Tin thế giới 21/1: Ông Trump nhậm chức, ký luôn 200 văn kiện, Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga hội đàm trực tuyến, Hamas tiếp tục thả con tin

21/01 20:21
 

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phải nhập viện, NATO triển khai chiến dịch bảo vệ cáp ngầm ở Baltic, động đất 6,4 độ ở Đài Loan, Ukraine phát hiện công ty cung cấp vi mạch cho Nga… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Ông Donald Trump tại lễ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2 tại Điện Capitol vào ngày 20/1. (Nguồn: Politico)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phải nhập viện: Ngày 21/1, Tổng thống bị luận tội của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã phải nhập viện ở một bệnh viện quân y ở Seoul.

Hãng tin KBS dẫn lời một quan chức cho biết ông Yoon nhập viện để điều trị và có kế hoạch trở lại trung tâm tạm giam, nơi ông bị giam giữ từ tuần trước. Trước đó cùng ngày, ông Yoon đã tham gia một phiên điều trần tại Tòa án Hiến pháp.

Trước đó, Văn phòng điều tra tham nhũng đối với quan chức cấp cao (CIO) đã cử các điều tra viên đến Trung tâm giam giữ Seoul hôm 20/1 để cưỡng ép vị Tổng thống bị giam giữ ra trình diện thẩm vấn sau khi ông từ chối tuân thủ nhiều lệnh hầu tòa thẩm vấn liên quan đến nỗ lực ban hành thiết quân luật bất thành hôm 3/12/2024. (THX)

Tin liên quan
Khen ông Donald Trump dũng cảm, Tổng thống Nga làm gì vào ngày ông chủ Nhà Trắng nhậm chức?

*Động đất có độ lớn 6,4 ở Đài Loan (Trung Quốc): Cơ quan khí tượng Đài Loan ngày 21/1 cho biết một trận động đất có độ lớn 6,4 đã xảy ra tại khu vực miền núi phía Nam hòn đảo gần thành phố Gia Nghĩa cùng ngày. Hãng sản xuất chip TSMC thông báo đã sơ tán nhân viên tại các nhà máy ở miền Trung và miền Nam Đài Loan.

Theo Cơ quan khí tượng Đài Loan, chấn tiêu của trận động đất nằm ở độ sâu 9,4 km tại thị trấn Đại Phổ. Đài Loan nằm gần điểm giao nhau của hai mảng kiến tạo và thường xuyên xảy ra động đất. Hồi tháng 4 năm ngoái, một trận động đất có độ lớn 7,2 đã xảy ra tại quận Hoa Liên ở bờ biển phía Đông, khiến 13 người thiệt mạng. Trước đó, năm 2016, hơn 100 người cũng đã thiệt mạng trong một trận động đất ở miền Nam Đài Loan. (Reuters)

*Iran, Pakistan nhất trí tăng cường hợp tác an ninh biên giới: Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Iran - Thiếu tướng Mohammad Bagheri - và người đồng cấp Pakistan Syed Asim Munir Ahmed Shah ngày 20/1 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh nỗ lực chống khủng bố và tăng cường an ninh biên giới giữa hai nước.

Trong ngày thứ hai của chuyến thăm chính thức Pakistan, Tướng Bagheri đã gặp Tướng Munir tại Islamabad để thảo luận về hợp tác song phương, cũng như giải quyết các diễn biến khu vực và quốc tế.

Theo Tướng Munir, “Iran và Pakistan là trung tâm của mối đe dọa khủng bố. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường quan hệ để đạt được an ninh bền vững dọc biên giới với Iran”.

Phía Pakistan còn mời Iran tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế sắp tới ở Karachi. Đáp lại, Thiếu tướng Bagheri khẳng định Iran sẵn sàng tham gia sự kiện này. (The Express Tribunes)

*Hàn-Mỹ tập trận không quân chung: Ngày 21/1, Không quân Hàn Quốc thông báo lực lượng không quân nước này và Mỹ đã bắt đầu một cuộc tập trận kéo dài 4 ngày, như một phần trong nỗ lực tăng cường năng lực thực hiện các hoạt động chung. Cuộc tập trận Buddy Squadron diễn ra tại một căn cứ không quân ở Wonju, cách Seoul 87 km về phía Đông Nam, kéo dài đến 25/1 và có sự tham gia của chiến đấu cơ FA-50 của Hàn Quốc, máy bay tấn công hạng nhẹ KA-1 cũng như máy bay tấn công A-10 của Mỹ.

Cuộc tập trận nhằm tăng cường tinh thần đồng đội của đồng minh, bao gồm giáo dục về an toàn và an ninh cũng như đào tạo về hỗ trợ trên không tầm gần và tuần tra chiến đấu trên mặt nước. Buddy Squadron sẽ là cuộc tập trận cuối cùng có sự tham gia của máy bay A-10 Mỹ, loại máy bay mà Không quân Mỹ sẽ cho ngừng hoạt động tại Hàn Quốc trong năm nay theo một kế hoạch hiện đại hóa. (Yonhap)

*Philippines tiếp tục nỗ lực chống lại thách thức ở Biển Đông: BusinessWorld đưa tin trong một thông cáo ngày 20/1, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực thách thức sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định quyết tâm ngăn chặn Bắc Kinh bình thường hóa các cuộc tuần tra hàng hải bất hợp pháp.

PCG đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối đầu với những hành động này để tránh tạo tiền lệ nguy hiểm cho các cuộc xâm nhập trong tương lai. (Intelinews)

*Hàn Quốc khẳng định quyết tâm phi hạt nhân hoá Triều Tiên: Ngày 21/1, Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ tiếp tục thúc đẩy phi hạt nhân hóa Triều Tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi Triều Tiên là "cường quốc hạt nhân" khi ông trở lại Nhà Trắng cho nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Ông Trump đưa ra nhận xét trên ngay sau lễ tuyên thệ nhậm chức tại Washington, lưu ý rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un "rất hợp nhau".

Khi được hỏi về những bình luận của ông Trump, Bộ Quốc phòng Seoul cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục tìm kiếm phi hạt nhân hóa Triều Tiên và hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế hướng tới mục tiêu này. (Yonhap)

*Afghanistan trao đổi tù nhân với Mỹ: Bộ Ngoại giao Aghanistan ngày 21/1 thông báo một tù nhân Afghanistan bị giam giữ ở Mỹ đã được thả để đổi lấy những công dân Mỹ.

Thông cáo của bộ trên nêu rõ: "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan coi cuộc trao đổi này là một ví dụ điển hình về việc giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt tới quốc gia anh em Qatar vì vai trò hiệu quả của Doha trong tiến trình này". (Reuters)

*Nhật Bản - Lào nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện: Ngày 21/1, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và người đồng cấp Lào Sonexay Siphandone đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên thành “quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện", trong bối cảnh Tokyo tìm cách tăng cường hợp tác với khu vực Đông Nam Á.

Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm tại Tokyo, Thủ tướng Ishiba và người đồng cấp Siphandone đã khẳng định chính phủ hai nước sẽ thiết lập đối thoại cấp thứ trưởng ngoại giao để thúc đẩy hợp tác an ninh.

Tuyên bố cho biết, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Lào trong năm nay, hai thủ tướng đã cam kết tiếp tục "củng cố và mở rộng hoạt động giao lưu đa tầng", bao gồm cả chính trị, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân. (Kyodo)

*Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin hội đàm trực tuyến: Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào chiều 21/1 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế đang diễn biến phức tạp, cuộc hội đàm này một lần nữa khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai cường quốc. Mặc dù nội dung chi tiết cuộc đàm phán chưa được công bố, nhưng đây được xem là động thái ngoại giao quan trọng của cả hai nước.

Trung Quốc tiếp tục duy trì lập trường trung lập về cuộc xung đột Nga-Ukraine kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự toàn diện vào tháng 2/2022. Bắc Kinh vẫn là đối tác chính trị và kinh tế quan trọng của Moscow, điều này khiến một số thành viên NATO coi Trung Quốc như một "nhân tố hỗ trợ" trong cuộc xung đột.

Mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo được đặc biệt nhấn mạnh, với việc ông Tập Cận Bình từng gọi Tổng thống Putin là "người bạn thân nhất" và nhận được sự đáp lại khi được Putin coi là "đối tác đáng tin cậy".(THX)

Châu Âu

*Ukraine phát hiện các công ty cung cấp vi mạch cho Nga: Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) mới đây phát hiện một số doanh nghiệp ở các tỉnh Kharkov, Chernivtsi và Odessa, đã cung cấp linh kiện điện tử cho Nga để sản xuất tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV).

Theo SBU, các công ty bị điều tra là thành viên tập đoàn quốc tế lớn được thành lập tại Nga sản xuất các vi mạch và bảng mạch sử dụng trong hệ thống dẫn đường và điều khiển các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình như Kh-101, Kalibr và Iskander-K. Một số bảng mạch này cũng được sử dụng cho hệ thống dẫn đường của thiết bị bay không người lái "cảm tử", hệ thống rocket phóng loạt Tornado-G và hệ thống dẫn đường trên trực thăng tấn công và trinh sát Ka-52.

Các công ty này đã lập kế hoạch vận chuyển linh kiện điện tử từ Ukraine đến Nga để lách lệnh trừng phạt. Theo đó, họ, giả làm người tiêu dùng cuối cùng, mua sản phẩm trên lãnh thổ Ukraine và các quốc gia khác, chuyển chúng đến một công ty ở Trung Đông, và từ đó đến một công ty của Nga. (AFP)

*NATO triển khai chiến dịch bảo vệ cáp ngầm ở Baltic: Truyền thông châu Âu ngày 20/1 đưa tin Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã mở Chiến dịch Baltic Sentry để bảo vệ các tuyến cáp điện và cáp thông tin liên lạc ngầm dưới Biển Baltic.

Theo đó, NATO sẽ triển khai các tàu mặt nước không người lái (USV) với mục đích “răn đe những hành vi phá hoại”.

Dự kiến, ít nhất 20 USV sẽ được triển khai cùng 12 tàu và máy bay tuần tra trên biển thuộc các nhóm hải quân của NATO. Những chiếc USV này có thể được trang bị một số cảm biến, bao gồm cảm biến quang học và điện từ, có thể được kết nối với dữ liệu chia sẻ cho tất cả các bên liên quan.

Động thái của NATO diễn ra sau một số sự cố trong những tháng qua làm hỏng các tuyến cáp ngầm quan trọng. (AFP)

*Pháp kêu gọi châu Âu giảm lệ thuộc an ninh vào Mỹ: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 20/1 đã lên tiếng kêu gọi châu Âu “thức tỉnh” và chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng để giảm tình trạng lệ thuộc an ninh vào Mỹ.

Trong bài phát biểu đầu năm mới tại Bộ Chỉ huy Hỗ trợ Kỹ thuật số và An ninh mạng Lục quân ở miền Tây nước Pháp - trùng với thời điểm ông Donald Trump trở lại nắm quyền lãnh đạo Nhà Trắng, Tổng thống Macron đã đề cập đến những thay đổi dự kiến trong chính sách đối ngoại của Washington, đặc biệt là đối với cuộc chiến ở Ukraine, cho rằng đây là “cơ hội để châu Âu thức tỉnh về chiến lược”.

Theo Tổng thống Macron, Pháp và châu Âu cần thích ứng với các mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng và lợi ích đang thay đổi. Ông nhấn mạnh chính sách cung cấp hỗ trợ lâu dài cho Ukraine là nhiệm vụ then chốt để Kiev có vị thế mạnh mẽ khi tham gia bất kỳ cuộc hoà đàm nào trong tương lai. (AP)

Trung Đông – châu Phi

*LHQ cảnh báo việc Israel sáp nhập Bờ Tây vi phạm luật pháp quốc tế: Ngày 20/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cảnh báo việc Israel sáp nhập toàn bộ hoặc một phần khu vực Bờ Tây "sẽ là sự vi phạm nghiêm trọng nhất luật pháp quốc tế", đồng thời lên án các tuyên bố của các quan chức Israel về khả năng thực hiện động thái này.

Tổng thư ký cũng bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc về mối đe dọa hiện hữu đối với tính toàn vẹn và sự liên kết lãnh thổ Palestine, bao gồm Gaza và Bờ Tây", khi đề cập đến những thay đổi hành chính của Israel trong 2 năm qua nhằm đẩy nhanh quá trình mở rộng các khu định cư. (Al Jazeera)

*Hamas giữ đúng cam kết phóng thích con tin đợt 2 với phía Israel: Phong trào Hamas ngày 20/1 xác nhận sẽ trả tự do cho các con tin bị giam giữ ở Dải Gaza vào ngày 25/1 tới. Thông tin này được đưa ra sau khi ông Nahed Al-Fakhouri - người đứng đầu văn phòng truyền thông tù nhân Hamas - cho biết lực lượng này sẽ phóng thích các con tin vào ngày 26/1, muộn hơn 1 ngày so với dự kiến theo thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được trong tháng với Israel.

Tuyên bố của Hamas khẳng định nhóm con tin tiếp theo sẽ được trả tự do vào ngày 25/1 để đổi lấy các tù nhân và những người Palestine đang bị Israel giam giữ.

Đầu tháng này, Israel và Hamas đã nhất trí về thỏa thuận ngừng bắn 3 giai đoạn nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 15 tháng ở Dải Gaza. Lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 19/1 với việc Hamas trả tự do cho 3 con tin người Israel. Đổi lại, Tel Aviv cũng phóng thích các tù nhân và những người bị tạm giam của phía Palestine. (Al Jazeera)

*Israel hoan nghênh Mỹ đảo ngược quyết định trừng phạt người định cư Do Thái: Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich ngày 21/1 đã hoan nghênh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đảo ngược lệnh trừng phạt do Chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt đối với các nhóm và cá nhân định cư Israel bị cáo buộc có liên quan đến hành động bạo lực chống lại người Palestine ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng.

Ông Smotrich cho rằng lệnh trừng phạt trước của Mỹ đó là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Israel. Đồng thời, ông Smotrich thể hiện mong muốn hợp tác hiệu quả với Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia và mở rộng khu định cư Do Thái.

Kể từ cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, Israel đã chiếm đóng Bờ Tây sông Jordan, động thái bị hầu hết các nước cáo buộc là bất hợp pháp. Đồng thời, Israel đã xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở khu vực này, viện dẫn mối liên hệ lịch sử và Kinh thánh với vùng đất này. (Time of Israel)

Châu Mỹ-Mỹ Latinh

*Ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ: Vào lúc 12h02 ngày 20/1 theo giờ bờ Đông nước Mỹ (0 giờ 2 phút ngày 21/1 theo giờ Việt Nam), ông Donald Trump đã tuyên thệ nhậm chức tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ, chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của "xứ cờ hoa".

Cùng thời điểm này, nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cũng chính thức kết thúc theo quy định của Tu chính án thứ 20 trong Hiến pháp Mỹ. Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ thứ 47 được tổ chức bên trong Tòa nhà Quốc hội thay vì ở ngoài trời như truyền thống do điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Nhiều nhà lập pháp và quan chức Mỹ có mặt trong lễ nhậm chức của ông Trump bên cạnh ba cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, cùng Tổng thống Joe Biden. Phó Tổng thống Kamala Harris, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, cũng xuất hiện tại sự kiện.

Một loạt Giám đốc điều hành (CEO) của các hãng công nghệ như ông Mark Zuckerberg (Meta), ông Jeff Bezos (Amazon), ông Elon Musk (Tesla), ông Tim Cook (Apple) và ông Sundar Pichai (Google) cũng có mặt tại lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử.

Ông Trump là Tổng thống thứ hai trong lịch sử chính trường Mỹ làm hai nhiệm kỳ không liên tiếp sau ông Grover Cleveland, người từng được bầu vào năm 1884 và 1892. (Reuters)

*Sắc lệnh đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ bị kiện: Những người ủng hộ quyền nhập cư và dân quyền, bao gồm Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ, đã đệ đơn kiện sắc lệnh hành pháp về quyền công dân theo nơi sinh do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sau khi nhậm chức vào ngày 20/1.

Trong một tuyên bố, những người đệ đơn kiện khẳng định sắc lệnh này là vi hiến và nhấn mạnh: "Những người ủng hộ quyền của người nhập cư hôm nay đã kiện chính quyền Trump về sắc lệnh hành pháp nhằm tước quyền công dân Mỹ của một số trẻ em sinh ra tại Mỹ".

Quyết định chấm dứt quyền công dân dựa trên nơi sinh, vốn được ghi trong Tu chính án số 14 của Hiến pháp Mỹ, theo đó sẽ không cấp quyền công dân cho những trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Mỹ mà cha mẹ không có tư cách công dân Mỹ. Trước đó, dư luận cho rằng động thái của Tổng thống Trump chắc chắn sẽ gây tranh cãi và đối mặt với những thách thức pháp lý từ các cơ quan lập pháp. (Reuters)

*Tổng thống Trump thông báo sẽ gặp ông Putin, thăm Trung Quốc trong năm nay: Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/1 cho biết ông sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin, tuy nhiên thời điểm cuộc gặp vẫn chưa được ấn định.

Ông Trump, người vừa nhậm chức tổng thống ngày 20/1, cũng tuyên bố ông sẽ cố gắng chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine trong thời gian sớm nhất có thể.

Cùng ngày, ông Trump cũng tuyên bố ông có thể sẽ thăm Trung Quốc ngay trong năm nay.

Khi được một phóng viên hỏi liệu ông có tới Trung Quốc trong năm nay không, ông Trump nói: "Có thể. Tôi đã nhận được lời mời". (Reuters)

Đọc bài gốc tại đây.