Đại sứ Đặng Hoàng Giang: Tự hào nhìn lại một năm ngoại giao tại 'trái tim' đa phương Liên hợp quốc, sẵn sàng cho những đột phá mới

23/01 09:23
 

Một năm với nhiều 'trái ngọt' tại 'trái tim' Liên hợp quốc sẽ tạo đà để ngoại giao đa phương Việt Nam có những bước đột phá trong năm 2025, sẵn sàng “vươn mình”, gánh vác nhiều công việc chung của cộng đồng quốc tế. Cùng Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc điểm lại và “lên dây cót” cho chặng đường mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, ngày 22/9. (Nguồn: TTXVN)

Xin Đại sứ đánh giá những nét nổi bật của ngoại giao đa phương Việt Nam tại Liên hợp quốc trong năm qua?

Nhìn lại một năm vừa qua, ngoại giao Việt Nam đã được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có sự đóng góp của ngoại giao đa phương tại Liên hợp quốc (LHQ) với nhiều dấu ấn đậm nét.

Thứ nhất, sự kiện tâm điểm của đối ngoại đa phương Việt Nam năm 2024 là việc lần đầu tiên một đồng chí Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta đã tham dự trực tiếp Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ và Hội nghị thượng đỉnh Tương lai (9/2024).

Với thông điệp quan trọng là: “Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tái khẳng định mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, thể hiện khát vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chuyển tải hình ảnh một Việt Nam hòa bình, ổn định, thân thiện, năng động, đổi mới, đáng tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chia sẻ tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam về các vấn đề lớn của thế giới, đặc biệt là yêu cầu tăng cường đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu y học, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm phát triển bền vững, khẳng định cam kết của Việt Nam sẽ đóng góp vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại.

Việc lần đầu tiên đồng chí Tổng Bí thư tham dự trực tiếp các Hội nghị, sự kiện cấp cao của LHQ thể hiện sự coi trọng, quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với hợp tác đa phương, các chương trình nghị sự lớn của LHQ và quan hệ toàn diện với LHQ.

Thứ hai, nhiều sáng kiến quan trọng mang dấu ấn Việt Nam đã được LHQ thông qua và triển khai hiệu quả, phát huy sự chủ động, vai trò nòng cốt, dẫn dắt, định hình các thể chế đa phương.

Với thông điệp quan trọng: “Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tái khẳng định mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và hiệu quả, thể hiện khát vọng của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chuyển tải hình ảnh một Việt Nam hòa bình, ổn định, thân thiện, năng động, đổi mới, đáng tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Điểm nhấn của chuỗi sáng kiến đa phương năm 2024 là việc Việt Nam vận động và thúc đẩy để LHQ lựa chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước tội phạm mạng nǎm 2025, thể hiện dấu mốc quan trọng trong hợp tác đa phương và quan hệ Việt Nam-LHQ, lần đầu tiên một địa danh của Việt Nam được gắn với một Công ước quốc tế quan trọng, Công ước Hà Nội về tội phạm trên không gian mạng, đồng thời mở ra cơ hội để Việt Nam phát huy vai trò dẫn dắt đối với lĩnh vực được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm trong bối cảnh cần xử lý cả những mặt trái của công nghệ thông tin.

Tại Đại hội đồng LHQ, Việt Nam đã đề xuất ý tưởng, chủ trì và thúc đẩy sáng kiến công nhận ngày 11/6 là Ngày quốc tế vui chơi (được 138 nước đồng bảo trợ), ghi nhận vai trò quan trọng của vui chơi đối với sự phát triển thể chất, tâm lý của trẻ em cũng như tiến bộ của xã hội, mang ý nghĩa đặc biệt hưởng ứng “Tháng Hành động vì trẻ em Việt Nam”, giúp cho các hoạt động bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam ngày càng có ý nghĩa và thiết thực hơn.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang (trái) tại Lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028 ngày 12/12/2024. (Ảnh: PĐ)

Trong năm qua, Việt Nam cũng đã chủ động tham gia sâu, đóng góp tích cực, thực chất vào các tiến trình lớn của LHQ, bảo đảm lợi ích quốc gia thông qua lồng ghép các ưu tiên, quan tâm lớn của Việt Nam như an ninh và an toàn hàng hải, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai, bảo đảm an ninh lương thực và nguồn nước, phát triển kinh tế bền vững, chuyển đổi số… tại văn kiện các Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Hội nghị cấp cao Không liên kết lần thứ 19 và Hội nghi thượng đỉnh Phương Nam lần thứ 3 (Uganda, 1/2024).

Cũng trong năm 2024, lần đầu tiên Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò điều phối thương lượng cùng lúc 4 Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về nông nghiệp và an ninh lương thực, phát triển nguồn nhân lực, lương hưu và luật thương mại quốc tế. Các Nghị quyết có nội dung thực chất và tích cực, được tất cả các nước ủng hộ và thông qua bằng đồng thuận.

Thứ ba, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ (PKO), đóng góp vào những nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình – an ninh quốc tế. Năm 2024 đánh dấu 10 năm tham gia PKO của Việt Nam, lực lượng Việt Nam tham gia PKO không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đã hỗ trợ thiết thực và gắn bó với người dân địa phương thông qua các hoạt động như dạy học, khám bệnh và phát thuốc miễn phí, dựng lớp học, giành được tình cảm và sự tin yêu của họ và thực sự trở thành những “sứ giả của hòa bình” ở mỗi địa bàn đóng quân, được chỉ huy phái bộ và lãnh đạo LHQ ghi nhận như một mô hình mẫu.

Đáng chú ý, tỷ lệ nữ quân nhân của Viêt Nam cao hơn tỷ lệ trung bình của LHQ và ngày càng tăng, thể hiện tính đại diện, tiếng nói và vai trò ngày càng cao của phụ nữ đối với các vấn đề hòa bình – an ninh quốc tế. Tháng 8/2024, Chính phủ đã chính thức công bố Chương trình hành động quốc gia đầu tiên về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) của Việt Nam, đánh dấu một cột mốc lịch sử trong cam kết của Việt Nam về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực hòa bình và an ninh.

Thứ tư, Việt Nam đã trúng cử vào các cơ chế hoạch định chính sách tại LHQ, cụ thể là Hội đồng chấp hành Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027 (4/2024) và Ủy ban Luật Thuơng mại quốc tế của LHQ (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2025-2031 (11/2024) với số phiếu cao, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, thành tựu của Việt Nam trong các lĩnh vực này và vị thế, uy tín ngày càng tăng của đất nước.

Thứ năm, ngoại giao đa phương tiếp tục được tận dụng để làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các nước, đặc biệt là những đối tác lớn, quan trọng với Việt Nam. Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79 (9/2024), Việt Nam đã ký Thông cáo chung thiết lập quan hệ ngoại giao với Malawi, nâng tổng số nước Việt Nam có quan hệ ngoại giao lên 194 nước trên thế giới. Trong ít ngày có mặt tại New York, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có hàng chục tiếp xúc song phương với Lãnh đạo các nước bên lề các hoạt động đa phương.

Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, duy trì quan hệ tốt đẹp, hữu nghị với hầu hết các quốc gia thành viên LHQ, qua đó không ngừng củng cố uy tín và vị thế đối ngoại của đất nước. Phát biểu tại phiên Thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng LHQ (9/2024), lần thứ hai trong hai năm liên tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh quan hệ Việt-Mỹ là hình mẫu trong quan hệ quốc tế về hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt qua khác biệt, xây dựng và phát triển quan hệ đối tác, vun đắp cho tương lai tốt đẹp hơn.

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng ngày 24/12. Công ước sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025. (Ảnh: PĐ)

Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay, Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của chủ nghĩa đa phương trong đó có LHQ trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, đồng thời Việt Nam đã góp sức như thế nào trong việc khẳng định sức sống của chủ nghĩa đa phương, thưa đại sứ?

Tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược, đối đầu nước lớn ngày càng gia tăng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cường quyền, dân tộc vị kỷ đặt ra nhiều thách thức đối với hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương, trong đó có cả với Liên hợp quốc (LHQ). Nguồn lực dành cho các tổ chức đa phương và đặc biệt cho các hoạt động phát triển dần bị co hẹp lại. Điều này đáng lo ngại bởi các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, an ninh lương thực… ngày càng gay gắt, đe dọa an ninh, ổn định của nhiều quốc gia.

Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, chủ nghĩa đa phương, hệ thống diễn đàn đa phương mà trung tâm là LHQ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, không thể thay thế. Không một quốc gia nào dù giàu có và nhiều tiềm lực đến đâu có thể tự mình giải quyết các thách thức toàn cầu, các thách thức an ninh phi truyền thống vốn không bị giới hạn bởi các đường biên giới hữu hình.

Đại dịch Covid-19 vừa qua là minh chứng rõ rệt của yêu cầu hợp tác đa phương nhằm ứng phó với bệnh dịch xuyên quốc gia, xuyên lục địa. Tuy các tiến trình quốc tế tiến triển có thể khiêm tốn, chậm chạp nhưng các diễn đàn đa phương và LHQ vẫn là những khuôn khổ quan trọng, không thể thiếu để các quốc gia đối thoại, thảo luận, bàn bạc, đàm phán nhằm tìm ra giải pháp cho các bài toán về an ninh, phát triển, xã hội ở cấp độ quốc tế. Điều quan trọng là cần nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò thiết yếu của chủ nghĩa đa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động, “sức sống” của các tổ chức đa phương, khiến chủ nghĩa đa phương là xu thế không thể đảo ngược trong đời sống quan hệ quốc tế.

Trên thực tế, Việt Nam luôn là quốc gia đi đầu ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cách tiếp cận đa phương để giải quyết các thách thức toàn cầu, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, hợp tác thay cho chia rẽ, đối đầu. Chủ trương này được Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định mạnh mẽ tại Đại hội đồng LHQ khóa 79 với thông điệp xuyên suốt “Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân” và được triển khai ở mọi tiến trình của LHQ mà Việt Nam tham gia.

Các đại biểu tham dự sự kiện công bố Chương trình hành động quốc gia đầu tiên về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (WPS) của Việt Nam tháng 8/2024. (Ảnh: QT)

Việt Nam luôn ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu và hưởng ứng các tiến trình lớn và quan trọng của LHQ, các sáng kiến của LHQ nhằm xử lý hiệu quả các thách thức chung.

Các đóng góp của Việt Nam tại các tiến trình này luôn khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương, đề cao cách tiếp cận toàn cầu để giải quyết các thách thức toàn cầu; đề cao tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.

Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam luôn đi đầu trong nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về duy trì hòa bình - an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững và quyền con người, là tấm gương điển hình của việc triển khai thành công các chương trình nghị sự đa phương và là minh chứng cho “sức sống” mạnh mẽ của hợp tác đa phương.

Bên cạnh đó, các sáng kiến của Việt Nam trong năm 2024 đều nhấn mạnh thúc đẩy đồng thuận, giảm thiểu bất đồng, khuyến khích sự tham gia của đại diện nhiều nhóm nước, nhiều nhóm khu vực khác nhau, bảo đảm mọi ý kiến đều được lắng nghe và tiếp thu tối đa.

Cũng chính vì vậy mà các sáng kiến Việt Nam đề xuất tại Đại hội đồng LHQ cũng như tại Hội đồng Nhân quyền LHQ đều được hưởng ứng mạnh mẽ, được thông qua bằng đồng thuận và có số nước đồng bảo trợ cao kỷ lục.

Trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên vươn mình ngoại giao đa phương Việt Nam nhất là trong khuôn khổ LHQ sẽ có những hướng đi mới nào để Việt Nam vững tin bước vào kỷ nguyên mới và những ưu tiên của Việt Nam tại LHQ trong năm 2025 là gì, thưa Đại sứ?

Năm 2025 đánh dấu thời điểm lịch sử, cả LHQ và Việt Nam sẽ cùng kỷ niệm 80 năm thành lập. Đối với LHQ, đây là dịp để ưu tiên rà soát, tự đánh giá, rút ra bài học và hướng tới tương lai.

Đối với Việt Nam, đất nước đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới. Từ một vùng đất không có tên trên bản đồ thế giới và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, có quan hệ rộng mở, có nên kinh tế đứng thứ 35 thế giới, thế và lực không ngừng được củng cố và nâng cao. Những thành tựu to lớn này chính là tiền đề để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tình hình trên đặt ra nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện và phát huy hơn nữa vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm, sẵn sàng “vươn mình” gánh vác nhiều hơn công việc chung của cộng đồng quốc tế và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Để hiện thực hóa khát vọng thực hiện “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, công tác đối ngoại, trong đó có đối ngoại đa phương cần phát chủ động, tích cực hơn nữa để đóng góp vào việc giữ vững độc lập, tự chủ và cục diện đối ngoại; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa.

Công tác đối ngoại đa phương cần có tư duy mới, cách làm mới, có sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, hiện đại, linh hoạt, kịp thời thích ứng với những chuyển biến nhanh của tình hình thế giới. Then chốt nhất là cần xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, nhạy bén, tận tâm tận hiến, đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên trên hết.

Với đặc thù là nơi giao thoa, tương tác với tất cả các quốc gia, đối ngoại đa phương tại LHQ cần chủ động, kịp thời nắm vững đặc điểm, xu thế của thời đại để dự báo chính xác, nắm bắt và tận dụng thời cơ, nhất là các thành tựu khoa học - công nghệ, đưa đất nước “đi tắt đón đầu”, tạo những bước phát triển đột phá vượt bậc.

Trong quan hệ với các quốc gia thành viên LHQ, đối ngoại đa phương cần không ngừng tạo sự đan xen về lợi ích trên nhiều lĩnh vực, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam với các nước, qua đó tạo thế và lực mới, củng cố và gia tăng vị thế đối ngoại của Việt Nam.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang chủ trì buổi ăn trưa làm việc với Đại sứ, đại diện của 11 nước sáng lập Nhóm bạn bè UNCLOS tháng 10/2024. (Ảnh: QT)

Trên tinh thần đó, trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thượng tôn luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ; củng cố vai trò, nâng tầm đóng góp cả về giải pháp và tài chính của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới tại LHQ, tăng cường ứng phó kịp thời và hiệu quả các thách thức toàn cầu; tham gia đóng góp thực chất vào duy trì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế, qua đó duy trì môi trường hòa bình, tạo thuận lợi và thu hút thêm nguồn lực cho sự phát triển của đất nước; định hình tương lai của Việt Nam và tương lai khu vực và thế giới, đặt mình vào dòng chảy chung của thế giới và thời đại.

Trong năm 2025, Việt Nam sẽ nỗ lực tổ chức thành công Lễ mở ký Công ước Tội phạm mạng, coi đây là điểm nhấn trong hợp tác Việt Nam-LHQ và phấn đấu nằm trong nhóm nước đầu tiên phê chuẩn Công ước Tội phạm mạng, thúc đẩy sớm phê duyệt Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ). Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào các tiến trình pháp lý phù hợp tại các cơ chế tài phán quốc tế, đặc biệt là tiến trình xin ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế ICJ về vấn đề biến đổi khí hậu.

Đồng thời, Việt Nam sẽ đảm nhiệm tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025, Hội đồng chấp hành UN Women 2025-2027, các cơ chế Hội đồng chấp hành UNESCO 2021-2025, Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) 2023-2027, UNCITRAL 2025-2031, đồng thời đẩy mạnh công tác vận động ứng cử vào các cơ chế quan trọng của LHQ, trước mắt là Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028, Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035.

Việt Nam cũng sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển các sáng kiến đã được thúc đẩy tại LHQ như Nhóm bạn bè Công ước LHQ về Luật biển UNCLOS, Ngày quốc tế về phòng chống dịch bệnh, các đề xuất sáng kiến tại HĐBA (Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu; Chương trình nghị sự Phụ nữ, hòa bình và an ninh…), dẫn dắt Nhóm nòng cốt thúc đẩy thành công sáng kiến Ngày quốc tế vui chơi.

Cuối cùng, Việt Nam sẽ duy trì thúc đẩy hợp tác, phối hợp với các nước ASEAN tại LHQ để phát huy đoàn kết, thống nhất trong tham gia và xử lý các vấn đề quốc tế, nhất là các vấn đề liên quan đến lợi ích và ổn định của khu vực, nâng cao vị thế và tiếng nói của ASEAN tại các diễn đàn đa phương, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Đọc bài gốc tại đây.