Belarus kiểm tra đột xuất lực lượng hạt nhân

08/05 07:37
 

Quân đội Belarus tổ chức kiểm tra đột xuất các đơn vị và phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến thuật theo lệnh Tổng thống Lukashenko.

Bộ Quốc phòng Belarus ngày 7/5 thông báo nhận lệnh tổ chức kiểm tra đột xuất từ Tổng thống Alexander Lukashenko. Quân đội Belarus điều động một sư đoàn tên lửa chiến thuật Iskander và một phi đoàn cường kích Su-25 tham gia đợt kiểm tra.

Cơ quan này không công bố thời gian và địa điểm cụ thể diễn ra hoạt động. "Chúng tôi sẽ kiểm tra công tác lập kế hoạch, chuẩn bị và tập kích bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong đợt này", thông cáo có đoạn.

Ông Lukashenko tuyên bố cuộc kiểm tra "hoàn toàn nhằm mục tiêu phòng thủ", khẳng định quân đội Belarus cần diễn tập phóng tên lửa đẩy lùi đợt tấn công giả định nhắm vào nước này. "Tôi là một người yêu hòa bình và không muốn chiến tranh", ông nói.

Đợt kiểm tra của Belarus diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin lệnh cho quân đội Nga diễn tập hạt nhân nhằm "đáp trả đe dọa từ phương Tây".

Quân đội Nga khẳng định đợt diễn tập nhằm bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đáp trả những tuyên bố khiêu khích và lời đe dọa nhằm vào Nga từ một số quan chức phương Tây.

Các đơn vị tên lửa thuộc Quân khu miền Nam được điều động tham gia, đặt mục tiêu tăng cường khả năng sẵn sàng và năng lực chiến đấu của lực lượng hạt nhân phi chiến lược. Nga không công bố cụ thể thời gian diễn tập, song cho biết không quân và hải quân cũng sẽ tham gia.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hồi tháng 6/2023 xác nhận một số đầu đạn hạt nhân đã được bí mật chuyển tới nước này. Tổng thống Putin nói động thái của Nga tương tự Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân quốc gia thành viên NATO.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật thường có sức công phá nhỏ, được thiết kế để tấn công các sở chỉ huy, căn cứ, điểm tập trung quân của đối phương ở tiền tuyến.

Chúng không được dùng để phá hủy các thành phố, cơ sở công nghiệp quốc phòng cách xa chiến trường. Loại vũ khí này phát triển từ thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh nhằm răn đe đối phương, song chưa nước nào từng sử dụng chúng trong thực tế.

Thanh Danh (Theo AFP)

Đọc bài gốc tại đây.