Ngày 23/1, Bộ trưởng Năng lượng Italy Gilberto Pichetto Fratin cho biết chính phủ nước này muốn khôi phục sản xuất điện hạt nhân sau gần 40 năm gián đoạn do thảm họa Chernobyl gây ra.
Nhà máy điện hạt nhân bị cấm ở Italy sau các cuộc trưng cầu ý dân vào các năm 1987 và 2011. (Nguồn: Getty) |
Trả lời phỏng vấn nhật báo Il Sole 24 Ore, Bộ trưởng Pichetto Fratin khẳng định "Italy đã sẵn sàng quay trở lại năng lượng hạt nhân, một lựa chọn quan trọng, không thay thế năng lượng tái tạo mà sẽ bổ sung cho chúng, bảo đảm cơ cấu năng lượng cân bằng và bền vững".
Ông Pichetto Fratin nói thêm, dự thảo luật đầu tiên sẽ được đệ trình để nội các phê duyệt trong vòng 2 tuần tới, với hy vọng quốc hội có thể phê duyệt dự thảo trong năm nay.
Tin liên quan |
Nga lại trở thành 'người khổng lồ' ở EU; giá khí đốt tăng vọt, cuộc khủng hoảng năng lượng mới 'gõ cửa' châu Âu? |
Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Giorgia Meloni cho biết các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và lò phản ứng mô-đun tiên tiến có thể giúp khử carbon cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất của Italy, bao gồm thép, thủy tinh và sản xuất gạch ốp lát.
Nhà máy điện hạt nhân bị cấm ở Italy sau các cuộc trưng cầu ý dân vào các năm 1987 và 2011, nhưng hiện chính phủ soạn thảo các quy tắc để dỡ bỏ lệnh cấm thông qua sử dụng công nghệ điện hạt nhân mới.
Italy từng dẫn đầu châu Âu về sản xuất năng lượng hạt nhân và có 4 nhà máy thương mại đồng thời cung cấp khoảng 5% sản lượng điện cả đất nước.
Tuy nhiên, các quy trình bị dừng đột ngột khi thảm họa Chernobyl xảy ra năm 1986, khiến nước này phải đóng cửa các lò phản ứng cuối cùng của mình là Caorso và Enrico Fermi như biện pháp phòng ngừa an toàn vào năm 1990.
Đọc bài gốc tại đây.