Ngày 15/1, Đại sứ Nga tại Panama Konstantin Gavrilov đã lên tiếng phản đối ý đồ sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama trong tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. (Nguồn: Dreamstime) |
Phát biểu với báo giới, Đại sứ Nga yêu cầu tuân thủ và tôn trọng các hiệp ước về tuyến đường thủy xuyên đại dương được ký năm 1977 giữa Panama và Mỹ, đồng thời nhấn mạnh, tuyên bố sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng của kênh đào Panama là “phản tác dụng”.
Tin liên quan |
Kênh đào Panama - chứng nhân lịch sử ‘ba chìm bảy nổi’ trong thế sự xoay vần |
Nga là một trong 40 quốc gia tham gia ký các thỏa thuận trên, trong đó quy định hoạt động quá cảnh vận tải quốc tế sẽ luôn trung lập.
Ở cả trong thời bình và thời chiến, tuyến đường thủy quan trọng đối với thương mại quốc tế này phải luôn an toàn và mở cửa cho tàu thuyền của tất cả các quốc gia quá cảnh một cách hòa bình và trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng.
Để giải quyết các bất đồng về chủ quyền đối với kênh đào Panama, Đại sứ Konstantin kêu gọi đối thoại và “chỉ thông qua giải pháp chính trị và ngoại giao”.
Trước đó một ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) Arsenio Dominguez cũng ra thông điệp khẳng định, kênh đào Panama sẽ vẫn thuộc về Panama.
Người đứng đầu IMO cho biết vấn đề này rất rõ ràng và không cần phải tranh luận thêm, vì các hiệp ước đã được ký kết vào năm 1977 và Paanama sẽ tiếp tục quản lý tuyến đường thủy quan trọng này như đã làm.
Vào tháng 12 năm ngoái, thông qua trang mạng xã hội Truth Social, ông Trump cáo buộc “các binh sĩ Trung Quốc… đang vận hành trái phép kênh đào Panama” và cho rằng, Mỹ cần khôi phục tuyến đường nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương.
Gần đây, ông Trump tuyên bố không loại trừ khả năng sử dụng hành động quân sự hoặc kinh tế để theo đuổi mục tiêu giành quyền kiểm soát kênh đào Panama.
Đáp lại, Tổng thống Panama José Raúl Mulino bác bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc đến hoạt động quản lý con kênh này, đồng thời khẳng định, mỗi mét vuông của tuyến đường thủy quan trọng này đều thuộc về Panama và chủ quyền của quốc gia Trung Mỹ trong vấn đề này không phải có gì phải bàn cãi thêm.
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, từng do Mỹ xây dựng, sở hữu và điều hành. Tuy nhiên, vào những năm 1970, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter, Washington đã đạt được thỏa thuận dần chuyển giao quyền kiểm soát kênh đào có vai trò quan trọng này cho Panama.
Đọc bài gốc tại đây.