Lý do cứu hỏa Mỹ ngần ngại dùng nước biển dập cháy rừng Los Angeles

18/01 00:00
 

Lực lượng cứu hỏa California chỉ sử dụng nước biển như "giải pháp cuối cùng" để chống cháy rừng, do nước mặn dễ làm hỏng thiết bị và ảnh hưởng đến môi trường.

Kể từ ngày 7/1, loạt đám cháy rừng lớn bùng phát, mạnh lên nhờ gió Santa Ana, tạo thành "tam giác bão lửa" bao vây thành phố Los Angeles, trở thành một trong những thảm họa cháy rừng nghiêm trọng nhất lịch sử bang California, Mỹ.

Tính đến ngày 16/1, các đám cháy đã phá hủy khu vực rộng hơn 15.000 ha, khiến ít nhất 27 người thiệt mạng, hàng chục nghìn ngôi nhà bị phá hủy. Tổn thất kinh tế do vụ cháy rừng có thể lên đến 135-150 tỷ USD.

Các nhân viên cứu hỏa đã phải vật lộn khống chế các đám cháy với nguồn nước hạn chế do nhu cầu quá lớn. Nhiều người đã đặt câu hỏi về lý do giới chức cứu hỏa không sử dụng nguồn nước biển Thái Bình Dương gần đó để dập lửa.

"Tôi đã tìm thấy giải pháp dập các đám cháy ở California. Nó được gọi là nước", tài khoản Daniel đăng trên mạng xã hội X, kèm bản đồ bang California nằm cạnh Thái Bình Dương. Bài đăng đã nhận được 34,5 triệu lượt xem và hơn 107.000 lượt thích.

Nhiều người lên tiếng chỉ trích giới chức Los Angeles vì không dùng nguồn nước gần như vô tận ở Thái Bình Dương để chữa cháy. Thoạt nhìn, đây có vẻ là giải pháp lý tưởng, và trên thực tế lực lượng cứu hỏa ở California cũng đã áp dụng, nhưng chỉ coi đây là phương cách cuối cùng, bởi nhiều hệ lụy mà nó có thể gây ra.

California đã triển khai một số thủy phi cơ chữa cháy chuyên dụng bay là là trên mặt biển, hút hàng nghìn lít nước thả xuống các đám cháy rừng. Nhưng đây là biện pháp bất đắc dĩ, chỉ áp dụng khi các nguồn nước ngọt cạn kiệt và lực lượng cứu hỏa luôn cố gắng tránh phải dùng đến.

Theo các chuyên gia, nước biển có khả năng ăn mòn rất mạnh các thiết bị chữa cháy quan trọng như bồn chứa nước, máy bơm, cũng như máy bay xả nước.

Do các thiết bị chữa cháy này đều rất phức tạp và đắt tiền, lực lượng cứu hỏa thường ưu tiên sử dụng nguồn nước ngọt trong thành phố, sông, hồ, trước khi tính tới phương án dùng nước biển.

Một lý do khác là nước mặn có thể tác động tiêu cực về lâu dài đến môi trường khi được xả xuống mặt đất. Trang Futurism trụ sở New York cho biết hầu hết hệ sinh thái địa phương ở Los Angeles ưa nước ngọt. Tiếp xúc với nước mặn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của thảm thực vật trong nhiều năm tới.

Viện Nghiên cứu Môi trường Smithsonian của Mỹ từng thực hiện thí nghiệm bơm nước biển từ vịnh Chesapeake vào vạt rừng nhỏ. Chỉ sau 30 giờ tiếp xúc với nước mặn, cây cối ở vạt rừng đã chuyển sang màu úa.

Nước biển cũng có thể làm thay đổi cấu trúc, tính chất hóa học của đất. Người cổ đại từng gieo muối lên lãnh thổ kẻ thù sau chiến tranh để đảm bảo đảo đối phương không thể canh tác.

Patrick Megonigal, phó giám đốc Viện Smithsonian, cho biết điều kiện khô hạn ở California có thể làm trầm trọng thêm tình trạng giữ muối trong đất, gây hại cho cây cối.

Ông lưu ý thêm giới nghiên cứu hiện chỉ mới bắt đầu làm rõ hậu quả tiêu cực của việc xả nước mặn đến những hệ sinh thái ưa nước ngọt, trong bối cảnh nước biển dâng toàn cầu.

"Còn nhiều điều cần tìm hiểu về tác động không mong muốn của nước mặn. Việc lính cứu hỏa Los Angeles phải dùng đến nước biển chỉ là một trong những minh chứng cho mức độ nghiêm trọng của thảm họa", ông Megonial và ông Collis nói.

Đức Trung (Theo Futurism, Economic Times, Washington Post)

Đọc bài gốc tại đây.