩn cấp tương tự như trong đại dịch Covid-19. Đáng chú ý, ông còn dự định ký sắc lệnh hành pháp chấm dứt quyền công dân tự động của trẻ em sinh ra trên đất Mỹ. Tuy nhiên, điều này có thể đối mặt với những thách thức hiến pháp quan trọng.

Nhạc trưởng dàn nhạc tham dự buổi diễn tập cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump trước Điện Capitol ở Washington, Mỹ, ngày 12/1. (Nguồn: Reuters)

Hai là, về chính sách thương mại và kinh tế. Ông Trump cam kết áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico, một động thái có thể tác động sâu sắc đến thương mại Bắc Mỹ. Đối với Trung Quốc, mức thuế có thể lên tới 60%. Ông Trump cũng dự định thành lập một “cơ quan thu ngân đối ngoại” để thu và quản lý các khoản thuế, phí hải quan và mọi nguồn thu từ nước ngoài. Trong lĩnh vực tiền số, ông có kế hoạch thành lập kho dự trữ Bitcoin chiến lược của Mỹ cùng việc bổ nhiệm David Sacks, một cựu giám đốc điều hành PayPal, làm người phụ trách mảng tiền số.

Ba là, trong các vấn đề xã hội và giáo dục, ông Trump dự kiến công bố nhiều chính sách gây tranh cãi như: (i) Cắt ngân sách liên bang đối với các trường dạy các nội dung được cho là không phù hợp về chủng tộc, giới tính hoặc chính trị; (ii) Duy trì yêu cầu tiêm vaccine hoặc đeo khẩu trang; (iii) Loại bỏ các yêu cầu về đa dạng, công bằng và hòa nhập trong các cơ quan liên bang. Thậm chí, ông Trump còn đề xuất thành lập “quỹ bồi thường” cho những người bị cho là chịu thiệt hại từ các chính sách công bằng; và (iv) Cam kết thực hiện những thay đổi toàn diện về quyền của người chuyển giới, bao gồm việc cấm người chuyển giới nữ tham gia các môn thể thao nữ và khôi phục lệnh cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội.

Bốn là về năng lượng và môi trường. Ông Trump dự định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng, cho phép đẩy nhanh việc phê duyệt các dự án khoan dầu, đường ống và nhà máy lọc dầu. Ông cũng cam kết sẽ đảo ngược các chính sách về xe điện của chính quyền Biden, mặc dù trên thực tế không tồn tại quy định bắt buộc về xe điện ở cấp liên bang.

Năm là, trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Ông Trump hứa sẽ sớm gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để thúc đẩy kết thúc cho xung đột ở Ukraine.

Sáu là, về TikTok, ông Trump dự định hoãn lệnh cấm đối với ứng dụng này. Điều này cho thấy chính quyền của ông Trump có thể có cách tiếp cận mềm dẻo hơn trong quan hệ với Trung Quốc.

Ngoài ra, ông Trump cũng cam kết sẽ xem xét ân xá cho những người liên quan đến vụ bạo loạn 6/1/2021 ngay trong "9 phút đầu tiên" của nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng việc thực hiện toàn bộ những cam kết này trong ngày đầu tiên là điều gần như không thể thực hiện được. Nhiều sắc lệnh có thể sẽ phải đối mặt với các thách thức pháp lý đáng kể như những cam kết liên quan đến quyền công dân theo nơi sinh hay việc sử dụng Điều 42. Thượng nghị sĩ John Barrasso dự đoán sẽ có một “cơn bão” sắc lệnh hành pháp nhằm tạo hiệu ứng “sốc và kinh ngạc”.

Dù gặp nhiều hoài nghi về tính khả thi, những tuyên bố của ông Trump trước khi nhậm chức cho thấy tham vọng mạnh mẽ trong tái định hình toàn diện cách thức hoạt động của chính phủ liên bang Mỹ, từ chính sách đối nội đến đối ngoại trong nhiệm kỳ hai.

Đọc bài gốc tại đây.