Tin thế giới ngày 18/4: Indonesia mua vũ khí của Mỹ, Ukraine trừng phạt 3 thực thể Trung Quốc, Nga phá âm mưu tấn công khủng bố

18/04 21:07
 

Mỹ - Ukraine sắp ký thỏa thuận khoáng sản, Campuchia và Trung Quốc cam kết ủng hộ lợi ích cốt lõi của nhau, Iran muốn Nga đóng vai trò trong thỏa thuận hạt nhân với Mỹ… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tổng thống Macron (trái) bắt tay với Ngoại trưởng Rubio (phải) tại Paris ngày 17/4. (Nguồn: AFP)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á-Thái Bình Dương

*Campuchia và Trung Quốc cam kết ủng hộ lợi ích cốt lõi của nhau: Ngày 18/4, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia đã ra thông cáo báo chí về kết quả chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó hai bên đã tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với lợi ích cốt lõi của nhau.

Thông cáo cho biết Campuchia đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính sách “Một Trung Quốc” và phản đối mọi âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh.

Trong khi đó, phía Trung Quốc cũng tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Campuchia trong việc tự chủ lựa chọn con đường phát triển phù hợp với điều kiện của quốc gia mình, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia đồng thời ủng Phnom Penh đóng vai trò ngày càng tích cực và quan trọng hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế. (Khmer Times)

Tin liên quan
Tin thế giới 17/4: Trung Quốc đặt điều kiện với Mỹ nếu đàm phán, Nga muốn đổi tài sản đóng băng lấy Boeing, Tổng thống Trump ngăn Israel tấn công Iran

*Trung Quốc phủ nhận cung cấp vũ khí sát thương cho các bên trong xung đột Ukraine: Bắc Kinh ngày 18/4 phủ nhận việc cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào trong xung đột Ukraine, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố ông có "thông tin" cho thấy Trung Quốc đang cung cấp vũ khí cho Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm khẳng định: "Phía Trung Quốc chưa từng cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào trong xung đột và kiểm soát nghiêm ngặt các mặt hàng lưỡng dụng". (AFP)

*Indonesia cân nhắc mua vũ khí của Mỹ: Bloomberg News ngày 18/4 đưa tin Indonesia đang cân nhắc mua thiết bị quốc phòng do Mỹ sản xuất trị giá hàng tỷ USD, bao gồm máy bay tiêm kích và đạn dược.

Theo các nguồn thạo tin, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Sjafrie Sjamsoeddin đã tổ chức cuộc họp kín với các quan chức cấp cao vào ngày 8/4 để truyền đạt chỉ thị từ Tổng thống Prabowo Subianto, yêu cầu xác định các loại vũ khí Mỹ có thể nhập khẩu hoặc đẩy nhanh thủ tục mua.

Trước đó, Indonesia đã đề xuất tăng nhập khẩu từ Mỹ, phấn đấu đạt kim ngạch nhập khẩu 19 tỷ USD, bao gồm khoảng 10 tỷ USD năng lượng, trong nỗ lực tránh mức thuế 32% mà Tổng thống Trump đe dọa áp đặt với hàng xuất khẩu của nước này. (Reuters)

*Thủ tướng Malaysia kêu gọi kéo dài ngừng bắn tại Myanmar: Ngày 18/4, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết ông đã kêu gọi lãnh đạo chính quyền quân sự ở Myanmar chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này để tạo điều kiện cho các nỗ lực nhân đạo sau trận động đất thảm khốc vào cuối tháng trước khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Bên cạnh cuộc gặp Thượng tướng Min Aung Hlaing tại Bangkok (Thái Lan) hôm 17/4, ông Anwar cho biết ngày 18/4 ông cũng đã trao đổi với chính quyền Myanmar - Chính phủ thống nhất quốc gia - như một phần trong nỗ lực khu vực nhằm thu hút tất cả các bên tham gia xung đột. Ông Anwar hiện là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

*Iran muốn Nga đóng vai trò trong thỏa thuận hạt nhân với Mỹ: Ngày 18/4, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho rằng việc đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Tehran là điều khả thi và kỳ vọng Nga sẽ đóng vai trò quan trọng trong thỏa thuận này.

Phát biểu này được Ngoại trưởng Araghchi đưa ra sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại Moscow. Ông Araghchi lưu ý Iran đã ghi nhận sự nghiêm túc của Mỹ trong vòng đàm phán đầu tiên về thỏa thuận này, diễn ra tại Oman vào tuần trước.

Ngoài ra, ông Araghchi cũng nêu rõ: "Mặc dù chúng tôi thực sự hoài nghi về ý định và động cơ của phía Mỹ, nhưng trong mọi trường hợp chúng tôi vẫn sẽ tham gia cuộc đàm phán sắp tới”.

Về phần mình, ông Lavrov khẳng định Nga sẵn sàng tham gia cuộc đàm phán hạt nhân Iran-Mỹ. (AFP)

*Mỹ cáo buộc công ty Trung Quốc hỗ trợ tình báo cho Houthi: Các quan chức Mỹ cho biết một công ty vệ tinh của Trung Quốc có liên quan đến quân đội đang hỗ trợ Houthi nhắm vào các tàu chiến Mỹ và tàu quốc tế ở Biển Đỏ.

Theo đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục cảnh báo Bắc Kinh rằng Công ty TNHH Công nghệ Vệ tinh Chang Guang, một công ty tư nhân có liên kết với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đang cung cấp cho Houthi các thông tin tình báo.

Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Washington đã kín đáo nêu quan ngại nhiều lần với Chính phủ Trung Quốc về vai trò của công ty Chang Guang trong việc hỗ trợ Houthi, để giúp Trung Quốc có hành động". Quan chức này cho biết thêm Bắc Kinh đã "phớt lờ" các quan ngại đó. (FT)

*Iran trình làng loạt trang thiết bị quân sự mới trong lễ diễu binh: Theo AFP ngày 18/4, Iran đã tổ chức diễu binh để kỷ niệm Ngày Quân đội hàng năm, giới thiệu một loạt thiết bị bay không người lái (UAV), tên lửa, xe tăng và các thiết bị quân sự khác mới nhất do nước này tự sản xuất.

Nhiều UAV sản xuất trong nước, bao gồm các mẫu Karrar, Arash và Mohajer chạy bằng động cơ phản lực, cùng hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất đã được trình diễn trong cuộc diễu hành ở thủ đô Tehran. Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã có mặt trong sự kiện, ca ngợi quân đội Iran là “pháo đài vững chắc” của quốc gia, giúp khẳng định ảnh hưởng của đất nước trong khu vực.

Những sự kiện này diễn ra trong bối cảnh vòng đàm phán hạt nhân thứ hai giữa Iran và Mỹ chuẩn bị được tổ chức tại thủ đô Rome, Italy vào ngày 19/4. (AFP)

*RSF pháo kích vào Tây Sudan, 62 người thiệt mạng: Theo thông báo ngày 17/4 của quân đội Sudan, ít nhất 62 dân thường đã thiệt mạng trong một cuộc pháo kích của Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự vào thủ phủ El Fasher của bang Bắc Darfur, miền Tây Sudan.

Tuyên bố cho biết thêm: "Cuộc pháo kích đã khiến 62 thường dân thiệt mạng, bao gồm 15 trẻ em, 17 phụ nữ, 30 nam giới, và 75 người khác bị thương với các mức độ khác nhau".

Ngày 17/4, nhóm này cũng báo cáo về một đợt pháo kích mới của RSF vào El Fasher, làm nhiều người nữa thương vong, song số liệu chính xác vẫn chưa được đưa ra. RSF vẫn chưa lên tiếng về vụ việc.

Kể từ ngày 10/5/2024, giao tranh ác liệt đã nổ ra giữa SAF và RSF tại El Fasher, một phần của cuộc xung đột đã nhấn chìm Sudan trong khủng hoảng kể từ tháng 4/2023. (Al Jazeera)

*Mỹ dự kiến rút 600 quân khỏi Syria: Một quan chức Mỹ ngày 17/4 tiết lộ nước này sẽ rút khoảng 600 quân khỏi Syria, chỉ để lại chưa đến 1.000 quân để phối hợp với lực lượng đồng minh người Kurd chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Quan chức Mỹ giấu tên này cho biết lực lượng của Washington không chỉ đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch chống IS mà còn là lực lượng đệm giúp bảo vệ người Kurd trước Thổ Nhĩ Kỳ - vốn coi lực lượng này có liên hệ với các nhóm khủng bố.

Tổng thống Donald Trump đã từng cố gắng rút toàn bộ quân khỏi Syria trong nhiệm kỳ đầu của ông, nhưng gặp phải sự phản đối từ Lầu Năm Góc vì động thái này được xem là bỏ rơi đồng minh và dẫn đến việc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis từ chức. (AP)

Châu Âu

*Ukraine trừng phạt 3 thực thể Trung Quốc: Theo sắc lệnh của Tổng thống Ukraine, Kiev ngày 18/4 đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 3 thực thể Trung Quốc.

Danh sách trừng phạt này, cũng bao gồm cả nhiều công ty Nga, nêu tên Công ty TNHH Công nghệ hàng không và vũ trụ Bắc Kinh Xianghui, Công ty TNHH Máy móc Rui Jin và Công ty TNHH Sợi carbon Zhongfu Shenying. Cả 3 công ty này đều đăng ký tại Trung Quốc. (Reuters)

*Nga xác nhận lệnh tạm dừng tấn công cơ sở năng lượng Ukraine “hết hạn”: Ngày 18/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận lệnh tạm dừng tấn công 30 ngày đối với cơ sở hạ tầng của Ukraine đã “hết hạn”.

Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Peskov thông báo: “Thời hạn một tháng đã hết. Cho đến thời điểm này, Tổng Tư lệnh tối cao, Tổng thống Vladimir Putin chưa có chỉ thị nào khác về vấn đề này”.

Liên quan tới tiến trình hòa đàm với Ukraine, quan chức này thừa nhận: "Các cuộc tiếp xúc đang diễn ra khá khó khăn bởi đây là chủ đề không đơn giản, đó là vấn đề giải quyết xung đột Ukraine". (RIA Novosti)

*Moscow tố EU muốn biến Moldova thành tiền đồn chống Nga: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Liên minh châu Âu (EU) muốn biến Moldova thành tiền đồn chống Moscow và đang lôi kéo Chisinau vào cuộc xung đột ở Ukraine, biến Moldova thành căn cứ hậu cần để hỗ trợ chế độ Kiev.

Bà Zakharova nhắc lại hồi tháng 12/2024, bộ phận truyền thông của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR) tuyên bố Đại sứ EU tại Moldova Janis Mazeiks đã yêu cầu Chisinau truy tố các nhà lãnh đạo của phe đối lập, trong đó có những người ủng hộ đối thoại cùng có lợi với Nga, cũng như đình chỉ chức vụ của bà Evghenia Gutsul - Thống đốc khu tự trị Gagauzia. (AFP)

*Nga triệt phá âm mưu tấn công khủng bố tại Krasnodar: Ngày 18/4, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết lực lượng an ninh đã bắt giữ một công dân Belarus tại khu vực Krasnodar với cáo buộc liên quan đến kế hoạch tấn công khủng bố theo chỉ đạo của cơ quan an ninh Ukraine.

Theo đó, nghi phạm được tuyển mộ qua mạng internet vào tháng 12/2024 để thu thập thông tin về Hạm đội Biển Đen và quân đội Nga.

Nghi phạm thừa nhận bản thân hành động vì muốn kiếm tiền nhanh chóng và dễ dàng đồng thời xác nhận được giao nhiệm vụ theo dõi các cơ sở quân sự của Nga ở Krasnodar và phá hoại một điểm tập kết quân sự ở thành phố Novorossiysk bằng thiết bị nổ tự chế. (RIA Novosti)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Mỹ và Ukraine dự kiến hoàn tất thỏa thuận khoáng sản vào tuần tới: Nghị sĩ Ukraine Yaroslav Zheleznyak ngày 18/4 cho biết nước này và Mỹ dự định hoàn tất thỏa thuận khoáng sản vào ngày 26/4 tới.

Trong bài đăng trên Telegram, ông Zheleznyak xác nhận: "Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal sẽ thăm Washington trong tuần tới để gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và hỗ trợ việc hoàn tất các cuộc thảo luận kỹ thuật về thỏa thuận thành lập quỹ đầu tư phục hồi. Các nhóm đàm phán dự kiến sẽ báo cáo tiến độ vào ngày 26/4 với mục tiêu hoàn tất thảo luận ngay trong ngày để nhanh chóng ký kết thỏa thuận".

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yuliia Svyrydenko ngày 17/4 tuyên bố nước này và Mỹ đã ký biên bản ghi nhớ xác nhận ý định hoàn tất và ký kết thỏa thuận về đất hiếm. (RIA Novosti)

*Mỹ sẵn sàng từ bỏ nỗ lực trung gian hòa bình Nga-Ukraine: Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 18/4 tuyên bố Mỹ sẽ ngừng nỗ lực làm trung gian thỏa thuận hòa bình Nga-Ukraine trong vài ngày tới trừ phi có dấu hiệu rõ ràng về khả năng đạt được thỏa thuận.

Phát biểu tại Paris sau cuộc gặp các nhà lãnh đạo châu Âu và Ukraine, Ngoại trưởng Rubio cho biết Tổng thống Donald Trump vẫn quan tâm đến một thỏa thuận, nhưng có nhiều ưu tiên khác trên toàn cầu và sẵn sàng chuyển sang vấn đề khác nếu không thấy dấu hiệu tiến triển. (Reuters)

*Tổng thống Mexico điện đàm với người đồng cấp Mỹ: Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 17/4 cho biết bà đã có cuộc điện đàm “rất hiệu quả” với người đồng cấp Mỹ Donald Trump để đạt được các thỏa thuận song phương, song không cung cấp chi tiết nội dung cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo.

Cuộc điện đàm của lãnh đạo hai nước diễn ra trong bối cảnh quan chức hai bên đang đàm phán về mức thuế đơn phương của Mỹ đối với mặt hàng ô tô, thép và nhôm nhập khẩu từ Mexico, cũng như những tranh cãi xoay quanh việc chia sẻ nguồn nước tại khu vực biên giới.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mexico thông báo người đứng đầu cơ quan này cũng có cuộc điện đàm với Tư lệnh Bộ Chỉ huy phương Bắc (NORTHCOM), Tướng Gregory M. Guillot theo đề nghị từ phía Mỹ. (Reuters)

Đọc bài gốc tại đây.