Ngày 21/1, Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình bạo lực vũ trang đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Catatumbo, Đông Bắc nước này.
Vùng Catatumbo ở Đông Bắc Colombia, bao gồm 11 đô thị ở Norte de Santander, là nơi có nhiều nhóm vũ trang cạnh tranh nhau để giành quyền kiểm soát các tuyến đường và hoạt động buôn bán ma túy béo bở. (Nguồn: Insight Crime) |
Hãng tin AP cho hay, theo Tổng thống Petro, đây có thể là một trong những sự kiện tồi tệ nhất mà Colombia phải đối mặt trong lịch sử đương đại, kể từ thời kỳ xung đột giữa phe tự do và phe bảo thủ năm 1899.
Tin liên quan |
Nối lại hoà đàm giữa chính phủ Colombia và lực lượng ELN |
Ông cho biết, đến nay đã xác nhận được 32 trường hợp tử vong, nhưng cảnh báo con số này có thể tăng lên bởi tại nhiều khu vực giao tranh mà lực lượng chức năng vẫn chưa thể tiếp cận.
Theo Văn phòng thanh tra, cuộc khủng hoảng do lực lượng Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) gây ra ở Catatumbo, một khu vực thuộc tỉnh Norte de Santander, đã khiến khoảng 20.000 người phải di dời và 80 người thiệt mạng.
Tổng thống Petro cũng thừa nhận thất bại của cơ quan tình báo nước này, do đó tạo điều kiện cho ELN tiến hành các hoạt động vũ trang, sát hại nhiều người trong những ngày gần đây.
Hôm 20/1, Tổng thống Petro đã ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó với tình trạng bạo lực đẫm máu giữa các lực lượng vũ trang xảy ra ở Catatumbo, trao cho chính quyền khu vực biên giới quyền hạn chế di chuyển, cùng các công cụ pháp lý khác để kiểm soát tình hình.
Bạo lực leo thang đã buộc Tổng thống Gustavo Petro phải đình chỉ tiến trình hòa đàm với ELN hôm 17/1, cáo buộc nhóm vũ trang này không có thiện chí hòa bình.
Sau khi Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ Colombia năm 2016, nhiều khu vực từng do lực lượng này chiếm đóng đã rơi vào tình trạng không có cơ quan quản lý, tạo cơ hội cho ELN mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ.
Trong khi đó, không phải thành viên nào trong FARC cũng đồng ý tham gia thỏa thuận hòa bình với chính phủ Colombia. Một số nhóm bất đồng chính kiến tiếp tục hoạt động vũ trang và tìm cách kiểm soát các khu vực chiến lược.
Chính điều này đã dẫn đến các cuộc đụng độ trực tiếp giữa ELN và những nhóm tách ra từ FARC ở các khu vực giàu tài nguyên về dầu mỏ, mỏ khoáng sản hay các tuyến đường buôn bán ma túy.
Liên quan tình hình ở Colombia, cũng ngày 21/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình trạng bạo lực hiện nay, đồng thời kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành vi chống lại dân thường cũng như cho phép tiếp cận không có bất kỳ hạn chế nào với các hoạt động nhân đạo.
Các cơ quan của LHQ tại Colombia đã hỗ trợ chính phủ trong công tác ứng phó nhân đạo, cũng như sơ tán những người gặp nguy hiểm. Ông Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Hiệp định Hòa bình tại quốc gia Nam Mỹ này.
Đọc bài gốc tại đây.