Hai ngày trước lễ nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump khẳng định đây là "kỳ cuối tuần quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ".
Ông Donald Trump đã thể hiện sự hào hứng, dù đây là lần thứ hai ông nhậm chức, qua bài đăng trên tài khoản Truth Social vào sáng 18-1 (giờ Washington D.C.). Trong bài, ông ký tắt tên mình và viết: "Sắp tới: KỲ CUỐI TUẦN QUAN TRỌNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ MỸ. HÃY TẬN HƯỞNG! DJT."
Hòa bình Trung Đông
Thiệt ra, Tổng thống đắc cử Donald Trump muốn dân chúng Mỹ cùng chia sẻ niềm vui của ông bởi ông còn đang bận rộn, không có nhiều thời gian để tận hưởng niềm vui trở lại quyền lực.
Có những chuyện tối quan trọng mà các lãnh đạo khác đã và đang cùng ông giải quyết, bắt đầu là cơ may hòa bình ở Trung Đông.
Tài khoản X của Thủ tướng Israel loan báo: "Tối nay, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã có cuộc nói chuyện với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Thủ tướng) cảm ơn ông vì đã hỗ trợ thúc đẩy việc thả các con tin và giúp Israel chấm dứt nỗi đau khổ của hàng chục con tin cùng gia đình họ".
Đây không là một mẩu loan báo mang tính ngoại giao chào đón tổng thống sắp nhậm chức của Mỹ mà là một lời cảm ơn thực sự.
Do lẽ chính đặc phái viên Steve Witkoff của ông Trump đã đàm phán với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong tuần rồi và nhấn mạnh với ông này rằng mong muốn của ông Trump là thấy một thỏa thuận được hoàn tất kịp ngày ông nhậm chức, còn phái viên Trung Đông Brett McGurk bấy lâu nay của tổng thống mãn nhiệm chỉ tham gia qua điện thoại, tờ New York Times ngày 15-1 tiết lộ.
Cũng theo Phủ thủ tướng Israel, ông Netanyahu đã nói rõ ông cam kết sẽ trả lại tất cả các con tin bằng mọi cách có thể, và tán dương Tổng thống đắc cử Mỹ vì những phát biểu Mỹ sẽ hợp tác với Israel để đảm bảo rằng Gaza sẽ không bao giờ trở thành thiên đường cho chủ nghĩa khủng bố.
Chi tiết sau cùng này được tờ Le Figaro ngày 19-1 diễn tả như sau: "Trước khi thỏa thuận giữa Israel và Hamas được công bố hôm thứ tư (15-1), tổng thống đắc cử đã tuyên bố rằng phong trào Hồi giáo Palestine sẽ sống trong "địa ngục" nếu không trả tự do cho các con tin bị giam giữ ở Gaza".
Quan hệ với Bắc Kinh
Vào lúc 9h28 tối 17-1, ở thời khắc cuối của kỳ cuối tuần trước khi nhậm chức, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết ông đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo ông, cuộc gọi này rất tốt cho cả Trung Quốc và Mỹ, và rằng ông kỳ vọng hai ông sẽ cùng nhau ngay lập tức giải quyết nhiều vấn đề.
Ông Trump đang phải đối mặt với nhiều thách thức quan trọng liên quan đến Trung Quốc, đặc biệt ba vấn đề then chốt đối với nước Mỹ.
Thứ nhất là thâm hụt thương mại: Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc được báo USA Today đăng tải ngày 15-1, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã đạt đỉnh 48,8 tỉ USD vào tháng 12 - mức cao nhất trong năm 2024 và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ hai là fentanyl - loại ma túy đang trở thành nỗi ám ảnh của xã hội Mỹ, được phản ánh qua nhiều bộ phim Hollywood.
Cuối cùng là TikTok - không chỉ là nghiện "bấm bấm" mà còn tiềm ẩn nguy cơ an ninh, theo ông Trump.
Trong bối cảnh đó, câu hỏi đặt ra "ai đã gọi ai?" có câu trả lời. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tối 17-1, "Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận được cuộc gọi từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald J. Trump".
Sau khi gửi lời chúc mừng ông Trump tái đắc cử và bày tỏ hy vọng về mối quan hệ Trung - Mỹ tốt đẹp hơn, ông Tập nhấn mạnh: "Việc hai nước lớn có những điều kiện quốc gia khác nhau dẫn đến một số bất đồng là điều tự nhiên".
Tuy nhiên, "điều quan trọng là hai bên cần tôn trọng lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của nhau, đồng thời tìm ra giải pháp phù hợp".
Theo quan điểm của Trung Quốc, Mỹ cần tiếp cận vấn đề Đài Loan - liên quan trực tiếp đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ - một cách thận trọng. Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước về căn bản vẫn mang tính cùng có lợi.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: "Đối đầu và xung đột không nên là lựa chọn của hai nước. Hai bên cần tuân thủ các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, đồng thời tăng cường hợp tác chặt chẽ để thực hiện nhiều việc lớn, thiết thực và tốt đẹp hơn, mang lại lợi ích cho cả hai nước và thế giới".
Hòa bình ở Ukraine?
Cũng theo báo Le Figaro đã nêu ở trên, ông Trump cũng muốn chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, song thời gian biểu như thế nào còn chưa rõ ràng: Sau khi nói về việc chấm dứt các hành động thù địch trong vòng 24 giờ, gần đây ông đã đề cập đến một khung thời gian là 6 tháng.
Tất nhiên, điều này tùy thuộc vào Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước đó, hôm thứ hai tuần trước (6-1), ông Trump tiết lộ: "Tôi biết ông Putin muốn gặp tôi sớm. Tôi cũng muốn gặp sớm".
Và rồi dường như ông muốn giải thích sự trễ nải này bằng việc ông bận rộn chuyện nhậm chức hơn là do thời cơ chưa chín muồi, nên mới có sự dời lại khoảng 6 tháng: "Phải dọn vô văn phòng. Có một số chuyện buộc phải có mặt ở đó".
Những cam kết của ông Trump về việc giải quyết chiến tranh Ukraine - từ hứa hẹn ban đầu chỉ trong 24 giờ, sau đó là 6 tháng - dường như không có mấy sức nặng với Điện Kremlin.
Dù là tác giả của cuốn Nghệ thuật đàm phán, nhà kinh doanh Donald Trump hiện tỏ ra không thực sự hiệu quả trong việc giải quyết xung đột thực tế.
Kế hoạch hòa bình do đặc phái viên Nga - Ukraine Keith Kellogg - nguyên đại tướng - thiết kế đã không đạt được tiến triển như mong đợi.
Điều này xảy ra bất chấp việc ông Trump đồng thuận với quan điểm của Tổng thống Nga Putin cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO là mối đe dọa đối với an ninh của Nga và Ukraine sẽ phải từ bỏ tham vọng này.
Theo nguồn tin trên, đặc phái viên Kellogg đã phải hủy chuyến thăm dự kiến tới Kiev, theo trang The Conversation ngày 17-1.
Đọc bài gốc tại đây.