Tin thế giới 23/4: Hé lộ món quà 'lớn nhất lịch sử' Anh hứa hẹn dành cho Ukraine, Trung Quốc 'nóng mặt' vì Mỹ, Triều Tiên khiến Hàn Quốc căng

23/04 21:37
 

Anh sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ 'khủng', quan hệ Mỹ-Trung Quốc, tình hình bán đảo Triều Tiên và Trung Đông... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Trung Quốc hối thúc Mỹ không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này và bắt đầu ủng hộ sự thống nhất hòa bình của quốc gia tỷ dân. (Nguồn: Global Times)

Nga-Ukraine

* Anh cam kết dành cho Ukraine gói viện trợ lớn nhất lịch sử xứ sở sương mù, bao gồm 400 phương tiện, 1.600 đơn vị vũ khí và 4 triệu viên đạn, cũng như số tiền tài trợ 500 triệu Bảng Anh (hơn 617 triệu USD), theo tin đưa của tờ The Guardian.

Do gói viện trợ này nên tổng số tiền hỗ trợ của Vương quốc Anh dành cho Ukraine trong năm tài chính hiện tại sẽ lên tới 3 tỷ Bảng Anh.

Tin liên quan
Cuộc so tài giữa UAV và UGV trong xung đột Nga-Ukraine

* Nga quan ngại xung đột trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân: Ngày 22/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, việc 3 cường quốc hạt nhân phương Tây là Mỹ, Anh và Pháp hỗ trợ quân sự cho Ukraine đã đẩy thế giới đến bờ vực của một cuộc đụng độ trực tiếp, có thể gây ra "hậu quả thảm khốc" cho toàn cầu.

Theo ông Lavrov, hành động của Mỹ và các đồng minh châu Âu trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đe dọa sự ổn định chiến lược và cuộc sống hòa bình ở lục địa châu Âu cũng như với an ninh của Nga. (Reuters)

* Nga sẽ tăng cường tấn công các kho vũ khí của Ukraine do phương Tây cung cấp, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 23/4.

Ông Shoigu cũng cho biết, Nga đã "xóa tan huyền thoại về tính ưu việt của vũ khí phương Tây" và lực lượng của Moscow đã giành được thế chủ động suốt dọc tiền tuyến dài 1.000 km.

Bên cạnh đó, Moscow cũng sẽ tiếp tục cải thiện thành phần và cơ cấu của Lực lượng Vũ trang cũng như tăng cường sản xuất các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự phổ biến nhất. (Reuters)

* Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden để thảo luận về việc phân bổ gói viện trợ mới cho Kiev vào ngày 22/4.

Ông Biden đã đảm bảo sẽ ký dự luật phân bổ viện trợ quân sự cho Kiev ngay khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn văn kiện này. Dự kiến, gói viện trợ sẽ được phân bổ để tăng cường năng lực phòng không, pháo binh tầm xa của quân đội Ukraine.

Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ về công tác xây dựng thỏa thuận an ninh song phương và việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine diễn ra Thụy Sỹ dự kiến vào giữa tháng 6 tới. (AFP, Ruters)

* Ukraine có thể bắt đầu đàm phán hòa bình với Nga để giải quyết xung đột, theo lời Tổng thống Zelensky trong một cuộc phỏng vấn với blogger người Pháp Hugo Travers trên kênh YouTube HugoDécrypte.

Trả lời về kết quả dự kiến của Hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sỹ sắp tới, vốn không có Nga tham dự, ông Zelensky nói: “Chúng tôi sẽ chuẩn bị một văn kiện giải quyết mọi vấn đề, với nhãn quan của chúng tôi và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho phía Moscow và thảo luận với họ”.

Mỹ-Trung Quốc

* Trung Quốc "nóng mặt" vì cáo buộc của Mỹ: Ngày 23/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết, nước này "kiên quyết phản đối" cáo buộc của Mỹ rằng, Bắc Kinh giúp đỡ Moscow trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Nhấn mạnh rằng Mỹ đã công bố dự luật viện trợ quy mô lớn cho Ukraine, song lại đưa ra những cáo buộc nhằm vào hoạt động thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga, ông Uông Văn Bân cho rằng, điều này là hoàn toàn "vô căn cứ".

Về vấn đề Ukraine, theo đại diện bộ trên, Trung Quốc luôn "giữ quan điểm khách quan và chính đáng, tích cực ủng hộ hòa đàm và thúc đẩy giải pháp chính trị... Trung Quốc không phải là bên tạo ra hay tham gia cuộc khủng hoảng ở Ukraine và chưa bao giờ đổ dầu vào lửa. Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc bị ai khác đổ lỗi". (AFP)

* Mỹ lo Trung Quốc tăng cường chi tiêu cho quân đội: Ngày 23/4, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ John Aquilino tuyên bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế chính thức của Trung Quốc là "không đúng thực tế".

Nhận định nền kinh tế số 2 thế giới đang suy thoái, song Bắc Kinh "vẫn có quyết định tỉnh táo chi tiêu năng lực cho quân sự", với mức đầu tư "mạnh mẽ hơn nhiều" so với mức tăng 7,2% được tuyên bố hồi tháng trước, ông Aquilino thừa nhận:"Điều đó làm tôi lo lắng". (Reuters)

* Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng can thiệp vấn đề nội bộ: Ngày 23/4, người phát ngôn Vụ các vấn đề Bắc Mỹ-châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc hối thúc Mỹ ngừng vũ trang cho Đài Loan (Trung Quốc) và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ và bắt đầu ủng hộ sự thống nhất hòa bình của quốc gia tỷ dân này.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời người này nhận định, quan hệ Mỹ-Trung cần được cải thiện và bắt đầu đi theo con đường ổn định, lành mạnh và bền vững, đồng thời, Bắc Kinh có các lợi ích cần được đảm bảo, các nguyên tắc cần duy trì và các ranh giới đỏ cần bảo vệ.

Bên cạnh đó, việc Mỹ tăng cường các biện pháp phòng vệ trong kinh tế, thương mại và công nghệ với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực không những không loại bỏ được rủi ro mà đang tạo ra rủi ro.

Châu Âu

* Czech đề xuất hạn chế việc đi lại của các nhà ngoại giao Nga trong khu vực Schengen, theo tuyên bố của Ngoại trưởng quốc gia Trung Âu Jan Lipavsky ngày 22/4.

Theo đề xuất này, các nhà ngoại giao Nga có thể vào quốc gia cấp thị thực Schengen nhưng không thể di chuyển đến các quốc gia thành viên khác của khối này.

Ông Lipavsky cho hay, đề xuất này nhằm hạn chế gián điệp Nga xâm nhập và di chuyển khắp khu vực Schengen, có thể đạt được mà không bị đình trệ. Tuy nhiên, quyết định chính thức phụ thuộc vào các cơ quan liên quan của Liên minh châu Âu (EU). (Pravda)

* Armenia-Azerbaijan tiến sát tới thỏa thuận hòa bình trong ngày đầu tiến hành phân định biên giới, 23/4, như một phần trong những nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa hai nước bị hố sâu xung đột ngăn cách hàng thập niên.

Việc phân định biên giới đã được bắt đầu tiến hành trên thực địa và các nhóm chuyên gia đang tiến hành "xác định tọa độ dựa trên nghiên cứu trắc địa về địa hình".

Yerevan loại trừ việc "chuyển giao bất kỳ phần nào thuộc lãnh thổ có chủ quyền của Armenia" cho Baku như là kết quả của việc phân định biên giới.

Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nhấn mạnh, hai nước sắp ký một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập niên vốn đã làm bùng nổ chiến tranh. (AFP)

* Slovenia ký hiệp định về khám phá không gian: Ngày 22/4, Ngoại trưởng Slovenia Matevz Frangez, cho hay, trong đối thoại chiến lược Slovenia-Mỹ tại thủ đô Ljubljana của quốc gia Trung Âu, nước này đã ký Hiệp định Artemis về việc khám phá và sử dụng không gian vũ trụ một cách hòa bình.

Như vậy, Slovenia chính thức trở thành quốc gia thứ 39 ký tham gia Hiệp định Artemis. (NASA)

* Đức bắt giữ các cá nhân với cáo buộc gián điệp cho Nga, Trung Quốc: Trong chưa đầy một tuần, Đức thông báo đã bắt giữ hai người đàn ông vì tình nghi làm gián điệp cho Nga và 3 công dân bị cáo buộc là gián điệp của Trung Quốc.

Phản ứng với việc này, Đại sứ Nga tại Berlin Sergey Nechayev cho rằng đây là "những cáo buộc vô căn cứ" của Đức và khẳng định, Moscow sẽ đáp trả bất kỳ động thái không thân thiện nào.

Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng, đây là động thái "bôi nhọ" và "phá hủy bầu không khí hợp tác" giữa Bắc Kinh và châu Âu. (DW, AFP)

Trung Đông-châu Phi

* Hezbollah phát động cuộc tấn công sâu nhất vào lãnh thổ Israel, ở phía Bắc thành phố Acre trong ngày 23/4 bằng thiết bị bay không người lái.

Cùng ngày, quân đội Israel cho biết, nước này cũng đã tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở của Hezbollah ở miền Nam Lebanon và khiến hai thành viên quan trọng của phong trào này thiệt mạng.

Hezbollah đã xác nhận cái chết của một trong những chiến binh của tổ chức này nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. (Reuters)

* Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cảnh báo Israel mất tất cả nếu tấn công Tehran cũng như sẽ dẫn đến "sự thay đổi hoàn toàn" tình hình.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani đã cảnh báo, nước này sẽ có phản ứng “nghiêm khắc và quyết đoán hơn” nếu Israel phạm phải một sai lầm khác. (Reuters)

* Iran lấy làm tiếc về việc EU mở rộng trừng phạt Tehran sau cuộc tấn công đáp trả của nước Cộng hòa Hồi giáo nhằm vào Israel, theo lời Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian ngày 23/4. Thay vào đó, ông kêu gọi EU áp đặt trừng phạt đối với Israel. (Iranintl)

* Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Iran Ali Akbar Ahmadian thăm St. Petersburg của Nga theo lời mời chính thức của người đồng cấp nước chủ nhà Nikolai Patrushev và tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh quốc tế lần thứ 12 diễn ra trong các ngày 23-25/4.

Dự kiến, ông Ali Akbar Ahmadian sẽ có các cuộc thảo luận với các đối tác từ Nga, Brazil, Nam Phi, Trung Quốc, Ấn Độ và Iraq. (Tehran Times)

* Ba nước Bắc Phi họp tham vấn tăng cường hợp tác: Ngày 22/4, các nhà lãnh đạo Tunisia, Algeria và Libya đã nhất trí hợp tác để chống lại tình trạng nhập cư bất thường và tăng tốc kết nối điện.

Trong tuyên bố, các nhà lãnh đạo nhất trí thành lập các nhóm công tác để giám sát an ninh dọc biên giới chung và đấu tranh chống nhập cư bất hợp pháp, cũng như mọi hình thức tội phạm có tổ chức.

Các bên cũng nhất trí đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án kết nối điện Tunisia-Libya-Algeria, đẩy nhanh các thủ tục di chuyển người và hàng hóa, cũng như thiết lập các khu vực thương mại tự do.

Liên quan vấn đề Libya, ba nhà lãnh đạo kiên quyết bác bỏ mọi hình thức can thiệp của nước ngoài, đồng thời hy vọng cuộc bầu cử ở nước này sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân Libya. (Menafn)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Triều Tiên tập trận liên quan hạt nhân, Hàn Quốc ra cảnh báo cứng rắn: Ngày 22/4, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ đạo cuộc tập trận chiến thuật mô phỏng một cuộc phản công hạt nhân sử dụng bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn nhằm vào các mục tiêu của kẻ thù.

Sau vụ việc, ngày 23/4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cảnh báo, nếu Triều Tiên tìm cách sử dụng vũ khí, Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với phản ứng ngay lập tức, áp đảo và quyết đoán từ liên minh Hàn-Mỹ.

Bộ trên nhấn mạnh, những hành động quân sự không ngừng của Triều Tiên sẽ chỉ củng cố năng lực quân sự của Hàn Quốc và khả năng răn đe mở rộng của Mỹ, cũng như hợp tác an ninh ba bên cùng Nhật Bản. (Yonhap)

* Tin tặc Triều Tiên tấn công khoảng 10 công ty quốc phòng Hàn Quốc trong một năm rưỡi qua, theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia (NPA) Hàn Quốc thông báo ngày 23/4.

NPA cho biết, đây là cuộc tấn công mạng có phối hợp đầu tiên được xác nhận do ba nhóm tin tặc khét tiếng của Triều Tiên - Lazarus, Andariel và Kimsuky - tiến hành với mục đích đánh cắp công nghệ phòng thủ từ các công ty Hàn Quốc. (Yonhap)

* Hàn-Mỹ tham vấn về giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong ngày 22/4 tại thủ đô Seoul, theo đó, hai bên nhấn mạnh rằng, hợp tác hạt nhân là một “trụ cột quan trọng” của liên minh Hàn-Mỹ.

Mỹ và Hàn Quốc cũng nhất trí tăng cường quan hệ trong việc cung cấp nhiên liệu hạt nhân, quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và nghiên cứu chung về không phổ biến vũ khí hạt nhân. (Yonhap)

* Va chạm 2 máy bay quân sự ở Malaysia, 10 người thiệt mạng trong sáng 23/4, trên căn cứ Hải quân Hoàng gia Lumut tại bang Perak khi đang diễn tập bay. (THX)

Châu Mỹ

* Bồi thẩm đoàn tham gia phiên xét xử cựu Tổng thống Donald Trump trong ngày 22/4 ở thành phố New York (Mỹ) về các cáo buộc hình sự.

Ông Trump đang phải đối mặt với 34 tội danh liên quan các cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản tiền 130.000 USD trả cho nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016. (Reuters)

* Khủng hoảng Haiti: Ngày 22/4, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Haiti Maria Isabel Salvador hoan nghênh những tiến bộ đã đạt được gần đây ở quốc gia Caribbean, đặc biệt là việc thành lập Hội đồng Tổng thống chuyển tiếp (TPC).

Bên cạnh đó, bà hối thúc tất cả các bên liên quan "đưa ra thỏa thuận thành lập chính phủ chuyển tiếp một cách sớm nhất có thể, đặc biệt là việc bổ nhiệm một thủ tướng và chính phủ lâm thời, cũng như nhanh chóng đề cử Hội đồng bầu cử lâm thời”.

Ngoài ra, quan chức Liên hợp quốc cho rằng, việc cải thiện an ninh là điều kiện cần thiết để đạt được tiến bộ chính trị rõ rệt hơn nữa. (THX)

Đọc bài gốc tại đây.