Cuộc gặp đầu tiên sau nhiều năm giữa Mỹ và Iran tại Oman bàn về thỏa thuận hạt nhân cho dù chưa như kỳ vọng, nhưng cho thấy thiện chí cùng giải bài toán hóc búa trong quan hệ Washington và Tehran.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (thứ hai, từ phải) nghe giới thiệu những thành tựu của ngành công nghiệp hạt nhân Iran trong cuộc triển lãm ngày 9/4, tại Tehran. (Nguồn: president.ir) |
Áp lực tối đa, bảo lưu quan điểm
Vào ngày 8/5/2018, tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tên chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) và tái áp đặt biện pháp trừng phạt lên Tehran, vốn đã được dỡ bỏ từ khi thỏa thuận có hiệu lực (ngày 18/10/2015). Sự kiện này mở ra một chương đầy căng thẳng, thậm chí có đổ máu trong quan hệ hai nước.
Gần bảy năm sau, khi trở lại Nhà Trắng lần hai, ông Trump dường như đã thay đổi suy nghĩ. Ngày 7/4, cũng tại Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố đàm phán trực tiếp về vấn đề hạt nhân với Iran. Trước đó, đầu tháng Ba, ông chủ Nhà Trắng đã gửi thư cho Lãnh tụ tối cao Iran, Giáo chủ Ali Khamenei đề xuất đàm phán trực tiếp về thỏa thuận hạt nhân mới và đưa ra thời hạn hai tháng cho việc ký kết. Tuy nhiên, với yêu cầu Tehran phải phá huỷ hoàn toàn chương trình hạt nhân và không được sở hữu vũ khí hạt nhân, các nhà lãnh đạo Tehran rất khó chấp nhận ngồi vào đàm phán trực tiếp.
Không những thế, ông Trump còn đưa ra những tuyên bố “đúng chất" rằng sẽ tiến hành “những cuộc ném bom mà họ chưa từng thấy trước đây” và áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp mới đối với hàng hóa Iran nếu Tehran không chịu đàm phán. Ông còn cảnh báo, “Iran có thể biến mất trước tháng Chín” nếu không đáp ứng các yêu cầu của Mỹ.
Để củng cố cho những phát biểu “đậm chất Donald Trump”, Lầu Năm Góc đã điều lực lượng hải quân và không quân hùng mạnh áp sát gần Iran với loạt máy bay ném bom B-2 Spirit đến căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương.
Đây là loại máy bay tàng hình hiện đại nhất trong biên chế của quân đội Mỹ có thể mang theo tới 18 tấn bom với khả năng xuyên thủng lớp bê tông dày để phá hủy các cở sở hạt nhân ngầm dưới đất của Iran. Ở ngoài khơi, tàu sân bay USS Carrl Vinson cũng được điều đến khu vực để phối hợp với tàu USS Truman, hiện đang hoạt động ở Biển Đỏ cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD và một số tên lửa Patriot được điều từ Hàn Quốc sang Israel…
Trước “áp lực tối đa” của Washington, Giáo chủ Ali Khamenei đã tuyên bố từ chối đề nghị đàm phán trực tiếp của Mỹ. Tổng thống Masoud Pezeshkian khẳng định Iran không có ý định sở hữu vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hoà bình. Ông nhấn mạnh rằng Tehran sẵn sàng đối thoại trên tinh thần bình đẳng nhưng không bị đe dọa.
Ngày 30/3, Tổng thống Masoud Pezeshkian chính thức trả lời thư của ông Trump, nêu rõ khó có thể đạt được thỏa thuận mới khi các thỏa thuận trước đó thất bại do chính Mỹ huỷ bỏ. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei cho biết: “Lý do chính Tehran chỉ chấp nhận đàm phán gián tiếp với Mỹ là lập trường mâu thuẫn của Washington. Họ kêu gọi đàm phán nhưng lại đe dọa tấn công quân sự và gây sức ép tối đa. Cách tiếp cận này là không thể chấp nhận được đối với Iran”.
Dấu hiệu tháo ngòi nổ
Ngày 12/4, cuộc đàm phán gián tiếp đầu tiên về chương trình hạt nhân của Iran đã diễn tại Muscat. Đoàn Iran do Ngoại trưởng Abbas Araghchi dẫn đầu còn đoàn Mỹ do Đặc phái viên của Tổng thống về Trung Đông Steve Witkoff đứng đầu.
Cuộc đàm phán kéo dài hơn hai giờ đồng hồ này được cả Iran và Mỹ đánh giá là “tích cực, mang tính xây dựng”. Phát biểu với báo giới tại Muscat, Ngoại trưởng Iran cho biết: “Hai bên đã thể hiện cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán cho đến khi đạt được thỏa thuận có lợi cho đôi bên từ vị thế bình đẳng”. Theo ông Araghchi, Mỹ và Iran đều hướng đến mục tiêu phác thảo khuôn khổ chung cho thỏa thuận tương lai trong vòng đàm phán tiếp theo dự kiến vào ngày 19/4. Nội dung trọng tâm được cho là phía Mỹ yêu cầu Iran ngừng làm giàu uranium ở cấp độ vũ khí, đổi lại Washington sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế.
Theo các nhà quan sát, mặc dù chưa có đột phá, nhưng cuộc đàm phán ở Oman cả hai bên đã có những nhượng bộ lẫn nhau. Phía Mỹ tỏ sẵn sàng thoả hiệp với việc không yêu cầu Iran từ bỏ hoàn toàn hoạt động làm giàu uranium. Đổi lại, Iran sẵn sàng quay trở lại cấp độ làm giàu uranium 3,67% được nêu trong thỏa thuận năm 2015.
Phía Mỹ đề nghị Iran chuyển giao khối lượng uranium đã được làm giàu sang một nước thứ ba, có thể là Nga. Trong khi đó, Iran khẳng định khối lượng uranium đã tích lũy trong mấy năm qua phải được giữ lại trong nước dưới sự giám sát của IAEA. Tehran cho rằng đây là giải pháp an toàn đề phòng chính quyền Mỹ trong tương lai có thể lại rút khỏi thỏa thuận như ông Trump đã làm trong nhiệm kỳ đầu nhưng sẵn sàng đàm phán trực tiếp “nếu các cuộc đàm phán gián tiếp diễn ra tốt đẹp".
Với những kết quả bước đầu cho thấy cả Mỹ và Iran đang hướng về một giải pháp ngoại giao để đạt được thỏa hiệp. Iran sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn nếu đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ và Israel. Mỹ cũng không muốn phát động một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý vẫn còn những thách thức đáng kể. Iran đã công khai phản đối các nhượng bộ lớn, trong khi Tổng thống Trump đặt ra thời hạn chỉ hai tháng cho các nhà đàm phán và cảnh báo về khả năng hành động quân sự với Iran nếu các cuộc đàm phán thất bại.
Đọc bài gốc tại đây.