Anh nêu lý do không giúp Ukraine hạ UAV Nga như khi hỗ trợ Israel

16/04 10:37
 

Ngoại trưởng Anh cho biết London không hỗ trợ Ukraine đối phó UAV Nga như khi giúp Israel do muốn tránh đụng độ trực tiếp với Moskva.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 14/4 cho biết không quân nước này đã bắn hạ một số máy bay không người lái (UAV) tự sát do Iran phóng trong cuộc tập kích hiệp đồng quy mô lớn của Tehran vào lãnh thổ Israel đêm trước đó.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 15/4, Ngoại trưởng Anh David Cameron được hỏi lý do London không bắn hạ UAV Nga để hỗ trợ Ukraine như khi giúp Israel. "Để ngăn xung đột leo thang thành cuộc chiến rộng hơn ở châu Âu, cần phải tránh không cho lực lượng NATO giao tranh trực tiếp với binh sĩ Nga", ông Cameron trả lời.

Iran đêm 13/4, rạng sáng 14/4 phóng hơn 300 UAV, tên lửa nhằm vào nhiều mục tiêu ở Israel để đáp trả vụ tập kích tòa lãnh sự ở Damascus, Syria hồi đầu tháng. Quân đội Israel đã phối hợp cùng các đồng minh Mỹ, Anh, Pháp và Jordan đánh chặn 99% quả đạn do Iran phóng ra.

Ngoại trưởng Cameron cho rằng trên chiến trường Ukraine, việc dùng tiêm kích để đánh chặn tên lửa, UAV không hiệu quả như hệ thống phòng không chuyên dụng và Kiev cần phải được chuyển giao thêm các khí tài như vậy, cụ thể là tổ hợp Patriot. Quân đội Anh hiện không biên chế hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.

Theo Ngoại trưởng Cameron, điều tốt nhất mà Anh và các nước khác có thể làm với Ukraine là tiếp tục cung cấp hỗ trợ về tài chính, vũ khí, thay vì trực tiếp tham chiến và bắn hạ UAV, tên lửa Nga. Quan chức này cũng nhấn mạnh Anh là một trong những quốc gia đã hỗ trợ Ukraine nhiều nhất từ đầu xung đột.

"Chúng tôi đã huấn luyện hơn 60.000 binh sĩ Ukraine và là nước đầu tiên cung cấp cho họ vũ khí chống tăng, pháo tầm xa và xe tăng", ông Cameron nói.

Nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO gần đây gia tăng sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cuối tháng 2 tuyên bố "phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân tới Ukraine" và khẳng định sẵn sàng làm mọi điều để ngăn Nga giành thắng lợi trong cuộc xung đột.

Một số nước Đông Âu ủng hộ ý tưởng của ông Macron, song Đức, Anh và nhiều quốc gia châu Âu khác phản đối. Nga cũng chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố của Tổng thống Pháp, cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu NATO làm điều này.

Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hồi đầu tháng khẳng định Moskva sẽ không bắt sống binh sĩ NATO nếu họ tham chiến ở Ukraine, thay vào đó sẽ ưu tiên tiêu diệt.

Ukraine gần đây hứng chịu nhiều cuộc tập kích quy mô lớn bằng tên lửa, UAV tầm xa của Nga, khiến hạ tầng năng lượng của nước này bị thiệt hại nghiêm trọng. Các cuộc tấn công gia tăng trong bối cảnh Kiev đang thiếu hụt khí tài và đạn phòng không do nguồn cung từ phương Tây sụt giảm, nên không thể đánh chặn hiệu quả các đòn tập kích của đối phương.

Giới chuyên gia nhận định Nga muốn tận dụng tình trạng này của Ukraine để gây sức ép lên hậu phương của Kiev, khiến nước này phải rút bớt nguồn lực tại tiền tuyến, tạo điều kiện để lực lượng của Moskva có thể đẩy mạnh đà tiến công về hướng tây.

Phạm Giang (Theo LBC, UP, RT)

Đọc bài gốc tại đây.