Lục quân Mỹ phải mở thêm cơ sở chế tạo nòng pháo M777 do thiếu vật tư để đáp ứng "nhu cầu chưa từng có" từ Ukraine.
Trong tài liệu ngân sách được Lầu Năm Góc công bố ngày 21/1, lục quân Mỹ đánh giá quân đội Ukraine đang sử dụng lựu pháo M777 với tần suất cao, khiến nòng pháo bị bào mòn nhanh chóng và phải liên tục thay mới. "Điều này đặt ra nhu cầu chưa từng có với nòng pháo cỡ 155 mm, đòi hỏi sản lượng khoảng 30 nòng mỗi tháng", tài liệu có đoạn viết.
Watervliet Arsenal, nhà máy duy nhất chế tạo bộ phận này ở Mỹ, không thể đạt sản lượng theo đề xuất, khiến lục quân Mỹ phải xin cấp thêm tiền để mở cơ sở sản xuất thứ hai. Tài liệu ngân sách cho thấy Lầu Năm Góc đã rút 161 triệu USD từ Quỹ thay thế vũ khí viện trợ cho Ukraine (URTF) để khắc phục tình hình.
Tuổi thọ nòng pháo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tốc độ khai hỏa và lượng liều phóng trong mỗi phát bắn. Rãnh khương tuyến và cấu trúc bên trong pháo sẽ bị mài mòn nhanh chóng nếu sử dụng liên tục, dẫn đến giảm tầm bắn và độ chính xác, thậm chí gây sự cố nghiêm trọng như nứt vỡ nòng.
"Khai hỏa lượng lớn đạn, đặc biệt là với liều phóng tối đa để đạt tầm bắn lớn nhất, trong khoảng thời gian tương đối ngắn càng làm tăng tốc độ hao mòn nòng pháo", biên tập viên Joseph Trevithick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone giải thích.
Chưa rõ Ukraine đã nhận bao nhiêu lựu pháo M777 từ Mỹ và đồng minh từ khi xung đột bùng phát. Lầu Năm Góc hồi tháng 12/2024 cho biết Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 200 hệ thống pháo cỡ 155 mm, trong đó có dòng M777 và pháo tự hành M109 Paladin. Ukraine cũng nhận ít nhất 4 pháo M777 của Canada và 6 khẩu từ Australia.
Dữ liệu tình báo nguồn mở cho thấy ít nhất 98 khẩu pháo M777 của Ukraine đã bị Nga phá hủy hoặc làm hư hỏng nặng. Con số này chưa bao gồm những khẩu pháo không thể hoạt động vì thiếu phụ tùng hoặc bị rã lấy linh kiện.
Đạn pháo trở thành vấn đề lớn với Kiev trong năm qua, khi có thời điểm quân đội Ukraine có thời điểm cần đến 3.000 viên đạn mỗi ngày, còn phương Tây không thể đáp ứng các yêu cầu về đạn dược viện trợ. Mỹ và châu Âu gần đây phải tìm cách tăng sản lượng đạn pháo để đáp ứng nhu cầu từ Ukraine, cũng như bổ sung vào kho dự trữ nội địa.
Theo tài liệu của Lầu Năm Góc, nguồn cung ứng đạn chỉ là một trong những vấn đề nghiêm trọng mà các đơn vị pháo binh Ukraine đang đối mặt. Những vấn đề này cũng phản ánh thực tế mà quân đội Mỹ có thể gặp phải nếu xảy ra xung đột ngang hàng trong tương lai.
"Nếu sản lượng của những bộ phận như nòng pháo M777 không thể đáp ứng cho Ukraine, quân đội Mỹ khó lòng giải quyết nhu cầu của chính mình trong trường hợp xảy ra chiến sự quy mô lớn", Trevithick nhận định.
Lựu pháo M777 được hãng Vickers của Anh phát triển vào năm 1987 với tên gọi Lựu pháo Dã chiến Siêu nhẹ (UFH). Tập đoàn BAE Systems sau đó tiếp quản chương trình và chế tạo mẫu pháo này ở nhà máy đặt tại Mỹ. M777 hiện có 70% bộ phận do Mỹ chế tạo, trong đó có nòng pháo mang định danh M776.
M777 có khối lượng khoảng 4,2 tấn, thời gian triển khai và thu hồi là hơn hai phút. Một vận tải cơ C-130 có thể chở theo hai khẩu M777. Pháo có tầm bắn tối đa 24 km với đạn thường, 30 km với đạn tăng tầm và 40 km với đạn dẫn đường Excalibur, tốc độ bắn trung bình 2-4 phát mỗi phút và tối đa là 8 phát mỗi phút.
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, AFP, AP)
Đọc bài gốc tại đây.