Iran tái khẳng định cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân, Mỹ bắt giữ, trục xuất hàng trăm "người nhập cư trái phép", Hungary muốn nối lại trung chuyển khí đốt qua Ukraine … là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Nhật Bản tuyên bố muốn đưa quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump 2.0 lên một tầng nấc mới. (Nguồn: Ummit) |
Châu Á – Thái Bình Dương
*Nhật Bản nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong an ninh châu Á - Thái Bình Dương: Ngày 24/1, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ đối với sự ổn định của khu vực. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh ông tìm cách sắp xếp một cuộc gặp với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phát biểu trước Quốc hội, ông Ishiba nhấn mạnh: "Khi cán cân quyền lực trong khu vực trải qua một sự thay đổi mang tính lịch sử, chúng ta phải tăng cường hợp tác Nhật – Mỹ hơn nữa, theo một cách cụ thể".
Thủ tướng Ishiba nói thêm: "Tại hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ sắp tới, tôi muốn trao đổi với Tổng thống Trump về các vấn đề an ninh và kinh tế này". Truyền thông Nhật Bản đưa tin cuộc gặp giữa Thủ tướng Ishiba và Tổng thống Trump có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng tới, có khả năng là tại Mỹ. (Kyodo)
Tin liên quan |
Tin thế giới 23/1: Kiev ra điều kiện cho Mỹ để đàm phán với Nga, Mỹ di chuyển 'hàng nóng' tại Philippines, EU nới lỏng lệnh trừng phạt Syria |
*Hàn Quốc và Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác: Ngày 24/1, Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Đới Binh đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang In-sun để thảo luận về hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sắp tới và các vấn đề liên quan khác.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc dự kiến tổ chức hội nghị cấp cao APEC tại thành phố Gyeongju, miền Nam Hàn Quốc, trong tháng 11/2025 và Trung Quốc sẽ là nước chủ nhà cho diễn đàn trong năm sau.
Đại sứ Đới Binh tuyên bố ông sẽ hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc để phát triển hơn nữa quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế. Theo đó, hai bên cần tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới, thực chất và có lợi cho cả hai nước. Ông Đới Binh nhậm chức Đại sứ từ cuối tháng 12/2024. (THX)
*Pháp điều đội tàu sân bay tới Philippines: Tàu sân bay Charles de Gaulle của Hải quân Pháp cùng các tàu hộ tống sẽ thăm Philippines vào tháng 2 tới, cho thấy mối quan hệ an ninh hàng hải ngày càng tăng cường giữa Pháp và Philippines.
Phát biểu tại diễn đàn hợp tác hàng hải ở thành phố Makati hôm 23/1, Đại sứ Pháp tại Philippines Marie Fontanel cho biết chuyến thăm của đội tàu sân bay Pháp hoàn toàn phù hợp với ý định thư năm 2023 giữa các cơ quan quốc phòng hai nước.
Hiện tàu sân bay Charles de Gaulle đang tham gia cuộc tập trận Le Perouse 2025, với sự tham gia của 13 tàu chiến và hơn 30 máy bay từ Pháp, Malaysia, Singapore, Indonesia, Canada, Mỹ, Anh, Ấn Độ và Australia.
Diễn ra từ ngày 16/1 đến ngày 24/1 tại một số tuyến thương mại hàng hải quan trọng nhất thế giới, cuộc tập trận này sẽ bao gồm các khoa mục an toàn và an ninh hàng hải. (PNA)
*Trung Quốc tiếp tục yêu cầu Philippines rút bệ phóng tên lửa Typhon: Trung Quốc ngày 23/1 một lần nữa kêu gọi Philippines rút các bệ phóng tên lửa Typhon của Mỹ sau khi chúng được cho là đã được di chuyển đến một địa điểm khác ở Luzon.
Phát biểu họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Philippines lắng nghe tiếng nói của các nước trong khu vực và người dân của họ, sớm sửa chữa sai lầm, nhanh chóng rút hệ thống tên lửa Typhon như đã cam kết công khai, và ngừng đi tiếp con đường sai trái".
Theo báo cáo, các tên lửa hành trình Tomahawk trong các bệ phóng có thể tấn công các mục tiêu ở cả Trung Quốc và Nga từ Philippines, trong khi tên lửa SM-6 có thể tấn công các mục tiêu trên không hoặc trên biển cách xa hơn 200 km.
Theo quan chức Philippines, hoạt động tái triển khai trên sẽ giúp xác định địa điểm và tốc độ di chuyển bệ phóng tên lửa đến vị trí bắn mới. (GMA Network)
Châu Âu
*Nga tuyên bố bảo vệ lợi ích ở Biển Baltic: Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 24/1 tuyên bố Nga sẽ làm mọi thứ để bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Baltic.
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya 24, ông Grushko nhấn mạnh: "Việc sử dụng thuật ngữ như 'kiểm soát' (của NATO) là một ví dụ nữa về giấc mơ của NATO muốn biến Biển Baltic thành hồ nội địa, như họ thường nói công khai. Nhưng điều này sẽ không xảy ra vì nhiều lý do.
Và một trong những lý do chính là Nga sẽ không cho phép điều này. Quan chức Nga tiết lộ 10 tàu mà các nước NATO triển khai tới Biển Baltic trong khuôn khổ chiến dịch Baltic Sentry khó có thể kiểm soát được bất cứ điều gì. Ông Grushko khẳng định: "Về việc xác định các biện pháp cụ thể, có tính đến hoạt động mà NATO hoặc các nước NATO riêng lẻ sẽ triển khai ở vùng biển Baltic". (Sputniknews)
*Hungary muốn nối lại trung chuyển khí đốt qua Ukraine: Thủ tướng Viktor Orban ngày 24/1 tuyên bố Hungary muốn Liên minh châu Âu (EU) thuyết phục Ukraine nối lại hoạt động trung chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu, báo hiệu một cuộc tranh luận gay gắt khi EU tìm cách gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Moscow trong tuần tới.
Hungary chưa quyết định có ủng hộ gia hạn trừng phạt vào cuối tháng này hay không. EU gia hạn trừng phạt 6 tháng một lần và cần sự nhất trí của tất cả 27 nước thành viên.
Thủ tướng Orban, người đứng đầu chính phủ duy trì quan hệ kinh tế và chính trị gần gũi với Moscow hơn các nước EU khác, một lần nữa chỉ trích các biện pháp trừng phạt, cho rằng các lệnh trừng phạt gây thiệt hại tài chính 19 tỷ euro (19,9 tỷ USD) cho Hungary. (Sputniknews)
*Nga mở rộng ô hạt nhân bao gồm cả Belarus: Thư ký Hội đồng An ninh LB Nga Sergey Shoigu ngày 24/1 tuyên bố ô hạt nhân của Nga hiện đã bao gồm cả Belarus và có thể được sử dụng theo cùng khuôn khổ kịch bản như khi Nga phòng thủ.
Trả lời phỏng vấn, ông Shoigu giải thích: "Theo quyết định chính trị chúng tôi đã đưa ra, có tính đến yêu cầu của Belarus, ô hạt nhân của Nga hiện đã được mở rộng tới đồng minh thân cận nhất và áp dụng theo cùng khuôn khổ kịch bản cho phép đáp trả hạt nhân để tự vệ như với Nga".
Quan chức an ninh Nga cho biết thêm động thái này bao gồm "phòng thủ chống lại một cuộc tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc hành động gây hấn bằng vũ khí thông thường đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ".
Sau cuộc họp Hội đồng Nhà nước Tối cao của Nhà nước Liên minh ngày 6/12 năm ngoái, Minsk và Moscow đã phê chuẩn một khái niệm an ninh chung và ký một thỏa thuận liên bang về đảm bảo an ninh trong Liên minh. (TASS)
*Nga cảnh báo nguy cơ xung đột giữa các cường quốc hạt nhân: Hãng thông tấn TASS ngày 24/1 đưa tin, ông Sergei Shoigu - Thư ký Hội đồng An ninh Nga, cũng là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga - đã cảnh báo nguy cơ xung đột vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân đang gia tăng.
TASS dẫn lời ông Shoigu đánh giá, sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng tăng giữa các cường quốc trên trường quốc tế đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột như vậy. Ngoài ra, ông cũng cáo buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tăng cường hoạt động gần sườn phía Đông của Nga và Belarus cũng như tiến hành tập trận theo cả kịch bản tấn công lẫn phòng thủ tại đó. (TASS)
Trung Đông – châu Phi
*Israel tăng cường quan hệ với Microsoft trong cuộc chiến Gaza: Nhật báo Anh The Guardian ngày 23/1 tiết lộ rằng quân đội Israel ngày càng phụ thuộc vào công nghệ điện toán đám mây và hệ thống trí tuệ nhân tạo của Microsoft trong giai đoạn cao điểm của chiến dịch không kích Gaza.
Cuộc điều tra của The Guardian đã phát hiện ra rằng Microsoft, với tư cách là đối tác tin cậy của Bộ Quốc phòng Israel, đã thường xuyên được giao thực hiện các dự án nhạy cảm và tuyệt mật. Trong khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sử dụng một số dịch vụ Microsoft cho mục đích hành chính, như email và hệ thống quản lý tập tin, các tài liệu và cuộc phỏng vấn cho thấy Azure đã được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động chiến đấu và tình báo. (The Guardian)
*Iran tái khẳng định cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân: Ngoại trưởng Iran Seyed Abbas Araghchi ngày 23/1 đã tái khẳng định cam kết “lâu dài” và “rõ ràng” của nước này đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Trong một tuyên bố trên nền tảng mạng xã hội X, ông Araghchi cho biết Iran đã ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1968 với tư cách là thành viên sáng lập. Lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei cũng đã ban hành một sắc lệnh tôn giáo cấm tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).
Theo ông Araghchi, Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), trong đó cho phép áp dụng chế độ thanh tra phiền hà nhất trong lịch sử của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Iran tái khẳng định rằng trong mọi trường hợp, nước này sẽ không bao giờ tìm kiếm, phát triển hoặc sở hữu bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào. Đây là một cam kết lâu dài và rõ ràng mà Iran vẫn tôn trọng, ngay cả sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA vào năm 2018. (Al Jazeera)
*Taliban cáo buộc lệnh bắt giữ của ICC "mang động cơ chính trị": Ngày 24,1 chính quyền Taliban tại Afghanistan tuyên bố lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nhằm vào các thủ lĩnh của phong trào này "mang động cơ chính trị". Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi trưởng công tố ICC cho biết đang xin lệnh bắt giữ các lãnh đạo cấp cao Taliban với cáo buộc đàn áp phụ nữ - một tội ác chống lại loài người.
Bộ Ngoại giao chính quyền Taliban đăng tải trên nền tảng X: "Giống như nhiều quyết định khác của ICC, quyết định này thiếu cơ sở pháp lý công bằng, thể hiện sự thiên vị và mang động cơ chính trị… Thật đáng tiếc khi tổ chức này đã làm ngơ trước các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người do lực lượng nước ngoài và các đồng minh trong nước của họ gây ra trong 20 năm chiếm đóng Afghanistan".
Tuyên bố cũng nêu rõ ICC không nên "cố gắng áp đặt cách diễn giải riêng về nhân quyền lên toàn thế giới và phớt lờ các giá trị tôn giáo và dân tộc của người dân ở các nơi khác trên thế giới". (Al Jazeera)
Châu Mỹ
*Mỹ bắt giữ, trục xuất hàng trăm "người nhập cư trái phép": Người phát ngôn Nhà Trắng Karoline Leavitt tối 23/1 (giờ địa phương) thông báo, chính quyền Mỹ đã bắt giữ 538 người nhập cư bất hợp pháp và trục xuất hàng trăm người trong chiến dịch quy mô lớn, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2.
Hôm 22/1, Nhà Trắng cho biết quân đội Mỹ sẽ điều động thêm 1.500 quân đến biên giới với Mexico. Lực lượng bổ sung bao gồm 500 lính thủy đánh bộ, cũng như các phi hành đoàn trực thăng của Lục quân và các chuyên gia phân tích tình báo, bổ sung cho 2.200 quân đang tại ngũ và hàng nghìn Vệ binh Quốc gia đã có mặt ở biên giới trước lễ nhậm chức của ông Trump vào tuần này. (AFP)
*Tân Ngoại trưởng Mỹ công du nước ngoài đầu tiên tới Panama: Trang Politico ngày ngày 23/1 dẫn lời 3 quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng Marco Rubio vào tuần tới sẽ thăm Panama - quốc gia có kênh đào mà tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ám chỉ sẽ giành quyền sở hữu.
Chuyến thăm của ông Rubio, dự kiến diễn ra từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 với các chặng dừng chân khác tại Guatemala, El Salvador, Costa Rica và Cộng hòa Dominica, là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông với tư cách ngoại trưởng.
Theo các nguồn tin, ông Rubio dự kiến sẽ sử dụng chuyến công du này để giải quyết ít nhất hai vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại MAGA (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) là hạn chế nhập cư bất hợp pháp và nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm đòi lại kênh đào Panama. (Politico)
*Mexico và Brazil muốn có mối quan hệ “hiệu quả” với Mỹ: Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 23/1 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Brazil Luiz Inácio Lula da Silva trong đó hai bên nhất trí muốn có mối quan hệ “hiệu quả” với các nước khu vực châu Mỹ, bao gồm cả Mỹ.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Sheinbaum bày tỏ cảm ơn vì cuộc gọi của người đồng cấp Brazil, đồng thời cho biết hai bên ủng hộ việc tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục.
Về phần mình, Tổng thống Brazil Lula da Silva tái khẳng định mong muốn của hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước châu Mỹ, bao gồm cả Mỹ, nhằm duy trì hòa bình, củng cố nền dân chủ và phát triển khu vực. (AFP)
*Ngoại trưởng Canada và Mỹ thảo luận về tác động của thuế quan: Ngày 23/1, Bộ Ngoại giao Canada cho biết Ngoại trưởng Melanie Joly đã hội đàm với tân Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, trong đó hai bên thảo luận về tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan có thể được áp đặt đối với Canada.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Canada cho hay: "Ngoại trưởng Joly đã chúc mừng Ngoại trưởng Rubio nhận nhiệm vụ mới và bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với ông về các ưu tiên chung của Mỹ và Canada. Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Joly nêu rõ việc áp thuế quan không có căn cứ sẽ gây tác động tiêu cực đối với cả người dân Canada và Mỹ".
Bộ Ngoại giao Canada cho biết hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy an ninh năng lượng và giảm phụ thuộc trong lĩnh vực năng lượng vào "các đối tác không cùng chí hướng". (Sputnik)
Đọc bài gốc tại đây.