Châu Âu chuẩn bị ra sao cho nhiệm kỳ 6 năm tới của Tổng thống Putin?

07/05 19:56
 

Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 5 vào ngày 7-5 của ông Putin diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang chuẩn bị sẵn sàng nhằm đối phó với những động thái tiếp theo của Tổng thống Nga.

Trước đó, ngày 6-5, Nga thông báo sẽ tổ chức cuộc tập trận quân sự, trong đó thực hành sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, sau “các mối đe dọa và tuyên bố khiêu khích” từ giới chức phương Tây.

Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhận định hành động trên là quyết định “nguy hiểm”, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của người Nga và thấm sâu vào mọi tầng lớp xã hội tại quốc gia đang hứng chịu vô số lệnh cấm vận này.

Tuy nhiên, áp lực từ cộng đồng quốc tế không đủ sức khiến người dân Nga quay lưng với ông Putin. Chính điều này đặt ra thách thức cho phương Tây - những nước ủng hộ Ukraine. 

Chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang

Theo báo Politico, chiến sự Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3 nhưng có vẻ ông Putin không có ý định đi chệch khỏi mục tiêu ban đầu, đó là kiểm soát Ukraine và đối kháng trực tiếp với phương Tây.

Trong bối cảnh này, sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc cùng lo ngại về khả năng ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng cũng ảnh hưởng đến gói viện trợ Ukraine của Mỹ.

  • Mỹ và phương Tây tẩy chay lễ nhậm chức của ông PutinĐỌC NGAY

Nói cách khác, nếu ông Donald Trump tái đắc cử vào cuối năm nay, Washington có khả năng tập trung nguồn lực vào Trung Quốc và chính điều này khiến châu Âu cảm thấy “lạc lõng” nếu phát sinh xung đột vũ trang giữa khối này với Nga.

“Mối đe dọa chiến tranh có thể không xảy ra, nhưng không phải không có khả năng... Đã đến lúc châu Âu phải tiến lên”, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhận định.

Lời cảnh báo của Chủ tịch EC nêu bật khả năng Nga sẽ mở một cuộc tấn công vào một nước châu Âu nào đó nhằm điều tra về các cam kết phòng thủ của NATO. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho hay các chuyên gia quân sự nhận định khoảng năm đến tám năm nữa, một cuộc xung đột vũ trang có thể sẽ nổ ra.

EC hiện đang lên kế hoạch triển khai một chiến lược mới trong lĩnh vực quốc phòng. Mục tiêu của chiến lược này là nhằm tăng cường sản xuất vũ khí, đồng thời tìm kiếm nguồn tài chính để nâng cấp kho vũ khí hiện có.

Theo báo El Pais (Tây Ban Nha), châu Âu đang phải đối mặt tình trạng cấp bách trong bối cảnh khối này mong muốn nâng cao năng lực phòng thủ để hỗ trợ Ukraine trong ngắn hạn, và hơn hết, ngăn chặn các bước tiến tiếp theo của Nga trong trung hạn.

Cựu quan chức NATO đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) William Alberque cho biết nếu châu Âu tăng cường phòng thủ, Nga sẽ không tấn công. 

Ông khẳng định Nga chỉ tấn công vào nơi yếu ớt chứ không phải những nơi có hệ thống phòng thủ mạnh mẽ. Tuy nhiên, châu Âu đã bỏ bê việc phòng thủ suốt 30 năm qua. 

Theo ông, đây là thách thức lớn của châu Âu và vấn đề sẽ được giải quyết nếu khối này cam kết nỗ lực lâu dài.

Cấm các nguồn tài trợ từ Nga

Trước nhiệm kỳ mới của ông Putin, EC đã đề xuất lệnh cấm các đảng chính trị, viện nghiên cứu và các tổ chức liên quan nhận nguồn tài trợ từ Nga. Hành động này là một phần của gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga, theo Hãng tin Bloomberg.

Các biện pháp trừng phạt mới hiện đang được thảo luận bao gồm cấm nhập khẩu khí helium từ Nga, siết chặt các hạn chế xuất khẩu quặng mangan và các khoáng sản hiếm khác, đồng thời cấm 11 tàu vận tải bị nghi ngờ hỗ trợ các hoạt động tấn công của Nga cập cảng.

Đức thề bảo vệ các quốc gia vùng Baltic

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ bảo vệ ba đồng minh NATO khu vực biển Baltic bao gồm Latvia, Estonia và Lithuania trong trường hợp Nga thực hiện các cuộc tấn công vũ trang trong tương lai.

“Một cuộc tấn công nhằm vào các bạn cũng chính là nhằm vào tất cả chúng tôi. Đức thề sẽ đứng về phía các quốc gia vùng Baltic”, ông Scholz tuyên bố ngày 6-5 (giờ địa phương), sau cuộc hội đàm ở thủ đô Riga (Latvia) với những người đồng cấp từ Latvia, Estonia và Lithuania.

Theo đó, Đức đã điều động 20 binh sĩ đến Lithuania vào tháng 4 và dự kiến sẽ nâng lên 150 binh sĩ vào cuối năm nay. 

Ngoài ra, khoảng 5.000 binh sĩ sẽ được tăng cường tại các căn cứ quân sự ở Lithuania và khu vực biên giới với Belarus.

Đọc bài gốc tại đây.