Tin thế giới 17/1: Nga cam kết đảm bảo an ninh cho Belarus, Tổng thống Iran thăm Nga, Trung Quốc trấn an thế giới về siêu tàu đổ bộ

17/01 19:42
 

Romania cáo buộc Nga xâm phạm không phận, Mông Cổ - Pháp ký thỏa thuận lịch sử về khai thác urani, Philippines chặn tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ ở Biển Đông, rơi máy bay ở Mexico… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tới sân bay Vnukovo ở thủ đô Moscow, ngày 17/1, bắt đầu chuyến thăm Nga. (Nguồn: Iranintl.com)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Trung Quốc trấn an về tàu đổ bộ Type 076: Ngày 17/1, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã chính thức lên tiếng về việc hạ thủy tàu tấn công đổ bộ Type 076 đầu tiên mang tên Tứ Xuyên, khẳng định đây là bước phát triển bình thường trong tiến trình hiện đại hóa hải quân nước này.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm nhấn mạnh việc phát triển tàu Type 076 không nhằm vào bất kỳ quốc gia, khu vực hay thực thể cụ thể nào.

Tàu Type 076 được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong năng lực tác chiến đổ bộ của Hải quân Trung Quốc. Trang bị công nghệ phóng và chặn điện từ tiên tiến, tàu có khả năng vận hành cả máy bay cánh cố định, trực thăng và các phương tiện đổ bộ, giúp nâng cao đáng kể hiệu quả trong các chiến dịch đổ bộ và hoạt động viễn dương. (THX)

Tin liên quan
Tin thế giới 16/1: Israel-Hamas đạt ngừng bắn, Trung Quốc, Philippines thảo luận về Biển Đông, Anh, Pháp tính triển khai quân tới Ukraine

*Điều tra viên Hàn Quốc đề nghị chính thức bắt giữ Tổng thống Yoon Suk Yeol: Ngày 17/1, các điều tra viên đã đề nghị lệnh bắt giữ chính thức đối với Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol liên quan đến việc ông ban bố lệnh thiết quân luật bất thành.

Cơ quan điều tra tham nhũng quan chức cấp cao Hàn Quốc đã nộp yêu cầu lên Tòa án quận Tây Seoul, một ngày sau khi cơ quan này bắt giữ ông Yoon Suk Yeol tại nhà riêng và đưa ông tới một trung tâm giam giữ sau khi thẩm vấn.

Ông Yoon Suk Yeol đối mặt với các cáo buộc lạm quyền liên quan đến việc ông ban hành lệnh thiết quân luật ngày 3/12/2024. (Yonhap)

*Trung Quốc phản đối mạnh mẽ Mỹ điều tra ngành đóng tàu: Ngày 17/1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích gay gắt cuộc điều tra của Mỹ nhằm vào các lĩnh vực hàng hải, hậu cần và đóng tàu của nước này, coi đây là hành động "vi phạm nghiêm trọng" các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Phát ngôn này được đưa ra sau khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ công bố kết luận điều tra, cho rằng Trung Quốc đã sử dụng các chính sách không công bằng để giành vị thế thống lĩnh trong ngành công nghiệp đóng tàu. Động thái này nằm trong chiến lược rộng lớn hơn của Washington nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc và tăng cường hợp tác với các đồng minh.

Tuy nhiên, các nhà phân tích và lãnh đạo doanh nghiệp đóng tàu Trung Quốc cho rằng, với lợi thế về quy mô và chi phí, ngành công nghiệp đóng tàu nước này khó có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.(Reuters)

*Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan bị phạt tù vì tội tham nhũng: Kênh truyền hình ARY News đưa tin, một tòa án Pakistan ngày 17/1 đã tuyên phạt cựu Thủ tướng Imran Khan 14 năm tù trong một vụ án tham nhũng đất đai.

Phán quyết trong vụ án này, mức cao nhất đối với sai phạm tài chính mà ông Khan phải đối mặt, được tòa án chống tham nhũng đưa ra tại một nhà tù ở thành phố Rawalpindi, nơi ông Khan bị giam giữ từ tháng 8/2023. (Reuters)

*Mông Cổ, Pháp ký thỏa thuận lịch sử về khai thác urani: Mông Cổ ngày 17/1 đã ký thỏa thuận đầu tư trị giá 1,6 tỷ USD với tập đoàn hạt nhân Orano của Pháp, cho phép khai thác mỏ urani trữ lượng lớn ở khu vực Tây Nam nước này.

Theo thông cáo của Chính phủ Mông Cổ, tổng giá trị đầu tư trong thỏa thuận này là 1,6 tỷ USD, với khoản kinh phí ban đầu 500 triệu USD và bắt đầu sản xuất thực tế vào năm 2027.

Orano miêu tả mỏ urani Zuuvch-Ovoo, được các nhà địa chất của công ty này phát hiện ở phía Tây Nam Mông Cổ năm 2010, chứa khoảng 90.000 tấn tài nguyên sẽ được khai thác trong vòng 30 năm. Theo ước tính, sản lượng tại cơ sở này trong tương lai có thể đạt khoảng 2.500 tấn mỗi năm - tương đương khoảng 1/4 nhu cầu năng lượng hạt nhân hàng năm của Pháp. (AFP)

*Philippines chặn tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ ở Biển Đông: Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) ngày 17/1 cho biết đã buộc tàu hải cảnh Trung Quốc (CCG) số 5901 phải rời khỏi Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này ngoài khơi Zambales.

PCG cho biết đã yêu cầu tàu CCG-5901, thường được gọi là "tàu quái vật", phải duy trì khoảng cách ít nhất 70 hải lý từ bờ biển Zambales. Thông qua liên lạc vô tuyến, PCG cảnh báo sự hiện diện của tàu CCG-5901 vi phạm pháp luật Philippines, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và phán quyết của Tòa Trọng tài hồi năm 2016 theo đó bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo PCG, Tính đến ngày 17/1, tàu CCG-5901 đã hiện diện trái phép trong vùng biển này 14 ngày liên tiếp. (Manila Times)

Châu Âu

*Nga cảnh báo về "ranh giới đỏ" trong quan hệ Anh-Ukraine: Ngày 17/1, Điện Kremlin bày tỏ lo ngại sâu sắc về thỏa thuận đối tác kéo dài một thế kỷ giữa Vương quốc Anh và Ukraine, đặc biệt phản đối mạnh mẽ khả năng thiết lập các căn cứ quân sự của Anh trên lãnh thổ Ukraine.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Moscow sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các chi tiết của thỏa thuận mới được ký kết này. Ông đặc biệt bày tỏ thái độ tiêu cực về viễn cảnh Anh và Ukraine hợp tác ở khu vực Biển Azov - vùng biển mà Nga coi là "nội địa" của mình.

Tuyên bố của Điện Kremlin được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Anh Keir Starmer công bố cam kết mới với Ukraine. Theo đó, London sẽ phối hợp với Kiev và các đồng minh để đưa ra những đảm bảo an ninh cho Ukraine trong trường hợp đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Nga. Cam kết này nằm trong khuôn khổ một thỏa thuận đối tác kéo dài tới 100 năm giữa hai nước. (Reuters)

*Slovakia chủ động đề xuất vai trò trung gian trong xung đột Ukraine: Ngày 17/1, Phó Chủ tịch Quốc hội Slovakia Tibor Gaspar đã bày tỏ sự sẵn sàng của nước này trong việc đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán về Ukraine, bao gồm cả khả năng tổ chức hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo Nga và Mỹ.

Phát biểu với báo chí, ông Gaspar nhấn mạnh Slovakia có thể là địa điểm lý tưởng cho các cuộc đàm phán sơ bộ giữa đại diện Ukraine, Nga và Mỹ, với mục tiêu hướng tới một thỏa thuận hòa bình. Thủ đô Bratislava được đề xuất như một địa điểm tiềm năng cho các vòng đối thoại này.

Tháng 6/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra sáng kiến giải quyết hòa bình cho xung đột, trong đó Moscow sẽ ngừng bắn ngay lập tức và sẵn sàng đàm phán sau khi quân đội Ukraine rút khỏi các vùng lãnh thổ mới của Nga. Tuy nhiên, sau khi lực lượng Ukraine tấn công vào vùng Kursk của Nga vào tháng 8, Tổng thống Putin đã tuyên bố việc đàm phán với Kiev là không thể trong thời điểm hiện tại. (Sputnik)

*Nga cam kết đảm bảo an ninh cho Belarus: Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, ngày 16/1 cho biết trong khuôn khổ Liên minh Nga-Belarus, Nga có nghĩa vụ bảo đảm an ninh cho đồng minh Belarus và sẽ không bỏ rơi nước này nếu họ bị tấn công.

Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra sau khi các quan chức Belarus cùng ngày cho biết các nhóm cực đoan đã lên kế hoạch chiếm giữ các khu vực biên giới của Belarus.

Cuộc bầu cử Tổng thống Belarus sẽ diễn ra vào ngày 26/1. (THX)

*Hungary đề nghị Mỹ dỡ bỏ trừng phạt: Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 17/1 cho rằng lệnh trừng phạt của Chính phủ Mỹ đối với bộ trưởng nội các Antal Rogan chỉ càng giúp củng cố vị trí của ông này.

Trước đó trong tháng này, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ông Rogan, một thành viên cấp cao trong Chính phủ Hungary và là cố vấn thân cận của ông Orban, với cáo buộc tham nhũng.

Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, ông Orban cho rằng đã đến lúc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga. Theo ông, EU sẽ phải thích ứng với một kỷ nguyên mới khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng và cần xây dựng mối quan hệ với Nga mà "không có lệnh trừng phạt". (Reuters)

*Romania cáo buộc Nga xâm phạm không phận: Ngày 17/1, Bộ Quốc phòng Romania cho biết không phận quốc gia của nước này đã bị xâm phạm trong cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đêm qua và khu vực mà một thiết bị bay không người lái có khả năng rơi xuống đã được phát hiện gần biên giới tại hạt Tulcea ở Đông Nam nước này.

Romania, thành viên NATO, đã điều 2 máy bay tiêm kích để giám sát cuộc tấn công trên không của Nga vào Ukraine đêm qua. Các mảnh vỡ UAV rơi xuống và việc xâm phạm không phận đã xảy ra thường xuyên trong một năm rưỡi qua khi Nga tấn công cơ sở hạ tầng cảng sông Danube của Ukraine. (Reuters)

*Na Uy điều tiêm kích ứng phó máy bay Nga áp sát không phận Ba Lan: Bộ Chỉ huy không quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, hai máy bay tiêm kích F-35 của Na Uy đồn trú tại Ba Lan đã được điều động ngày 16/1 để ứng phó với "số lượng lớn máy bay Nga" áp sát không phận Ba Lan.

Đây là lần đầu tiên các máy bay tiêm kích F-35 của Na Uy được sử dụng trong không phận Ba Lan kể từ khi được điều đến đây hồi tháng 12 năm ngoái. (Reuters)

*Thủ tướng và Ngoại trưởng Đức bất đồng về gói viện trợ cho Ukraine: Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã gián tiếp chỉ trích Thủ tướng Olaf Scholz về việc ông này không sẵn sàng phê duyệt khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 3 tỷ euro (3,09 tỷ USD) cho Ukraine.

Trước đó trong tuần này, ông Scholz cho biết đã đề xuất tăng khoản viện trợ 12 tỷ euro được dự kiến cho năm nay, nhưng khoản tiền bổ sung không được lấy từ việc cắt giảm chi tiêu an sinh xã hội.

Đảng Xanh của bà Baerbock và đảng SPD của ông Scholz hiện là liên minh trong chính phủ thiểu số sau khi liên minh cầm quyền tan rã hồi tháng 11, nhưng cả hai đảng cũng đang cạnh tranh trong cuộc bầu cử bất thường vào ngày 23/2.

Đức, nước cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, đang vật lộn với tình trạng thâm hụt ngân sách hai con số trong bối cảnh kinh tế trì trệ. (DW)

Trung Đông-châu Phi

*Tổng thống Iran Pezeshkian tới Nga: Phóng viên Sputnik đưa tin ngày 17/1, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã tới Nga, chuyên cơ của ông hạ cánh tại sân bay Vnukovo-2 ở thủ đô Moscow.

Đón Tổng thống Iran tại sân bay có Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergei Tsivilev, Thứ trưởng Ngoại giao Andrey Rudenko và Cục trưởng Cục Lễ tân nhà nước thuộc Bộ Ngoại giao Nga Igor Bogdashev. (Sputniknews)

*Tổng thống Pháp tới Beirut, bàn về chủ quyền Lebanon: Sáng 17/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tới Beirut để gặp Tổng thống Lebanon Joseph Aoun và Thủ tướng được chỉ định Nawaf Salam.

Phủ tổng thống Pháp cho biết mục đích của chuyến thăm là nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền Lebanon, giúp nước này tiến tới các cải cách kinh tế…

Đây là chuyến thăm Lebanon đầu tiên của ông Macron kể từ năm 2020. Chuyến thăm diễn ra sau khi lệnh ngừng bắn do Pháp và Mỹ làm trung gian giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hezbollah được Iran hậu thuẫn có hiệu lực từ tháng 11/2023. Paris đã đóng vai trò quan trọng trong việc phá vỡ thế bế tắc chính trị ở Lebanon, cùng với các đối tác Mỹ và Saudi Arabia, dẫn tới việc nước này có tổng thống và thủ tướng mới. (AFP)

*Đức bắt công dân Morocco nghi làm gián điệp: Công tố viên Đức ngày 16/1 thông báo đã bắt giữ một công dân Morocco tại sân bay Frankfurt với cáo buộc theo dõi những người ủng hộ phong trào đối lập cho cơ quan mật vụ Morocco.

Nghi phạm Youssef El A. bị bắt vào ngày 15/1 sau khi bị giam giữ tại Tây Ban Nha theo lệnh bắt giữ của châu Âu. Công tố viên cho biết nghi phạm đã làm việc cho một cơ quan mật vụ Morocco từ tháng 1/2022, chuyên thám thính các thành viên của phong trào Al-Hirak al-Shaabi.

Đồng phạm của Youssef El A. là Mohamed A. đã bị kết án treo 1 năm 9 tháng và phạt 4.300 euro hồi tháng 8/2023. Theo phán quyết của Tòa án khu vực Duesseldorf, Mohamed A. đã cung cấp thông tin về hai công dân mang quốc tịch Đức- Morocco cho cơ quan mật vụ Morocco để đổi lấy vé máy bay miễn phí. (Al Jazeera)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Chính quyền mới của Mỹ để ngỏ khả năng cho phép TikTok tiếp tục hoạt động: Ngày 16/1, ông Mike Walz, Cố vấn An ninh quốc gia sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết chính quyền mới sẽ duy trì hoạt động của TikTok tại Mỹ nếu đạt một thỏa thuận khả thi.

Trả lời báo giới, ông Walz nói: "Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp để TikTok không phải ngừng hoạt động", đồng thời lưu ý rằng luật pháp Mỹ cho phép gia hạn thêm 90 ngày để công ty mẹ ByteDance của ứng dụng này hoàn tất việc thoái vốn, "với điều kiện đạt một thỏa thuận khả thi trên bàn đàm phán". Ông nói thêm: "Về cơ bản, việc này sẽ cho Tổng thống Trump thời gian để duy trì hoạt động của TikTok". (Reuters)

*Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ bị cách chức: Ngày 15/1 (theo giờ địa phương), Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mike Turner đại diện của bang Ohio đã bị cách chức Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện đầy quyền lực.

Phát biểu trên đài CBS News, ông Turner nói rằng Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hòa Mike Johnson, đại diện cho bang Louisiana, là người đình chỉ chức vụ của ông với lý do “Mar-a-Lago tỏ ra lo ngại”.

Trong khi đó, ông Johnson nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump là người đưa ra quyết định này. Ông Johnson nói: “Đây không phải là hành động coi thường Turner khi ông sắp mãn nhiệm” và cho biết sẽ công bố người thay thế Turner trong những ngày tới. (Reuters)

*Rơi máy bay ở Mexico, 6 người thiệt mạng: Giới chức Mexico ngày 16/1 xác nhận ít nhất 6 người đã thiệt mạng sau vụ rơi máy bay cỡ nhỏ gần thành phố La Yesca, bang Nayarit thuộc miền Tây nước này.

Trên mạng xã hội, Bộ An Ninh và Bảo vệ Công dân Mexico (SSPC) cho biết vụ tai nạn xảy ra vào lúc 14h30 chiều 15/1 (giờ địa phương), song do điều kiện địa hình hiểm trở nên lực lượng cứu trợ khó tiếp cận và đã đến hiện trường vụ việc vào rạng sáng hôm sau. Điều tra sơ bộ cho thấy sau khi cất cánh, máy bay được cho là bắt đầu gặp trục trặc về mặt cơ học và sau đó rơi xuống đất gần cầu Camotlan.

Các nạn nhân thiệt mạng bao gồm 2 phi công và 4 hành khách. Lực lượng chức năng hiện chuyển thi thể nạn nhân đến các đơn vị có thẩm quyền để thực hiện thủ tục pháp lý. Nguyên nhân của vụ tai nạn đang được điều tra. (AFP)

Đọc bài gốc tại đây.