Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định 4 yếu tố tạo nên sức ảnh hưởng rất lớn của Tổng thống Trump và 5 thành tố của ‘học thuyết Trump’ nhằm đặt nước Mỹ ở trung tâm của các thay đổi địa chính trị và đảm bảo tối đa lợi ích.
Tầm nhìn "America First" (nước Mỹ trên hết) của ông Donald Trump nhấn mạnh ưu tiên lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo của Mỹ. (Nguồn: ABC News) |
Ngay cả khi ông Donald Trump chưa nhậm chức, nhiều “câu chuyện lớn” như xung đột Nga-Ukraine, Trung Đông, kinh tế thế giới… đã có những đổi thay bước ngoặt. Điều đó phải chăng chứng tỏ sức ảnh hưởng của ông Trump là rất lớn, thưa Đại sứ?
Ngay cả khi chưa nhậm chức lần hai, sức ảnh hưởng của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã rất lớn và "khủng khiếp". Điều này có thể được lý giải bởi 4 yếu tố chính: Phong cách lãnh đạo mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược khác biệt, khả năng định hình dư luận quốc tế và đặc biệt là sự khó đoán định trong các quyết sách.
Thứ nhất, phong cách lãnh đạo quyết đoán của ông Donald Trump đã tạo dấu ấn từ nhiệm kỳ đầu tiên. Ông Trump không ngần ngại sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao để đạt được lợi ích quốc gia.
Các quyết sách cứng rắn, đôi khi gây tranh cãi, đã khiến cả đồng minh lẫn đối thủ phải điều chỉnh chiến lược để thích nghi. Điều này lý giải tại sao ngay khi kết quả bầu cử 2024 được công bố, các nước lớn như Trung Quốc, Nga, cũng như các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu và châu Á, lập tức rà soát lại các chính sách đối ngoại để chuẩn bị ứng phó với các kịch bản mà chính quyền Trump 2.0 có thể mang lại.
Thứ hai, tầm nhìn "America First" (nước Mỹ trên hết) của ông Trump nhấn mạnh ưu tiên lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo của Mỹ. Với những phát biểu như yêu cầu đồng minh tăng chia sẻ trách nhiệm quốc phòng, tăng cường áp lực đối với Trung Quốc, hay thậm chí đề xuất kiểm soát kênh đào Panama... của ông Trump đã làm thay đổi cục diện địa chính trị ngay cả trước khi nhậm chức.
Điều này đặc biệt rõ ràng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi các nước như Nhật Bản và Australia phải chuẩn bị cho khả năng leo thang căng thẳng khi Mỹ gia tăng hiện diện quân sự để đối phó với Trung Quốc.
Thứ ba, khả năng định hình dư luận quốc tế của ông Trump là một nhân tố quan trọng. Ông Trump không chỉ sử dụng truyền thông xã hội để khuấy động dư luận mà còn khiến thế giới phải tập trung vào những chủ đề ông muốn nhấn mạnh, từ việc đề nghị "mua" Greenland, mong muốn Canada trở thành tiểu bang thứ 51 đến vai trò của Mỹ trong NATO.
Điều này khiến các nước không chỉ quan tâm đến những tuyên bố của ông Trump mà còn cảm thấy áp lực trong việc điều chỉnh chiến lược để tránh rơi vào thế bất lợi.
Thứ tư, và cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng, là sự khó đoán định trong phong cách lãnh đạo của ông Trump, điều này gây bối rối không chỉ cho các đối thủ mà còn cho cả đồng minh.
Ví dụ, ý tưởng gây tranh cãi về việc sáp nhập Greenland đã khiến Đan Mạch và NATO bất ngờ và lúng túng, trong khi đề xuất áp thuế cao đối với hàng hóa từ Mexico ngay sau khi nhậm chức đã làm dấy lên lo ngại trong quan hệ song phương.
Trường hợp Canada là một ví dụ khác: Dù là đồng minh gần gũi, Canada từng đối mặt với các chỉ trích mạnh mẽ từ ông Trump trong vấn đề thương mại và nhập cư khiến Ottawa phải thực hiện nhiều điều chỉnh để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.
Yếu tố khó đoán định này không chỉ làm gia tăng sự bất ổn trong quan hệ quốc tế mà còn tạo lợi thế cho ông Trump trong việc dẫn dắt các cuộc đàm phán. Bằng cách giữ cho đối thủ luôn trong trạng thái bất ngờ và bị động đối phó, ông Trump có thể định hình lại cục diện ở thế thượng phong theo hướng có lợi cho Mỹ.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho các đồng minh khi phải đối mặt với một đối tác không dễ dự báo, buộc họ phải linh hoạt hơn trong việc xây dựng quan hệ với chính quyền Trump 2.0.
Tóm lại, sức ảnh hưởng của ông Trump không chỉ đến từ tầm nhìn chính trị rõ ràng hay phong cách lãnh đạo quyết đoán, mà còn từ sự khó đoán định và khả năng tận dụng yếu tố này để đạt được mục tiêu chiến lược. Chính điều này khiến cả đồng minh lẫn đối thủ đều phải cảnh giác và chuẩn bị kỹ lưỡng, ngay cả trước khi ông Trump chính thức trở lại Nhà Trắng.
Một đặc điểm nổi bật trong "học thuyết Trump" là việc công khai thách thức các đồng minh phương Tây dựa trên sự khác biệt ý thức hệ. (Nguồn: Sky News) |
"Học thuyết Trump" về đối ngoại đang được nhắc đến ngày càng nhiều. Theo Đại sứ, đã đến lúc định hình rõ hơn về học thuyết này chưa? Những thành tố chính của học thuyết này là gì, và nó sẽ định hình vai trò của Mỹ trong cục diện thế giới ra sao?
"Học thuyết Trump" về đối ngoại đang được định hình ngày một rõ nét ngay cả khi ông Trump chưa chính thức nhậm chức trong nhiệm kỳ thứ hai. Học thuyết này dựa trên ba nền tảng chính: (i) Cam kết nước Mỹ trên hết (America First), tập trung vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia Mỹ, (ii) bài học từ các can thiệp quân sự thất bại trong quá khứ, và (iii) tầm nhìn về một trật tự toàn cầu mới và định hình lại các liên minh quốc tế dựa trên ý thức hệ bảo thủ
Từ nền tảng này, "học thuyết Trump" phản ánh sự thay đổi căn bản trong tư duy đối ngoại của Mỹ. Chính sách của Mỹ dưới chính quyền ông Trump sẽ không chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh các ưu tiên quốc gia mà còn đặt ra mục tiêu tái định hình cấu trúc quyền lực toàn cầu, nơi Mỹ không chỉ giữ vai trò trung tâm mà còn chủ động dẫn dắt các thay đổi.
"Học thuyết Trump" bao gồm 5 thành tố chính sau:
Một là, ưu tiên lợi ích quốc gia thông qua tự chủ kinh tế và bảo hộ thương mại.
Cam kết "America First" là trụ cột cốt lõi của học thuyết này. Ông Trump nhấn mạnh việc khôi phục sức mạnh kinh tế Mỹ thông qua chính sách bảo hộ thương mại và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Chính sách "Made in America" tiếp tục được thúc đẩy nhằm tái công nghiệp hóa, tạo ra việc làm trong nước và bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược của Mỹ.
Trong nỗ lực này, ông Trump còn đề xuất thành lập Cục Doanh thu đối ngoại (External Revenue Service), nhằm thu thuế nhập khẩu từ các quốc gia đang hướng lợi từ việc buôn bán, làm ăn với Mỹ. Đây là một phần trong chiến lược của chính quyền ông Trump nhằm tăng nguồn thu ngân sách quốc gia, giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy công bằng kinh tế.
Ngoài ra, ông Trump tiếp tục đàm phán lại các hiệp định kinh tế, yêu cầu các đối tác thương mại chia sẻ công bằng hơn trách nhiệm kinh tế và giảm gánh nặng bất bình đẳng mà các hiệp định trước đây đã đặt lên Mỹ.
Hai là, cạnh tranh quyết liệt với các siêu cường.
"Học thuyết Trump" coi Trung Quốc và Nga là những đối thủ chiến lược hàng đầu cần phải kiềm chế. Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Trump sử dụng các biện pháp như áp thuế mạnh mẽ lên hàng hóa Trung Quốc, áp đặt các biện pháp cấm vận kinh tế, và hạn chế tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ. Đây là cách tiếp cận nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo và chip bán dẫn.
Với Nga, ông Trump nhấn mạnh đến việc củng cố các liên minh an ninh nhằm đối phó với sự mở rộng ảnh hưởng của Moscow, đặc biệt ở châu Âu và Bắc Cực. Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, ông Trump yêu cầu các đồng minh NATO tăng cường đóng góp tài chính và tự chủ quốc phòng, giảm gánh nặng chi phí quân sự cho Mỹ nhưng vẫn bảo đảm rằng Nga không vượt qua các giới hạn đã được thiết lập.
Ba là, xây dựng trật tự mới của thế giới phương Tây dựa trên ý thức hệ bảo thủ.
Một đặc điểm nổi bật trong "học thuyết Trump" là việc công khai thách thức các đồng minh phương Tây dựa trên sự khác biệt ý thức hệ. Theo các chiến lược gia cộng hòa, các chính phủ cánh tả tại Canada, Anh, Đức, và Pháp đã “làm suy yếu” trật tự quốc tế thông qua toàn cầu hóa và các chương trình nghị sự cấp tiến, mâu thuẫn với các giá trị bảo thủ mà chính quyền ông Trump mới lên đang đại diện.
Các chiến lược gia cánh hữu chủ trương thay đổi chính quyền tại các nước đồng minh này bằng cách hỗ trợ các đảng đối lập bảo thủ để thành lập các chính quyền có sự tương đồng về ý thức hệ với Mỹ.
Tại Canada, ông Trump chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Thủ tướng Justin Trudeau và hoan nghênh sự thay đổi chính quyền theo xu hướng bảo thủ, thân Mỹ hơn. Tại Anh, các đồng minh thân cận của ông Trump như Elon Musk liên tục tấn công Thủ tướng Keir Starmer của Công đảng, đồng thời ủng hộ các đảng cánh hữu như Đảng Cải cách (Reform Party) ở Anh nhằm tạo sự chuyển đổi chính trị.
Tương tự, các nhân vật ủng hộ MAGA (Make America great again) cũng dành sự ủng hộ đặc biệt cho Mặt trận quốc gia Pháp (National Front) của chính trị gia cánh hữu Jean-Marie Le Pen, hay Đảng Cánh hữu lựa chọn khác cho nước Đức AFD (Alternative for Germany) để thay thế cho các đảng cánh tả truyền thống. Thậm chí, tỷ phú Elon Musk còn công khai cổ vũ việc "Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại" (Make Europe great again), tương tự như khẩu hiệu tranh cử và chương trình nghị sự của ông Trump "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Mục tiêu sâu xa hơn của ông Trump là xây dựng một trật tự phương Tây mới dựa trên ý thức hệ bảo thủ, nơi các đồng minh chia sẻ các giá trị tương đồng với chính quyền Cộng hòa Mỹ. Sự thay đổi này được xem là điều kiện cần thiết để Mỹ duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Dù quan hệ với các đồng minh căng thẳng chưa từng có, nhưng chính quyền Trump coi đây là chiến lược dài hạn để tái định hình trật tự thế giới theo lợi ích và giá trị của Mỹ.
Bốn là, “hòa bình dựa trên sức mạnh”.
Ông Trump cam kết chấm dứt các cuộc chiến kéo dài và không cần thiết mà Mỹ từng tham gia trong quá khứ. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng Mỹ sẽ không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội của mình để răn đe các đối thủ hoặc bảo vệ lợi ích quốc gia.
Luận thuyết “hòa bình dựa trên sức mạnh” của ông Trump dựa trên giả định khả năng quân sự vượt trội sẽ khiến các đối thủ không dám thách thức Mỹ. Việc tăng cường ngân sách quốc phòng, hiện đại hóa quân đội, và duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ tại các khu vực chiến lược như Trung Đông và Biển Đông là những biện pháp cụ thể trong chính sách này.
Năm là, chủ nghĩa đa phương thực dụng.
Ông Trump không bác bỏ hoàn toàn vai trò của các tổ chức quốc tế nhưng yêu cầu chúng phải phục vụ trực tiếp lợi ích của Mỹ. Ông chỉ trích các tổ chức như WTO và WHO vì thiếu minh bạch và cho rằng chúng không còn phù hợp với thực tiễn mới. Trong trường hợp cần thiết, Mỹ sẵn sàng rút lui hoặc tái đàm phán các cam kết với các tổ chức này.
Trong vấn đề biến đổi khí hậu, ông Trump từ chối tham gia các thỏa thuận quốc tế nhưng khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch và công nghệ xanh. Đây là cách tiếp cận thực dụng nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường mà không làm suy yếu nền kinh tế Mỹ.
"Học thuyết Trump" về đối ngoại phản ánh sự kết hợp giữa lợi ích quốc gia, sức mạnh quân sự, và ý thức hệ bảo thủ, nhằm tái định hình trật tự toàn cầu theo hướng có lợi cho Mỹ. Học thuyết này không chỉ đặt Mỹ ở trung tâm của các thay đổi địa - chính trị mà còn thúc đẩy một tầm nhìn mới về vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thế kỷ XXI.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Đón đọc Kỳ cuối: Tâm điểm châu Á-Thái Bình Dương và ‘điểm nóng’ cạnh tranh Mỹ-Trung
Đọc bài gốc tại đây.