Ngày 14-1 tại Hà Nội, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã tham gia các cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Quan hệ Việt - Nga bước vào năm 2025 với nhiều điểm nhấn, phản ánh sự gắn bó lâu dài giữa hai nước. Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và các hoạt động ngoại giao cấp cao trong năm qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước.
Ngày 14-1 tại Hà Nội, Thủ tướng Mishustin đã tham gia các cuộc gặp với Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện, làm nền tảng cho những tiến triển trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng và giáo dục - đào tạo.
Củng cố đối thoại chính trị ở cấp cao
Theo Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko, "đối thoại chính trị thường xuyên và có ý nghĩa ở cấp cao nhất chính là yếu tố then chốt trong việc phát triển quan hệ Nga - Việt".
Phát biểu này được minh chứng rõ nét qua loạt hoạt động ngoại giao sôi động năm 2024. Sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6, hai nước đã duy trì liên lạc chặt chẽ với các cuộc gặp cấp cao khác, trong đó có cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Putin không lâu sau khi ông Tô Lâm đảm nhận cương vị mới.
Tiếp đó là các chuyến thăm Nga của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 10 và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vào tháng 9.
Trong khuôn khổ chuyến thăm mới nhất của Thủ tướng Mishustin, hai bên tái khẳng định sự tin cậy chính trị và cam kết thúc đẩy đối thoại ở mọi cấp độ. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả hợp tác song phương, với các lĩnh vực ưu tiên bao gồm năng lượng - dầu khí, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa.
Mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều đã có mức tăng trưởng tích cực, hai Thủ tướng thống nhất rằng vẫn còn nhiều dư địa để khai thác. Các cơ quan chức năng hai nước được giao nhiệm vụ đề xuất những giải pháp đột phá nhằm tăng cường giá trị thương mại, đồng thời giải quyết những tồn tại còn vướng mắc trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích chung.
Điện hạt nhân - trọng tâm mới trong hợp tác Việt - Nga
Tháng 12-2024 đánh dấu sự kiện mang tính bước ngoặt khi Quốc hội Việt Nam thông qua nghị quyết tái khởi động dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận sau nhiều năm đình trệ. Dự án này không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế mà còn trở thành trọng tâm trong hợp tác Việt - Nga.
Trong năm qua, Tập đoàn Rosatom cùng các đối tác Nga đã bày tỏ sẵn sàng tham gia dự án này, góp phần định hình quan hệ song phương trong lĩnh vực năng lượng.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mishustin tiếp tục củng cố cam kết này. Trong cuộc hội đàm với lãnh đạo Rosatom ngày 13-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mong muốn Nga không chỉ hỗ trợ phát triển năng lượng điện hạt nhân mà còn giúp Việt Nam xây dựng ngành khoa học công nghệ hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình.
Tại cuộc hội đàm ngày 14-1, hai Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại tỉnh Đồng Nai, một dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Mishustin khẳng định Nga sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn trong các ngành công nghiệp khác như y tế, hóa dược và lao động.
Sau các cuộc thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nga Mishustin đã ký thông cáo chung và chứng kiến lễ ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng. Trong đó nổi bật là các thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, thông tin truyền thông và văn hóa.
Sự tin cậy giữa bối cảnh biến động
Bối cảnh thế giới hiện nay đặt ra nhiều thách thức nhưng mối quan hệ Việt - Nga vẫn duy trì sự gắn bó đặc biệt. Tại cuộc gặp chiều 14-1 với Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Mishustin khẳng định tình cảm thủy chung giữa hai dân tộc luôn được Nga coi trọng.
Ông nhấn mạnh Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt ở Đông Nam Á.
Đáp lại, Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất một số phương hướng lớn nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, bao gồm tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, thúc đẩy hợp tác địa phương và đẩy mạnh giao lưu nhân dân. Các hoạt động này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia trong những năm tới.
Đọc bài gốc tại đây.