Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.
Tên lửa hành trình tầm xa Taurus của Đức. (Nguồn: AFP) |
Châu Âu
* Đức sẵn sàng gửi tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine, theo lời lãnh đạo khối Liên minh dân chủ cơ đốc giáo và Liên minh xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Đức Friedrich Merz, hiện là đề cử cho vị trí Thủ tướng của chính phủ liên minh.
Tin liên quan |
Ông Merz phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 13/4: "Tôi đã tuyên bố chính xác - (Đức) sẽ không tham gia vào xung đột này, nhưng chúng ta sẽ cung cấp cho quân đội Ukraine những vũ khí như vậy. Hơn nữa, quân đội Ukraine phải hành động phòng thủ, họ luôn chỉ phản ứng, nhưng họ nên có khả năng tác động đến các sự kiện".
Chính trị gia Đức nhấn mạnh, Berlin chỉ đồng ý với động thái này khi phối hợp với các đối tác châu Âu, lưu ý rằng, các nước châu Âu như Anh hay Pháp, thậm chí cả quốc gia bên kia Đại Tây Dương là Mỹ đều đã cung cấp tên lửa tầm xa cho Kiev. (RIA)
* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi người đồng cấp Mỹ Donald Trump đến thăm đất nước của ông để hiểu rõ hơn về sự tàn phá do cuộc xung đột đã kéo dài sang năm thứ 4 gây ra, trước khi ông chủ Nhà Trắng "đưa ra bất kỳ quyết định nào, bất kỳ hình thức đàm phán nào".
Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh chính quyền của ông Trump đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán giải quyết xung đột ở quốc gia Đông Âu. Ngày 13/4, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh, xung đột Ukraine là "cuộc xung đột xảy ra dưới thời ông Joe Biden" và bản thân ông Trump là người kế nhiệm "chỉ đang cố gắng chấm dứt nó nhằm cứu được nhiều sinh mạng". (AFP, RIA)
* Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ quyết định có gia hạn lệnh ngừng tấn công cơ sở năng lượng giữa Nga và Ukraine do Mỹ làm trung gian hay không, theo lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/4.
Ông Peskov cáo buộc Ukraine "về cơ bản đã không tuân thủ lệnh ngừng tấn công này", vì vậy Nga "cần phân tích tình hình 30 ngày vừa qua". Ông để ngỏ việc có thể sẽ có các cuộc đàm phán với phía Mỹ về lệnh ngừng tấn công. (TASS)
* Hungary bắt đầu trưng cầu dân ý về việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) khi các áp phích có hình ảnh Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, lãnh đạo đảng Nhân dân châu Âu Manfred Weber và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với dòng chữ "Đừng để họ quyết định thay chúng ta" xuất hiện trên đường phố Budapest.
Lời kêu gọi của chính quyền Hungary được gửi tới tất cả công dân nước này và chính phủ đã bắt đầu gửi phiếu bầu từ ngày 14/4 với chỉ một câu hỏi: "Bạn có ủng hộ Ukraine trở thành thành viên EU không?". Có hai phương án trả lời: Có hoặc không.
Việc bỏ phiếu sẽ kéo dài đến cuối tháng 5 và kết quả sẽ được tổng hợp dưới sự giám sát chặt chẽ của công chứng viên. (TASS)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Malaysia từ ngày 15-17/4 theo lời mời của Quốc vương nước chủ nhà Sultan Ibrahim. Theo thông cáo báo chí ngày 14/4 của Bộ Ngoại giao Malaysia, trong lịch trình, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp Quốc vương Sultan Ibrahim tại Hoàng cung Istana Negara.
Chủ tịch Trung Quốc sau đó sẽ gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim để thảo luận về hợp tác song phương, trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Sau đó, cả hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ trao đổi Biên bản ghi nhớ, Thỏa thuận và Công hàm giữa Malaysia và Trung Quốc. (The Star)
* Trung Quốc tăng cường hợp tác thương mại có lợi đôi bên với tất cả các nước, theo lời Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nước này Wang Lingjun.
Ông Vương lưu ý: "Việc chính phủ Mỹ gần đây lạm dụng thuế quan đã tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, trong đó có thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ". Để đáp trả, Bắc Kinh đã thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết, không chỉ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, mà còn để bảo vệ các quy tắc thương mại quốc tế, sự công bằng và công lý quốc tế. (RIA)
* Cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ra hầu tòa án ở Seoul trong phiên xét xử đầu tiên về tội nổi loạn liên quan việc ông tìm cách áp đặt thiết quân luật hồi tháng 12 năm ngoái.
Cựu Tổng thống đã bị cách chức ngày 4/4 sau khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc giữ nguyên quyết định luận tội ông về việc áp đặt thiết quân luật ngày 3/12/2024. (Yonhap)
* Nhật Bản lo ngại về tác động của thuế quan Mỹ trong cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru với người đồng cấp Singapore Lawrence Wong.
Thủ tướng Ishiba tuyên bố, Tokyo nhận thức tầm quan trọng của việc duy trì liên lạc chặt chẽ với Đông Nam Á để ứng phó "những hoàn cảnh đầy thách thức" như thương chiến Mỹ-Trung, đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ với Singapore. (Kyodo)
* Các ứng cử viên Thủ tướng Australia khởi động chiến dịch tranh cử liên bang ngày 13/4, đưa ra các cam kết mạnh mẽ giải quyết vấn đề giá nhà ở và cải cách thuế, vốn đang là mối quan tâm hàng đầu của cử tri quốc gia châu Đại Dương này.
Thủ tướng đương nhiệm Anthony Albanese khai màn chiến dịch tái tranh cử của Công đảng tại bang Tây Australia với cam kết nếu tái đắc cử ông sẽ tiếp tục xây dựng một tương lai phù hợp với các giá trị mà Australia theo đuổi và đáp ứng kỳ vọng của người dân.
Lãnh đạo đảng Tự do đối lập Peter Dutton phát động chiến dịch tranh cử tại khu vực phía Tây thành phố Sydney, bang New South Wales, Đông Nam Australia, cam kết nếu đắc cử sẽ ban hành khoản cắt giảm thuế một lần trị giá 1.200 AUD (tương đương 754,3 USD)/người cho hàng triệu người có thu nhập trung bình vào năm 2026. (The Sydney Morning Herald)
Trung Đông-châu Phi
* Đàm phán tiếp theo Mỹ-Iran vòng thứ 2 sẽ diễn ra tại Rome (Italy) vào ngày 19/4, theo lời Ngoại trưởng Hà Lan Caspar Veldkamp và một nguồn tin ngoại giao ngày 14/4.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei đã bác bỏ khả năng thay đổi thủ tục đàm phán với Mỹ, nói rõ: "Đàm phán trực tiếp là vô nghĩa và không hiệu quả trong tình huống một bên tiếp tục sử dụng đe dọa. Chúng tôi sẽ tuân thủ thủ tục đã thiết lập trước đó".
Cuộc đàm phán gián tiếp trước đó giữa Mỹ và Iran, diễn ra ngày 12/4 ở Oman, được cả hai bên đánh giá tích cực, có tính xây dựng và bình tĩnh. Hai bên đồng ý tiếp tục tham vấn vòng 2 vào ngày 19/4. (AFP)
* EU công bố 1,6 tỷ Euro viện trợ mới cho Palestine, kéo dài ba năm nhằm giúp ổn định Bờ Tây và Dải Gaza. (Reuters)
* Israel cảnh báo tăng cường oanh kích Dải Gaza nếu Hamas từ chối thỏa thuận trao đổi con tin, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz.
Ông Katz nêu rõ: “Hàng trăm nghìn cư dân Palestine đã phải sơ tán và nhiều khu vực ở lãnh thổ Gaza đã trở thành một phần vùng đệm an ninh của Israel. Mục tiêu chính của Israel là gây áp lực mạnh lên Hamas để họ quay lại khuôn khổ thả con tin”.
Cảnh báo trên dường như nhằm đáp trả tuyên bố trước đó của Hamas về việc phong trào này sẽ từ chối bất kỳ thỏa thuận nào không dẫn đến chấm dứt vĩnh viễn cuộc xung đột ở Gaza và hướng tới việc thành lập nhà nước Palestine (Times of Israel)
Châu Mỹ
* Tổng thống Mỹ Donald Trump đủ sức khỏe làm lãnh đạo, theo xác nhận của bác sĩ Nhà Trắng Sean Barbella.
Theo kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ hôm 12/4, với xét nghiệm tim mạch, thần kinh và đánh giá chức năng nhận thức, bác sĩ Barbella cho hay, ông Trump “có thể trạng và nhận thức xuất sắc, hoàn toàn đủ sức đảm nhiệm các trọng trách Tổng Tư lệnh và nguyên thủ quốc gia”.
Cũng theo báo cáo, Tổng thống Trump không uống rượu hay hút thuốc, có lối sống năng động, góp phần duy trì thể lực và tinh thần minh mẫn. (Reuters)
* Tổng thống Donald Trump phản đối thương vụ 14 tỷ USD bán U.S. Steel cho Nhật Bản, tuyên bố rằng, ông không nghĩ một tập đoàn nước ngoài sẽ kiểm soát tập đoàn thép này. (Reuters)
* Tổng thống Donald Trump sẽ thông báo mức thuế đánh vào chất bán dẫn nhập khẩu trong tuần này, đồng thời cho biết sẽ có sự linh hoạt đối với một số công ty trong ngành.
* Ông Daniel Noboa tái đắc cử Tổng thống Ecuador với 55,92% số phiếu bầu trên tổng số 92,64% số phiếu được kiểm. Theo thống kê, 83,76% trong số hơn 13,7 triệu cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu. (THX)
Đọc bài gốc tại đây.