Lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump không có "người được chỉ định sống sót", phá truyền thống đã có hơn 75 năm của chính trường Mỹ.
Ngày 20/1, ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống tại khu Rotunda trong tòa nhà quốc hội, tiếp quản quyền lực từ người tiền nhiệm Joe Biden. Đây là một trong số ít sự kiện trên chính trường Mỹ quy tụ hàng loạt quan chức cấp cao đất nước tham dự.
Những sự kiện tập trung nhiều yếu nhân tại một địa điểm như vậy dấy lên câu hỏi ai sẽ lãnh đạo Mỹ nếu nơi tổ chức bị tấn công và họ đều thiệt mạng. Để đề phòng kịch bản này xảy ra, một quan chức nội các sẽ được chỉ định là người sống sót, không tham gia sự kiện, được hộ tống đến địa điểm an toàn và bí mật.
Tuy nhiên, NBC News và Fox News dẫn nguồn tin cho biết lễ nhậm chức của ông Trump không có ai được chỉ định là người sống sót, phá truyền thống đã có hơn 75 năm. Thông tin càng gây chú ý bởi ông Trump từng đối mặt hai âm mưu ám sát trong quá trình tranh cử.
Theo Đạo luật Tổng thống kế nhiệm, được quốc hội Mỹ thông qua năm 1792 và sửa đổi năm 1886 và 1947, người kế nhiệm trong trường hợp tổng thống mất khả năng lãnh đạo lần lượt là phó tổng thống kiêm chủ tịch Thượng viện, chủ tịch Hạ viện. Tiếp đó là các thành viên nội các theo thứ tự cơ quan của họ thành lập, đầu tiên là ngoại trưởng và kết thúc là bộ trưởng an ninh nội địa.
Dưới thời tổng thống Dwight Eisenhower, khi giữa Mỹ và Liên Xô diễn ra Chiến tranh Lạnh, giới chức liên bang đưa ra kịch bản "chính phủ liên tục" để ứng phó với nguy cơ đối thủ tấn công hạt nhân vào Washington.
Giới sử gia cho rằng đây là lúc quy trình "người được chỉ định sống sót" bắt đầu diễn ra, áp dụng trong các sự kiện quan trọng đòi hỏi sự tham gia của hầu hết quan chức cấp cao, như lễ nhậm chức và ngày tổng thống đọc Thông điệp Liên bang.
Không có quy trình cụ thể để chọn "người sống sót", Jon Favreau, người chắp bút cho các bài phát biểu của ông Barack Obama, nói với The Ringer. Lựa chọn đôi khi được đưa ra "tùy thuộc mức độ những chính sách, chương trình của họ được đề cập trong bài phát biểu".
"Người sống sót" cần đáp ứng hai tiêu chí cần để đảm nhiệm vị trí ông chủ Nhà Trắng là trên 35 tuổi và là công dân sinh ra tại Mỹ. Người được chọn sẽ phải tuyên thệ giữ bí mật, sau đó trải qua khóa tập huấn đặc biệt sẵn sàng đảm đương nhiệm vụ của tổng thống.
"Họ đưa bạn đi khắp Nhà Trắng, cho xem Phòng Tình huống và nói về trách nhiệm của người được chọn", cựu bộ trưởng y tế và dịch vụ nhân sinh Donna Shalala, người được chỉ định sống sót khi ông Bill Clinton đọc Thông điệp Liên bang năm 1996, nói.
Đêm trước sự kiện quan trọng, người được chọn thường cầm theo cặp chứa mã hạt nhân, có mật vụ tháp tùng đến một địa điểm bí mật theo dõi sự kiện. Danh tính của người này thường được giữ bí mật đến những giây phút cuối cùng trước khi sự kiện diễn ra và thường được công bố sau đó. Bộ trưởng nông nghiệp và bộ trưởng nội vụ được chọn nhiều hơn so với vị trí nội các khác.
John Hudak, phó giám đốc Trung tâm về Hiệu quả quản trị công tại Viện Brookings, Washington, nói trong các lễ nhậm chức, chính quyền sắp mãn nhiệm là bên chọn "người sống sót".
Nhà Trắng, Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) chưa bình luận về thông tin không có "người chỉ định sống sót" khi ông Trump nhậm chức.
Jeh Johnson, bộ trưởng an ninh nội địa thời chính quyền Barack Obama, là người được chọn trong lễ nhậm chức của ông Trump tháng 1/2017. Bộ trưởng các vấn đề cựu binh David Shulkin được lựa chọn khi ông Trump phát biểu trước quốc hội tháng 2 cùng năm.
Người được chỉ định sống sót của ông Trump tại các lần đọc Thông điệp Liên bang năm 2018, 2019 và 2020 lần lượt là bộ trưởng nông nghiệp Sonny Perdue, bộ trưởng năng lượng Rick Perry và bộ trưởng nội vụ David Bernhardt.
Chính quyền Trump không tiết lộ ai là người được chỉ định sống sót khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức năm 2021. Dựa trên danh sách khách mời khi đó, ngoại trưởng Mike Pompeo không có mặt tại sự kiện, dấy lên đồn đoán ông được chọn.
Giới chuyên gia cho rằng có thể giới chức năm nay đánh giá quá trình đảm bảo an ninh chuẩn bị cho lễ nhậm chức của ông Trump tại Washington đã đủ để đối phó bất kỳ mối đe dọa nào. Lễ nhậm chức năm nay còn diễn ra trong tòa nhà quốc hội, công chúng và truyền thông bị hạn chế tham dự, đủ để không cần có người chỉ định sống sót.
David Sundberg, đặc vụ Văn phòng thực địa Washington của FBI, nói họ "không nhận thấy có mối đe dọa cụ thể nào" nhằm vào ngày nhậm chức.
"Tất cả khách mời đều bị kiểm tra an ninh", Matt McCool, đặc vụ phụ trách Văn phòng thực địa Washington của Sở Mật vụ, cho biết.
Như Tâm (Theo Fox News, History, USA Today)
Đọc bài gốc tại đây.