Nga tiêu diệt xuồng không người lái gắn tên lửa của Ukraine

07/05 16:08
 

Nga cho biết đã chặn nhiều cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái trên biển của Ukraine ở Biển Đen, đăng tải hình ảnh bắn một xuồng gắn tên lửa của Kiev.

Ngày 6-5, giờ địa phương, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã phá hủy tổng cộng 5 xuồng không người lái của Ukraine. Cơ quan này không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết về các mục tiêu của các xuồng này hoặc vị trí chúng bị hạ.

Trong thông báo, cơ quan này công bố hình ảnh cho thấy một trực thăng quân sự của Nga đang đuổi theo một chiếc xuồng không người lái trên biển. Có thể thấy máy bay liên tục bắn vào xuồng bằng súng máy.

Theo Đài Russia Today, phương tiện của Ukraine trông giống như một chiếc thuyền máy nhỏ, phía trên dường như có gắn một tên lửa.

Đoạn clip kết thúc với cảnh xuồng không người lái phát nổ sau khi bị bắn.

Trước đó, Ukraine tập trung sử dụng các thiết bị không người lái trên biển để tấn công Hạm đội Biển Đen của Nga ở bán đảo Crimea, sáp nhập vào Nga năm 2014, đáng chú ý nhất là vụ tấn công cầu Crimea vào tháng 7-2023.

Mặc dù các quan chức Ukraine khẳng định rằng các máy bay không người lái trên biển được sản xuất trong nước, nhưng quân đội Nga hồi tháng 4-2024 tố đã phát hiện và phá hủy một kho xuồng tự hành "được các nước NATO cung cấp cho Ukraine".

  • Vũ khí AI từ cuộc chiến ở Ukraine, đã tự hành chưa từng có trên drone

Cuộc đụng độ giữa trực thăng Nga và xuồng không người lái của Ukraine có thể liên quan đến cuộc tấn công của Ukraine vào Hạm đội Biển Đen vào cuối tuần trước. Những chiếc xuồng không người lái này được cho là đã đâm trúng một tàu tuần tra của Nga.

Đây không phải lần đầu tiên máy bay Nga tiêu diệt xuồng không người lái của Ukraine. Nhưng chiếc xuồng này đặc biệt gây chú ý khi lắp tên lửa dẫn đường bằng tia hồng ngoại R-73 dài khoảng 3m, theo trang Forbes. Trên xuồng gắn ngàm đôi nhưng trên đó chỉ có 1 tên lửa.

Theo một số trang tin quân sự, chiếc xuồng đã nhắm bắn một trực thăng Mi-8 của Nga nhưng hụt mục tiêu. 

R-73 là một tên lửa không đối không tầm ngắn cũng có thể được phóng từ các hệ thống trên mặt đất. Nó không cần radar hoặc các hệ thống dẫn đường khác vì được trang bị đầu dò dẫn đường hồng ngoại riêng. Hệ thống phóng thường lắp 2 tên lửa để giữ sự ổn định.

Đọc bài gốc tại đây.