Lý do 'xe tăng mai rùa' Nga tung hoành trên chiến trường

26/04 19:00
 

Xe tăng lắp giáp mai rùa Nga có thể tự do ra vào phòng tuyến Ukraine do Kiev thiếu đạn pháo và tên lửa, phải phụ thuộc vào drone tự sát.

Các binh sĩ Ukraine điều khiển phương tiện bay không người lái (drone) hồi đầu tháng 4 cảm thấy sửng sốt khi phát hiện xe tăng Nga lắp loại giáp khác thường, trông giống mai rùa, xuất hiện trên chiến tuyến phía tây thành phố Donetsk. Chiếc xe tăng này dường như là mẫu T-72 gắn bộ cày mìn phía trước.

Xe tăng lắp giáp mai rùa sau đó xuất hiện phổ biến trên chiến trường, khi nhiều đơn vị Nga áp dụng loại giáp tự chế với hình dáng buồn cười này, nhưng chúng phát huy hiệu quả thực tế.

Một chiếc xe tăng tương tự từng dẫn đầu đơn vị Nga áp sát vị trí Ukraine thành phố Krasnogorovka, phía tây thủ phủ Donetsk của tỉnh cùng tên. Chiếc xe tăng tự tin tiến thẳng vào phòng tuyến Ukraine, sau đó rút về tuyến sau mà không chịu thiệt hại.

Các quân nhân Nga thậm chí lắp cụm hệ thống tác chiến điện tử lên trên nóc giáp mai rùa. Điều này giúp hệ thống tác chiến điện tử ở vị trí cao hơn, giảm nguy cơ tín hiệu bị cản trở và tăng hiệu quả gây nhiễu drone đối phương.

Phần lớn xe tăng mai rùa đều thuộc biên chế Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới số 5 Nga, đơn vị với nòng cốt là dân quân vùng Donbass. Lữ đoàn số 5 nổi tiếng là đơn vị chuyên tận dụng mọi loại vũ khí họ được cấp phát, mượn từ đơn vị bạn hoặc tịch thu của Ukraine.

Tuy nhiên, các đơn vị Nga với trang bị tốt hơn như Sư đoàn Xe tăng Cận vệ số 90 cũng bắt đầu lắp giáp mai rùa lên phương tiện chiến đấu của mình. Sư đoàn số 90 đang hoạt động tại khu vực xung quanh Avdeevka và có thể sẵn sàng tấn công theo hướng Ocheretino, nơi Nga đang đẩy lùi các đơn vị Ukraine.

Một số chuyên gia phương Tây thừa nhận xe tăng mai rùa xuất hiện phổ biến có thể do chúng đang giải quyết nhiều vấn đề cho lực lượng Nga.

"Nhiều người đang cười nhạo xe tăng mai rùa, song đây không phải là sản phẩm điên rồ", chuyên gia Rob Lee thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (FPRI) có trụ sở tại Mỹ, cho biết. "Nga đang thích nghi với các điều kiện cụ thể trên chiến trường".

Điều kiện chiến trường khiến xe tăng mai rùa Nga xuất hiện phổ biến chính là tình trạng cạn kiệt đạn pháo, tên lửa chống tăng của Ukraine. Điều này buộc Ukraine phụ thuộc ngày càng nhiều vào drone tự sát để tấn công phương tiện chiến đấu của đối phương.

Ukraine giải quyết vấn đề thiếu đạn pháo và tên lửa chống tăng bằng cách mở loạt xưởng chế tạo drone giá rẻ với năng suất tới 100.000 chiếc mỗi tháng. Mỗi chiếc drone có thể tấn công mục tiêu cách xa vài km, mang theo đầu đạn nặng khoảng 0,5 kg.

Drone cỡ nhỏ có thể áp sát, lao vào những vị trí hiểm yếu nhất trên xe tăng, như bộ phận phía sau tháp pháo, khoang động cơ để vô hiệu hóa, phá hủy phương tiện. Tuy nhiên, drone lại không thể vượt qua được lớp giáp "mai rùa" thô sơ bọc kín xe tăng.

Lớp giáp "mai rùa" này sẽ không thể bảo vệ được xe tăng nếu bị tấn công bằng đạn pháo hay tên lửa dẫn đường. Nhưng do Ukraine đang cạn kiệt loại vũ khí này, xe tăng Nga chỉ cần đối phó với mối đe dọa từ drone.

Các đơn vị Nga gần đây thường dùng chiến thuật cho xe tăng mai rùa gắn bộ cày mìn, có thể trang bị tổ hợp gây nhiễu, đi trước mở đường cho đoàn phương tiện chở bộ binh phía sau tiếp cận phòng tuyến Ukraine.

"Hy sinh khả năng quan sát và xoay tháp pháo trên một xe tăng của mỗi trung đội để gây nhiễu tín hiệu điều khiển cùng lúc nhiều drone là điều hợp lý", chuyên gia Lee đánh giá. "Ưu tiên hàng đầu là đưa các đơn vị bộ binh xung kích qua bãi đất trống đến những tòa nhà hoặc vị trí phòng thủ của đối phương".

Với nhiệm vụ trên và tình trạng thiếu đạn hiện tại của Ukraine, xe tăng mai rùa Nga vẫn làm tốt nhiệm vụ mở đường cho đơn vị tiến công. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi khi Ukraine tiếp nhận những vũ khí mới từ Mỹ.

Drone tự sát không biến mất trên chiến trường, song sẽ không còn là vũ khí chính sau khi Ukraine nhận loạt đạn pháo và tên lửa chống tăng từ Mỹ. Xe tăng mai rùa của Nga với khả năng cơ động kém có thể nhanh chóng biến mất trước hỏa lực pháo, tên lửa chống tăng và drone của Ukraine.

Nguyễn Tiến (Theo Forbes, AFP, Reuters)

Đọc bài gốc tại đây.