'Nước cờ' Greenland của Tổng thống đắc cử Mỹ soi chiếu cuộc cạnh tranh địa chính trị tại Bắc Cực

14/01 13:16
 

Khi biến đổi khí hậu đẩy nhanh tốc độ tan băng ở Bắc Cực, mở ra các tuyến đường vận tải mới và cơ hội khai thác tài nguyên, giá trị địa chính trị của Greenland đã tăng vọt.

Bài viết "Trump’s Greenland gambit spotlights geopolitical tussle over the Arctic" đăng tải trên South China Morning Post ngày 13/1.

Đó là nhận định của Tiến sĩ Nong Hong (*) trong bài viết "Trump’s Greenland gambit spotlights geopolitical tussle over the Arctic" đăng tải trên South China Morning Post ngày 13/1.

"Cánh cửa" Bắc Cực

Vào tháng 8/2019, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chú ý với đề xuất mua Greenland từ Đan Mạch. Mặc dù ý tưởng này chỉ nhận lại sự hoài nghi và các phản ứng hài hước, nhưng cũng khơi dậy một cuộc tranh luận và làm sáng tỏ vai trò của Greenland trên bản đồ địa chính trị.

Bà Nong Hong nhận định, đây không phải ý tưởng mới. Năm 1868, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là William H. Seward, ngay sau khi mua Alaska, đã bày tỏ sự quan tâm với Greenland và Iceland như một phần trong chiến lược mở rộng lãnh thổ của Washington. Năm 1946, chính quyền cựu Tổng thống Truman cũng đã đề nghị trả Đan Mạch 100 triệu USD bằng vàng để mua Greenland bởi nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của vùng đất này trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh đang hình thành.

Mặc dù Đan Mạch từ chối nhưng Mỹ vẫn có thể thiết lập các căn cứ quân sự tại Greenland, bao gồm tại Pituffik - một phần quan trọng trong chiến lược Bắc Cực của xứ cờ hoa.

Greenland là một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. (Nguồn: AFP)

Theo Tiến sĩ, sức hấp dẫn của Greenland nằm ở nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như đất hiếm, dầu mỏ, khí đốt, cùng vị trí chiến lược giữa Bắc Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, khi biến đổi khí hậu đẩy nhanh tốc độ băng tan ở Bắc Cực, mở ra các tuyến đường vận tải mới và cơ hội khai thác tài nguyên, giá trị địa chính trị của Greenland cũng tăng mạnh. Việc Tổng thống đắc cử Mỹ quan tâm tới Greenland phản ánh sự công nhận lâu dài của Washington đối với vai trò của hòn đảo này trong các vấn đề toàn cầu.

Căn cứ theo luật pháp quốc tế, ý tưởng mua Greenland của Mỹ đặt ra nhiều câu hỏi phức tạp. Greenland là một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Copenhagen giữ quyền kiểm soát về đối ngoại và quốc phòng còn chính quyền Greenland quản lý các vấn đề nội bộ và có quyền theo đuổi độc lập hoàn toàn thông qua trưng cầu dân ý.

Chính vì vậy, bà Nong Hong khẳng định, việc mua Greenland đòi hỏi sự đồng ý của cả chính phủ Đan Mạch và Greenland. Giao dịch này cũng có thể sẽ mở ra những cuộc đàm phán theo các hiệp ước quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc tự quyết của vùng đất này. Hơn hết, mọi ý kiến cũng cần phải thông qua người dân Greenland nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi ích của họ.

Phản ứng quốc tế

Trên thực tế, đề xuất của ông Trump đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ các bên liên quan tại Bắc Cực. Năm 2019, chính phủ Đan Mạch nhanh chóng bác bỏ ý tưởng "phi lý" này. Lãnh đạo Greenland cũng lên tiếng đồng tình với Copenhagen, đồng thời nhấn mạnh tính tự chủ của mình và bác bỏ bất cứ ý định mua bán nào. Các quốc gia Bắc Cực khác, bao gồm Canada, Na Uy và Nga, có thể đã nhìn nhận đề xuất của ông Trump với sự pha trộn giữa sự hài hước và dè dặt.

Bà Nong Hong chỉ rõ, đối với Canada, vị trí gần kề của Greenland với các lãnh thổ Bắc Cực của nước này phản ánh những mối quan tâm chung về an ninh và môi trường. Mặc dù khó có khả năng ủng hộ đề xuất của Mỹ, Canada vẫn sẽ theo sát từng diễn biến, ủng hộ hợp tác đa phương, bảo vệ môi trường và đảm bảo quyền của người bản địa trong giải quyết các thách thức tại khu vực này.

Bên cạnh đó, là một cường quốc tại Bắc Cực, Nga có thể xem sự quan tâm của Mỹ đối với Greenland như một bước đi trong chiến lược lớn nhằm kiềm chế tham vọng của Moscow tại khu vực này. Trong khi đó, Na Uy cùng các quốc gia Bắc Âu khác, vốn đề cao hợp tác thông qua Hội đồng Bắc Cực, dường như đều sẽ đón nhận bất cứ hành động đơn phương nào bằng "ánh mắt" đầy hoài nghi.

Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng và ngành khai khoáng tại Greenland, xem đây như một mắt xích trong sáng kiến Con đường tơ lụa Bắc Cực. (Nguồn: ABC News)

Bà Nong Hong nhấn mạnh, không thể bỏ qua những tác động đối với Trung Quốc - nhân tố quan trọng trong sự phát triển của Bắc Cực. Bắc Kinh đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng và ngành khai khoáng tại Greenland, xem đây như một mắt xích trong sáng kiến Con đường tơ lụa Bắc Cực. Mọi nỗ lực từ phía Mỹ nhằm thâu tóm Greenland đều có thể làm xáo trộn chiến lược Bắc Cực của Trung Quốc, từ đó gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.

Bà Nong Hong nhấn mạnh, là một thành viên NATO và đồng minh thân cận của Mỹ, Đan Mạch luôn coi trọng quan hệ đối tác với Washington nhưng khó có thể chấp nhận một thương vụ làm suy giảm lợi ích quốc gia hoặc quyền tự trị của Greenland.

Tin liên quan
Greenland - ‘Thỏi nam châm’ giữa lòng Bắc Cực

Sự quan tâm đặc biệt của Mỹ đối với Greenland cũng có thể ảnh hưởng đến vai trò của Đan Mạch trong NATO và mối quan hệ với các quốc gia Bắc Cực khác. Giờ đây, Đan Mạch sẽ "xoay sở" để cân bằng giữa liên minh với Mỹ và cam kết hợp tác Bắc Cực thông qua các khuôn khổ đa phương.

Theo bà Nong Hong, đối với Greenland, việc đạt được độc lập kinh tế thông qua khai thác tài nguyên và mở rộng các quan hệ đối tác quốc tế luôn là ưu tiên hàng đầu. Trong khi một số chính trị gia Greenland nhìn nhận mối quan hệ sâu sắc hơn với Mỹ như một cơ hội vàng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện hạ tầng, thì những người khác lại tỏ ra dè dặt, lo ngại sự can thiệp từ bên ngoài có thể xâm phạm quyền tự chủ và làm lu mờ khát vọng độc lập. Nỗ lực mua Greenland của Mỹ, dù không thành công, cũng có thể châm ngòi cho những cuộc tranh luận về cách cân bằng khát vọng tự chủ của vùng đất này với nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài và thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược.

Quyền tự quyết và cuộc đua lãnh thổ

Ngoài ra, một yếu tố then chốt khác định hình quyết định của Đan Mạch và Greenland là nhu cầu ngày càng tăng về quản trị Bắc Cực dựa trên tính bền vững và quyền của người bản địa. Bất cứ cuộc thảo luận nào về tương lai của Greenland cũng đều phải xem xét khát vọng của người dân nơi đây - những người đang đối mặt với các thách thức của biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa.

Bà Nong Hong khẳng định, mặc dù khó thành hiện thực nhưng ý tưởng của Tổng thống đắc cử Mỹ về việc mua Greenland đã phản ánh vị thế ngày càng tăng của Bắc Cực trong địa chính trị toàn cầu. Các khuôn khổ quản trị Bắc Cực, đặc biệt là Hội đồng Bắc Cực, từ trước đến nay chủ yếu tập trung vào bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học và quyền của người bản địa. Tuy nhiên, sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng trong khu vực đang tạo áp lực buộc những khuôn khổ này phải giải quyết các mối quan ngại về an ninh.

Dù thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế hay chiến lược lãnh thổ, nỗ lực của Mỹ nhằm gia tăng vị thế tại Greenland có thể gây ảnh hưởng đến đến sự cân bằng và mối quan hệ giữa các thành viên trong Hội đồng Bắc Cực, qua đó định hình lại chương trình nghị sự của tổ chức này theo hướng ưu tiên các vấn đề an ninh và cạnh tranh địa chính trị.

Ý tưởng của Tổng thống đắc cử Mỹ về việc mua Greenland đã phản ánh vị thế ngày càng tăng của Bắc Cực trong địa chính trị toàn cầu. (Nguồn: NDTV)

Tiến sĩ nhận định, việc mua bán Greenland là điều khó khả thi, nhưng những tác động sâu rộng của ý tưởng này trong quản trị Bắc Cực, luật pháp quốc tế và cạnh tranh giữa các cường quốc không thể bị xem nhẹ. Để giải quyết những thách thức này, cần một chiến lược ngoại giao tinh tế, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và cam kết phát triển bền vững, mang lại lợi ích chung cho tất cả các bên liên quan ở Bắc Cực, bao gồm cộng đồng người bản địa.

Hơn hết, tương lai của Bắc Cực và vai trò của Greenland không chỉ được định hình bởi tham vọng của các cường quốc, mà còn bởi sự kiên cường và khát vọng của chính người dân nơi đây.

Tựu trung, mặc dù đề xuất của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc mua Greenland khó có thể hiện thực hoá, nhưng đã "soi chiếu" những vấn đề quan trọng liên quan đến vị trí chiến lược của vùng đất này trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị toàn cầu. Những tác động sâu rộng đối với quản trị Bắc Cực, quyền tự quyết của cộng đồng bản địa và mối quan hệ giữa các cường quốc đều cần phải xem xét một cách thận trọng. Tương lai của Greenland và Bắc Cực sẽ được quyết định không chỉ bởi những tham vọng từ các "ông lớn" mà còn từ mong muốn và sự kiên cường của chính người dân nơi đây. Việc đạt được hợp tác bền vững và tôn trọng quyền lợi của các bên liên quan sẽ là yếu tố quan trọng trong việc duy trì hòa bình và phát triển bền vững tại khu vực Bắc Cực.

(*)Tiến sĩ Nong Hong là Giám đốc điều hành, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc-Mỹ ở Washington, Mỹ và là thành viên cao cấp của Câu lạc bộ đối thoại quốc tế Bắc Kinh.

Đọc bài gốc tại đây.