Quy định cấm ghi hình gây tranh cãi trong phiên tòa xử Trump

19/04 00:00
 

Bang New York cấm ghi âm, ghi hình trong tòa án, nhưng quy định này gây tranh cãi vì khiến công chúng không thể theo dõi sát quá trình xét xử Trump.

Mỹ đang trong thời khắc lịch sử, khi ông Donald Trump trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị truy tố và xét xử. Quá trình xét xử bắt đầu từ ngày 15/4 tại tòa hình sự Manhattan, New York, dự kiến kéo dài đến tháng 6 và thu hút sự quan tâm rất lớn của truyền thông cũng như công chúng Mỹ.

Tuy nhiên, các phiên xử không được phát trực tiếp trên truyền thông và chỉ số ít phóng viên được phép dự khán phiên tòa nhưng không được quay chụp. Sau mỗi phiên xử, họ sẽ thuật lại những gì đã chứng kiến với công chúng New York nói riêng và Mỹ nói chung. Lý do của tình trạng này là bang New York áp đặt một trong những điều luật hạn chế nghiêm ngặt nhất đối với việc đưa tin trực tiếp tại tòa án.

Luật hạn chế ghi âm, ghi hình tại tòa án New York bắt nguồn từ một quy định gần 100 năm trước, theo báo cáo năm 2022 của Fund for Modern Courts, tổ chức độc lập vì mục tiêu cải cách quy định tòa án, có trụ sở New York.

New York bắt đầu siết quy định với truyền thông tại tòa án sau phiên xử Bruno Richard Hauptmann với cáo buộc bắt cóc và sát hại con trai 20 tháng tuổi của Charles Lindbergh năm 1935. Phiên tòa diễn ra công khai tại tòa án hạt Hunterdon, bang New Jersey, với khoảng 700 phóng viên và 132 quay phim tham gia.

Tuy nhiên, tòa án khi đó trở nên hỗn loạn, với ánh sáng chói lóa từ đèn chớp máy ảnh, còn quay phim đứng lên trên bàn của nhân chứng để bắt được những khoảnh khắc ấn tượng. Thẩm phán chủ tọa buộc phải ban lệnh cấm chụp ảnh trước khi phiên tòa kết thúc.

Sự việc làm dấy lên lo ngại về tính toàn vẹn trong quá trình xét xử, khi có sự hiện diện của truyền thông. Hai năm sau, Hiệp hội Luật sư Mỹ (ABA) công bố Quy tắc Đạo đức Tư pháp, cấm ghi hình và phát thanh trực tiếp trong khi tòa xử án.

Theo ABA, "chụp ảnh trong phòng xử án và đưa tin trong lúc tòa đang làm việc khiến tòa án mất tôn nghiêm và có thể gây hiểu lầm cho công chúng". Năm 1952, để bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, bộ quy tắc bao gồm cả cấm truyền hình đưa tin trực tiếp.

Nghị viện bang New York có hành động tương tự, thông qua Mục 52 trong Luật về quyền dân sự New York cùng năm. Mục 52 nhấn mạnh không cá nhân, công ty, hiệp hội hay tổ chức nào được phép ghi hình, ghi âm, chụp ảnh trong các phiên tòa tại bang. Những người làm trái luật này sẽ bị coi là phạm khinh tội.

Nghị viện New York cho rằng máy quay có thể làm thay đổi hành vi của các bên trong phiên tòa hình sự, từ nhân chứng, luật sư cho đến bồi thẩm đoàn, thẩm phán, ảnh hưởng đến quyền được xét xử công bằng của bị cáo.

Theo thời gian, quy định của ABA dần được nới lỏng tại nhiều bang ở Mỹ, máy quay bắt đầu được phép sử dụng trong phiên tòa, thường theo quyết định của thẩm phán chủ tọa từng vụ án. New York từ năm 1987 cũng bổ sung Mục 218 với nội dung tương tự vào Luật Tư pháp.

Một ủy ban được thành lập năm 1995 để đánh giá hiệu quả Mục 218 và khuyến nghị bang New York tiếp tục cho phép truyền thông tham gia nhiều hơn vào các phiên tòa để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, do phe vận động hành lang cho giới luật sư bào chữa khi đó vẫn chiếm ưu thế, giới chức New York quyết định không gia hạn Mục 218 khi nó hết hạn vào tháng 6/1997.

Với động thái này, New York cùng Louisiana trở thành hai bang còn lại ở Mỹ tiếp tục cấm máy quay trong phiên tòa. Điều này đã gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận New York, khi những người ủng hộ xét xử công khai cho rằng quy định của New York là thái quá.

"Chúng ta tự cho mình là thủ phủ truyền thông của thế giới và việc cấm máy quay tại một trong ba nhánh của quyền lực nhà nước là không thể chấp nhận được", Brad Hoylman-Sigal, thượng nghị sĩ bang New York, nói.

Ông từng ủng hộ một dự luật cho phép thẩm phán tại New York có quyền quyết định về ghi âm, ghi hình, giới hạn số máy quay và phóng viên ảnh, nhưng chưa được thông qua.

"Đây là một trong những phiên xét xử có ảnh hưởng nhất trong lịch sử hiện đại", Hoylman-Sigal nói, nhắc đến vụ chi tiền bịt miệng của Trump. "Tôi nghĩ công chúng có quyền chứng kiến chuyện gì xảy ra trong phòng xử án".

Một số phóng viên tại tòa án nói ông Trump có lúc ngủ gật khi tham dự phiên tòa, nhưng chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống bác bỏ. Do không có máy quay trong phòng xử, công chúng Mỹ không thể biết đâu là sự thật.

Thẩm phán chủ tọa Juan Merchan ngày 15/4 cho phép một số phóng viên ảnh chụp hình cựu tổng thống trong phòng xử án trước khi tòa làm việc. Khi phiên tòa bắt đầu, phòng xử chỉ còn các họa sĩ vẽ lại một số diễn biến. Thực tế vẫn có một số hình ảnh về phiên xử được chiếu trên màn hình trong phòng tác nghiệp cạnh phòng xử án. Phòng này ngày 15/4 chật kín phóng viên, nhân viên an ninh tòa án và một số người dân.

Trên hàng lang ngoài phòng xử án, một số lượng hạn chế phóng viên được phép tác nghiệp để các bên liên quan tới vụ án phát biểu nếu muốn. Do không có hình ảnh trực tiếp từ phòng xử, tần suất ông Trump phát biểu trước truyền thông và cách các hãng tin truyền tải thông điệp của cựu tổng thống sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nhận thức của công chúng về vụ kiện.

Giới bình luận và chuyên gia nêu quan điểm với các kênh truyền thông ở ngay hiện trường hoặc trong trường quay. Nhà phân tích Jonathan Turley của Fox News nói "hầu hết các thành phố, ít nhất là ngoài New York", sẽ coi vụ xử ông Trump là sự vũ khí hóa tư pháp hình sự.

Ngoài New York, cựu tổng thống còn bị truy tố với cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử dẫn đến bạo loạn tại Đồi Capitol năm 2021, can thiệp bầu cử bang Georgia và giữ trái phép tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.

Tại Georgia, thẩm phán có quyền quyết định cho phép ghi hình phiên xử hay không. Thẩm phán chủ tọa Scott McAfee nói sẽ cho phép phát sóng các phiên điều trần và xét xử liên quan. Hai vụ truy tố còn lại là cấp liên bang ở Washington và Florida. Tòa án liên bang Mỹ không cho phép ghi hình các phiên xử án hình sự.

Như Tâm (Theo AP, Politico)

Đọc bài gốc tại đây.