Tin thế giới 15/1: Nga khen ngợi ông Trump 'suy nghĩ thấu đáo', Tổng thống Hàn Quốc bị thẩm vấn, chính phủ Venezuela ra lệnh nóng

15/01 19:25
 

Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ bắt giữ Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol vào ngày 15/1 tại Ga Seoul ở thủ đô nước này.

Châu Âu

* Những "suy nghĩ thấu đáo" của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về nhiều vấn đề không mang lại ý nghĩa thực tế nào cho đến khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1, theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo thường niên ngày 14/1.

Tin liên quan
Hàn Quốc: Tòa án kết thúc phiên xét xử Tổng thống Yoon Suk Yeol sau 4 phút, quân đội sẽ không cản trở lệnh bắt

Theo ông Lavrov, Nga sẽ đánh giá lập trường của ông Trump về Ukraine, cũng như chờ các đề xuất cụ thể của phía Mỹ sau khi ông nhậm chức và làm rõ lập trường của mình. Bên cạnh đó, Nga khẳng định sẵn sàng thảo luận về các đảm bảo an ninh cho "quốc gia hiện có tên là Ukraine".

Ngoại trưởng Nga cũng nhận định, ông Trump là chính trị gia phương Tây đầu tiên thành thật thừa nhận rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hành động thiếu thiện chí khi ký nhiều thỏa thuận an ninh. (TASS)

* Armenia sẽ tham gia liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, theo lời Ngoại trưởng quốc gia Kavkaz Ararat Mirzoyan ngày 14/1 trong lễ ký kết một thỏa thuận mở rộng hợp tác an ninh với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken tại Washington.

Mỹ cũng sẽ cử một nhóm đến Armenia để hỗ trợ chuyên môn về tăng cường an ninh biên giới, đồng thời hai nước bắt đầu đàm phán về hợp tác hạt nhân dân sự song phương. (AFP)

* Các đảng ở Ireland đạt thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh mới. Cụ thể, hai đảng cánh hữu trung dung là Fianna Fail và Fine Gael, từng thống trị lịch sử Ireland, cùng với các nghị sĩ độc lập đã đi đến nhất trí, qua đó bảo đảm "đa số tuyệt đối" để thành lập chính phủ liên minh mới.

Dự thảo chương trình hành động của chính phủ sẽ được gửi tới các nghị sĩ đã đồng ý ủng hộ chính phủ mới vào cuối ngày 15/1. (Reuters)

* Ukraine cắt điện khẩn cấp tại 6 khu vực trong bối cảnh Nga tiến hành đòn tấn công tên lửa "quy mô lớn" trong ngày 15/1. Cụ thể, Nhà điều hành lưới điện quốc gia Ukrenergo của Ukraine tuyên bố đã áp dụng cắt điện tại các khu vực Kharkov, Sumy, Poltava, Zaporizhzhia, Dnepropetrovsk và Kirovograd. (Reuters)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị bắt giữ vào sáng 15/1 với cáo buộc cầm đầu nổi loạn. Văn phòng điều tra tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao (CIO) đã lập tức tiến hành thẩm vấn ông vì chỉ có 48h tạm giữ.

Trước khi bị bắt giữ, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã có tuyên bố công khai với công chúng nói rõ rằng, ông chấp hành cuộc điều tra của CIO để tránh xảy ra xung đột giữa các lực lượng thi hành công vụ, song lên án việc thực thi lệnh bắt giữ và điều tra với Tổng thống không đúng thẩm quyền và bất hợp pháp. (Yonhap)

* Hàn Quốc bắt đầu nâng cấp các tàu khu trục 4.400 tấn của Hải quân bằng công nghệ trong nước để nâng cao hiệu quả vận hành hạm đội.

Theo kế hoạch, Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng (DAPA) Hàn Quốc dự định trang bị cho tàu khu trục lớp Chungmugong Yi Sun-sin hệ thống chiến đấu trong nước cũng như thiết bị sonar mảng kéo và tên lửa dẫn đường nâng cấp để tăng cường khả năng chống tàu ngầm và phòng không. (Yonhap)

* Hàn-Mỹ-Nhật tập trận không quân chung với sự tham gia của ít nhất một máy bay ném bom B-1B, các máy bay tiêm kích F-15K của Hàn Quốc và F-2 của Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh, cuộc tập trận mới nhất được tổ chức nhằm tăng cường khả ứng phó chung với các mối đe dọa. (Yonhap)

* Ngoại trưởng Nhật Bản Iwaya Takeshi thăm Philippines và có cuộc gặp người đồng cấp nước chủ nhà Philippines Enrique Manalo ngày 15/1. Hai bên đã nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ với chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhằm tăng cường hợp tác ba bên.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ an ninh giữa hai nước cũng như đa phương, đồng thời bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về "các hành động liên tục làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Biển Đông". (Kyodo)

* Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có các cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và Bộ trưởng cấp cao Singapore Lý Hiển Long.

Bà Harris đề cao sức mạnh của liên minh Mỹ-Philippines cũng như tầm quan trọng của hợp tác Mỹ-Singapore trong việc thúc đẩy an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới.

Bà Harris nhấn mạnh tầm quan trọng liên tục của việc bảo vệ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế trên toàn cầu, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. (White House)

* Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa chống tăng nội địa Nag Mark 2. Ba cuộc thử nghiệm đã được tiến hành tại trường bắn Pokhran gần biên giới quốc tế với Pakistan ở quận Jaisalmer thuộc bang Rajasthan. Trong cả 3 cuộc thử nghiệm này, tên lửa Nag Mark 2 đều tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác hoàn toàn. (Times of India)

Châu Mỹ

* Venezuela yêu cầu Hà Lan, Pháp và Italy giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại Caracas xuống 3 người. Trên tài khoản Telegram, Ngoại trưởng Venezuela Yvan Gil tuyên bố, quyết định này nhằm đáp lại hành vi "thù địch" của chính phủ các nước trên "can thiệp vào các vấn đề nội bộ".

Ông nhấn mạnh, đây là một quyết định có chủ quyền và yêu cầu này phải được thực hiện trong vòng 48 tiếng, đồng thời cũng thông báo về việc nhân viên ngoại giao của 3 quốc gia này phải có giấy phép của Bộ Ngoại giao Venezuela để đi lại trên lãnh thổ quốc gia Mỹ Latinh nếu đi ra ngoài phạm vi bán kính 40 km từ trung tâm Caracas. (Telesur)

* Mỹ đưa Cuba ra khỏi danh sách quốc gia bảo trợ khủng bố. Nhà Trắng ra thông báo nêu rõ, quyết định này được đưa ra sau khi chính quyền hoàn tất đánh giá và xác định rằng không có bằng chứng nào cho thấy Cuba đang hỗ trợ khủng bố quốc tế.

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez nhận định, quyết định của Mỹ là bước đi “đúng hướng”, song bày tỏ quan ngại về lệnh bao vây cấm vận vẫn chưa được gỡ bỏ.

Tổng thống Colombia Gustavo Petro nhận định đây là “một bước tiến lớn”, cho rằng Mỹ đã có cách tiếp cận dựa trên đối thoại và dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đối với các nước khu vực Mỹ Latinh. (TASS)

* Thượng viện Mỹ bắt đầu điều trần đối với các đề cử vào những vị trí hàng đầu trong chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump. Người đầu tiên ra điều trần là ông Pete Hegseth, ứng cử viên Bộ trưởng Quốc phòng.

Đảng Cộng hòa nắm đa số ghế (53 ghế) tại Thượng viện và việc đề cử chỉ cần đa số phiếu, nghĩa là hầu hết các lựa chọn của ông Trump sẽ được phê chuẩn dễ dàng ngay sau khi ông nhậm chức vào tuần tới. (The Hill)

* Kênh đào Panama sẽ vẫn thuộc về Panama, theo Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) Arsenio Dominguez ngày 14/1.

Người đứng đầu IMO cho biết, vấn đề này rất rõ ràng và không cần phải tranh luận thêm, vì các hiệp ước đã được ký kết vào năm 1977 quy định kênh đào đã được chuyển giao cho Panama và quốc gia này sẽ tiếp tục quản lý tuyến đường thủy quan trọng này như đã làm. (AFP)

Trung Đông-châu Phi

* Iran sẵn sàng đáp trả nếu bị Mỹ tấn công dù không muốn xung đột, theo lời Tổng thống nước này Masoud Pezeshkian tuyên bố.

Ông Pezeshkian bày tỏ hy vọng rằng hành động tấn công Iran sẽ không xảy ra vì động thái này sẽ "gây thiệt hại" cho tất cả các bên liên quan. (NBC News)

* Hải quân Iran tiếp nhận tàu thu thập thông tin tình báo Zagros đầu tiên, vài ngày sau khi quân đội nước này nhận 1.000 thiết bị bay không người lái mới.

Zagros là loại tàu quân sự mới được trang bị các cảm biến điện tử và có khả năng ngăn chặn các chiến dịch trên mạng, cũng như việc giám sát biển. Phương tiện sẽ đóng vai trò cảnh giới quan trọng trên các vùng biển và đại dương. (Tasnim)

Đọc bài gốc tại đây.