Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: "Trong mỗi ngày của chính quyền Trump, tôi sẽ - rất đơn giản - đặt nước Mỹ lên hàng đầu". Điều này khiến các đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật, NATO phải lo lắng trước những gánh nặng mới trên vai.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ này sẽ thực hiện mọi bước đi cần thiết để thúc đẩy lợi ích quốc gia. (Nguồn: ABC News) |
"Đặt nước Mỹ lên hàng đầu"
Theo Japan Times, ngay khi vừa trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ám chỉ rằng chính quyền của ông sẽ không quá tập trung vào việc duy trì trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ hoặc vun đắp mạng lưới liên minh của Mỹ.
Thay vào đó, ông cam kết rằng Mỹ sẽ thực hiện mọi bước đi cần thiết để thúc đẩy lợi ích quốc gia - bao gồm cả việc phô trương sức mạnh kinh tế và nếu cần thiết, sử dụng sức mạnh quân sự.
Trong bài phát biểu chủ yếu tập trung vào các vấn đề đối nội sau lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Trump nói: “Chúng ta sẽ là niềm ghen tị của mọi quốc gia, và chúng ta sẽ không cho phép mình bị lợi dụng thêm nữa. Trong mỗi ngày của chính quyền Trump, tôi sẽ - rất đơn giản - đặt nước Mỹ lên hàng đầu".
Tuy nhiên, ông Trump, người từng tuyên bố “sẽ lại xây dựng quân đội hùng mạnh nhất mà thế giới từng chứng kiến”, cũng diễn đạt ngôn ngữ của mình theo lối hùng biện đầy ẩn ý rằng chính quyền của ông sẽ “đo lường sự thành công không chỉ bằng những 'trận chiến' chúng ta giành chiến thắng mà còn bằng những cuộc chiến chúng ta chấm dứt - và có lẽ quan trọng nhất là những cuộc chiến mà chúng ta không bao giờ tham gia”.
Japan Times cho rằng tuyên bố này ám chỉ đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, mà ông Trump không đề cập rõ ràng.
Trong những tuần gần đây, ông Trump đã hạ giọng so với tuyên bố trước đây rằng ông sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột này - một động thái mà các chuyên gia cho rằng sẽ có tác động sâu sắc không chỉ đối với lục địa châu Âu mà còn đối với châu Á.
Những tuyên bố của ông Trump đánh dấu sự thay đổi rõ rệt so với người tiền nhiệm. Ông Joe Biden đã đưa việc xây dựng các liên minh của Mỹ và bảo vệ trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo trở thành những yếu tố chính trong chính quyền của mình.
Dưới thời ông Biden, liên minh Mỹ-Nhật đã đạt đến tầm cao mới, trong khi hợp tác ba bên với Hàn Quốc đã trở thành yếu tố chính trong chiến lược nhằm ngăn chặn cả Triều Tiên và Trung Quốc.
Japan Times nhận định Chính phủ Nhật Bản đã lo ngại về sự thay đổi của tân Tổng thống Mỹ.
Sáng 21/1, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã chúc mừng Tân Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Ông viết trong một lá thư rằng “muốn hợp tác chặt chẽ để tăng cường hơn nữa quan hệ Nhật-Mỹ và hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Tuy nhiên, ông Ishiba đã nói với các phóng viên ngay sau đó rằng, ông sẽ tiếp tục tìm kiếm một cuộc gặp với tân Tổng thống Mỹ vào thời điểm sớm nhất để nêu rõ quan điểm của Nhật Bản.
Ông Ishiba cho biết ông Trump “có vẻ thích khuôn khổ song phương hơn là đa phương” để đạt được các thỏa thuận. Nhật Bản đã cử Ngoại trưởng Takeshi Iwaya đến Washington, một phần là tham dự lễ nhậm chức của ông Trump, nhưng cũng để đặt nền móng cho chuyến thăm của Thủ tướng Ishiba.
Phó Giáo sư Sebastian Maslow tại Đại học Tokyo cho biết, việc không đề cập đến các liên minh hoặc cam kết củng cố trật tự quốc tế trong bài phát biểu của ông Trump cho thấy chính sách đối ngoại của ông vẫn còn mềm dẻo và "mọi thứ đều nằm trên bàn và sẽ được đàm phán lại".
Theo chuyên gia Maslow, từ lâu, ông Trump đã thể hiện quan điểm mang tính "giao dịch" về các liên minh, bao gồm cả mối quan hệ Mỹ-Nhật, và có thể một lần nữa yêu cầu Tokyo chi nhiều tiền hơn để duy trì quân đội Mỹ hoặc thúc đẩy Tokyo tăng thêm chi tiêu quốc phòng. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng có thể đe dọa áp dụng mức thuế quan cao đối với thép, nhôm và ô tô của Nhật Bản.
Ông Trump sẽ không rút khỏi NATO mà sẽ "thờ ơ" và làm suy yếu trên thực tế cam kết của Mỹ đối với Liên minh. (Ảnh: Deposit Photo) |
Chiến lược bài bản để thuyết phục Mỹ
Không chỉ Nhật Bản, châu Âu cũng đang có những lo ngại tương tự về chính quyền Trump 2.0. Trang mạng của tổ chức UK in a changing Europe gần đây nhận định việc ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ có ý nghĩa sâu sắc đối với an ninh châu Âu và tương lai của quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Nhiệm kỳ trước của ông Trump không mấy mặn mà với khái niệm an ninh tập thể và thể hiện cách tiếp cận mang tính "giao dịch" đối với các đồng minh. Cách tiếp cận này có thể sẽ tiếp tục được ông Trump duy trì trong nhiệm kỳ này. Bằng nhiều cách khác nhau, ông Trump sẽ không rút khỏi NATO mà sẽ "thờ ơ" và làm suy yếu trên thực tế cam kết của Mỹ đối với Liên minh.
Do đó, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), bài toán của châu Âu lúc này là làm sao thuyết phục Washington duy trì cam kết an ninh và hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Nigel Gould-Davies, chuyên gia cao cấp về Nga và Âu-Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), châu Âu cần có chiến lược ngoại giao mới để thuyết phục Mỹ duy trì cam kết với an ninh châu lục, đặc biệt trong vấn đề Ukraine.
Cụ thể, theo chuyên gia Nigel Gould-Davies, để thuyết phục Mỹ duy trì cam kết, châu Âu cần tập trung vào các hướng tiếp cận chính:
Thứ nhất, nhấn mạnh lợi ích kinh tế song phương: Châu Âu phải giải thích rằng an ninh của họ là lợi ích kinh tế hấp dẫn của Mỹ. Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Đây cũng là điểm đến hàng đầu cho các khoản đầu tư của Mỹ. Và cùng với Nhật Bản, châu Âu thống trị đầu tư vào Mỹ, tạo ra việc làm cho người lao động Mỹ.
Mặc dù ông Trump có thể gây sức ép buộc châu Âu giảm thặng dư thương mại, nhưng điều này không nên làm lu mờ mức độ hưởng lợi của Mỹ từ mối quan hệ kinh tế sôi động. Một châu Âu bất ổn do cuộc xung đột ở Ukraine sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của Mỹ.
Thứ hai, tăng cường chi tiêu quốc phòng: Châu Âu cần đáp ứng yêu cầu của Mỹ về chia sẻ gánh nặng quốc phòng. Hiện GDP của châu Âu chỉ thấp hơn một chút so với Mỹ, nhưng chi tiêu quốc phòng mới chỉ bằng một nửa. Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã kêu gọi các nước châu Âu tăng chi tiêu và mua sắm vũ khí hiệu quả hơn.
Thứ ba, điều chỉnh chính sách với Trung Quốc: Nếu Nga là vấn đề của cả Mỹ và châu Âu, thì Trung Quốc cũng là vấn đề của cả châu Âu và Mỹ. Châu Âu cần tích hợp các yếu tố kinh tế và an ninh vào chính sách đối với Trung Quốc. NATO đã xác định Trung Quốc là "bên tạo điều kiện quyết định" cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Việc này không chỉ quan trọng với an ninh châu Âu mà còn xoa dịu mối quan ngại của Mỹ.
Như vậy, với tính chất khó đoán định, không chỉ các đối thủ của Mỹ mà ngay cả các đồng minh sát sườn cũng đứng trước không ít lo âu khi ông Trump chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng. Mọi quyết định dù là lớn nhỏ của ông Trump đều có ảnh hưởng đến cục diện quốc tế và ứng xử của các quốc gia, bao gồm cả các đồng minh.
Đọc bài gốc tại đây.