Tin thế giới 26/4: Mỹ - Trung đạt thoả thuận 5 điểm, Nga tấn công đoàn tàu chở vũ khí phương Tây ở Ukraine, Houthi tấn công tàu Israel ở Vịnh Aden

26/04 21:05
 

Nga bắt nghi phạm âm mưu khủng bố, cảnh báo hậu quả nếu Kiev tấn công nhà máy điện hạt nhân, Mỹ siết chặt xuất khẩu súng đạn, Toyota xây nhà máy xe điện 1,4 tỷ USD ở Mỹ, Nga gia tăng hợp tác quân sự với Trung Quốc…là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Bắc Kinh, ngày 26/4. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga – Ukraine

*Nga tấn công đoàn tàu chở vũ khí phương Tây ở Ukraine: Ngày 26/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng của họ đã tấn công "vũ khí và trang thiết bị quân sự của phương Tây" được vận chuyển bằng đường sắt một ngày trước đó ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk cũng như nhắm vào các cơ sở đường sắt ở thành phố Kharkiv ở Đông Bắc Ukraine.

Trong khi đó cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp thêm nhiều hệ thống phòng không cho Kive để giúp bảo vệ nước này trước các cuộc tấn công từ phía Nga, đồng thời lưu ý việc Mỹ tạm dừng tài trợ đã giúp Moscow có được thế chủ động. (TASS)

Tin liên quan
Tin thế giới 25/4: Chủ tịch Quốc hội Bulgaria bị bãi nhiệm, Đức quyết không gửi tên lửa Taurus cho Ukraine, hơn 100 tù nhân Nigeria bỏ trốn

*Ukraine tố Nga ném bom ở miền Đông Bắc: Ngày 26/4, Thống đốc khu vực Kharkov, ông Oleh Syniehubov cho biết bom dẫn đường của Nga đã tấn công một cơ sở công nghiệp và một tòa nhà dân cư ở miền Đông Bắc Ukraine, khiến ít nhất 4 người bị thương.

Chính quyền khu vực cũng cho biết hai quả bom đã rơi trúng một cơ sở công nghiệp ở vùng Sumy song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Hai khu vực này của Ukraine giáp ranh với Nga và thường xuyên hứng chịu các cuộc không kích kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt. Các cuộc không kích trở nên dữ dội hơn trong những tuần gần đây, phần lớn nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự và năng lượng. (Reuters)

*Nga cảnh báo hậu quả nếu Ukraine tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia: Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 26/4 cảnh báo các cuộc tấn công của Ukraine vào nhà máy điện hạt nhân Zaporozhzhia có thể gây ra hậu quả thảm khốc.

Ông Shoigu cũng lưu ý rằng các cố vấn nước ngoài đang giúp Ukraine chuẩn bị các hành động phá hoại trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, ông không cung cấp bằng chứng cụ thể cho phát biểu của mình.

Nga và Ukraine thường xuyên cáo buộc lẫn nhau về việc tiến hành các hoạt động quân sự liều lĩnh liên quan tới nhà máy điện hạt nhân này. (TASS)

Châu Á – Thái Bình Dương

*Trung Quốc - Mỹ đạt đồng thuận 5 điểm, kêu gọi cùng nhau duy trì hòa bình thế giới: Ngày 26/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Mỹ cùng nhau gánh vác trách nhiệm vì hòa bình thế giới và tạo cơ hội cho sự phát triển của tất cả các nước.

Ông Tập đưa ra lời kêu gọi này trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở thủ đô Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, với tư cách là các cường quốc, Trung Quốc và Mỹ nên nêu gương tốt về cách các nước lớn phải hành động, cung cấp hàng hóa công toàn cầu và đóng góp cho sự đoàn kết thế giới.

Trước đó, trong cuộc hội đàm tại thủ đô Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Antony Blinken đã đạt được đồng thuận 5 điểm. (Tân Hoa Xã)

*Thủ tướng Nhật Bản sắp thăm Pháp, Brazil và Paraguay: Ngày 26/4, Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản thông báo Thủ tướng Kishida Fumio có kế hoạch thăm Pháp, Brazil và Paraguay vào tuần tới.

Dự kiến, trong chuyến công du kéo dài 6 ngày, bắt đầu từ ngày 1/5, Thủ tướng Kishida sẽ hội đàm song phương với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Tổng thống Paraguay Santiago Pena.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Kishida cũng sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị Hội đồng bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ở Pháp về một loạt vấn đề, trong đó có biến đổi khí hậu, các quy định quốc tế về trí tuệ nhân tạo tạo sinh. (Kyodo)

*Quân đội Trung Quốc, Pháp thiết lập cơ chế đối thoại: Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 26/4 cho biết quân đội Trung Quốc và Pháp đã thiết lập cơ chế đối thoại liên chiến trường, tạo điều kiện cho hợp tác.

Sau cuộc thảo luận với Tư lệnh của Pháp tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và lực lượng vũ trang ở Polynesia thuộc Pháp, ông Wang Xiubin –Tư lệnh Chiến khu miền Nam của Trung Quốc cho biết động thái này sẽ giúp tăng cường hơn nữa lòng tin và hợp tác giữa quân đội hai nước, cùng nhau bảo vệ an ninh và ổn định khu vực. (Reuters)

*Toyota xây nhà máy xe điện 1,4 tỷ USD ở Mỹ: Ngày 26/4, hãng sản xuất ô tô Toyota của Nhật Bản thông báo sẽ đầu tư 1,4 tỷ USD vào nhà máy của hãng ở bang Indiana (Mỹ) để bắt đầu sản xuất xe điện từ năm 2026. Theo đó, đây là địa điểm sản xuất xe điện thứ 2 của Toyota tại Mỹ, sau nhà máy ở Kentucky.

Công ty Nhật Bản sẽ tuyển dụng 340 nhân viên mới cho dự án sản xuất xe thể thao đa dụng (SUV) 3 hàng ghế chạy hoàn toàn bằng điện. Hiện Toyota đang xây dựng nhà máy sản xuất pin điện mới ở North Carolina và đây sẽ là nơi cung cấp pin cho xe điện sản xuất tại Indiana.

Nhà máy của Toyota ở Kentucky dự kiến năm 2025 bắt đầu sản xuất một dòng xe SUV 3 hàng ghế khác với dòng xe ở Indiana.

Toyota đang mở rộng năng lực sản xuất xe điện tại Mỹ để các sản phẩm của hãng đáp ứng các điều kiện của chương trình tín dụng thuế quốc gia do chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra gần đây. (Financial Times)

Châu Âu

*Nga bắt 2 nghi phạm lên kế hoạch tấn công các địa điểm an ninh: Ngày 26/4, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã bắt giữ 2 người bị cáo buộc âm mưu tấn công cơ sở cảnh sát và quân sự của Nga.

Theo FSB, những người bị bắt giữ ở khu vực Volgograd thuộc miền Nam Nga gần Ukraine là thành viên của một nhóm dân tộc cực đoan. Các nghi phạm chưa được xác định danh tính này đã liên lạc với những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine và lên kế hoạch tấn công một đồn cảnh sát, văn phòng tuyển quân và các mục tiêu khác ở hai địa điểm thuộc thành phố Volzhsky.

Kể từ khi Moskva phát động cuộc tấn công Ukraine vào đầu năm 2022, Nga đã bắt giữ một số người, chủ yếu là người Nga bị cáo buộc cộng tác với Kiev. (AFP)

*Tây Ban Nha gửi tên lửa Patriot cho Ukraine, Hy Lạp từ chối: Ngày 26/4, tờ El Pais đưa tin Tây Ban Nha sẽ gửi một số tên lửa Patriot tới Ukraine trước áp lực từ các đồng minh Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về gửi thêm viện trợ quân sự cho Kiev.

El Pais dẫn các nguồn tin chính phủ giấu tên cho hay Tây Ban Nha đã loại trừ việc cung cấp các bệ phóng phòng không Patriot nhưng sẽ cung cấp cho quân đội Ukraine tên lửa sử dụng cho hệ thống này.

Với việc Nga tăng cường các cuộc không kích vào Ukraine, các chính phủ EU đã được kêu gọi cung cấp thêm hệ thống phòng không cho Kiev, đặc biệt là các quốc gia như Hy Lạp và Tây Ban Nha có vũ khí như vậy trong kho vũ khí. Tuy nhiên, hôm 25/4, Hy Lạp tuyên bố nước này sẽ không thể cung cấp hệ thống phòng không như Patriot hay S-300 cho Ukraine. (Reuters)

*Pháp, Đức hợp tác sản xuất xe tăng thế hệ mới: Ngày 26/4, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu và người đồng cấp Đức Boris Pistorius cho biết hai nước đã sẵn sàng tiến hành dự án cùng phát triển một loại xe tăng thế hệ mới, vốn sẽ trở thành trụ cột trung tâm của hệ thống phòng thủ mặt đất của cả hai nước.

Bộ trưởng Pistorius tiết lộ mục tiêu là có hợp đồng sản xuất xe tăng Pháp-Đức mới vào cuối năm nay. Trong khi đó, ông Lecornu cho biết các công ty sản xuất vũ khí như KNDS, Rheinmetall và Thales có khả năng sẽ đóng góp cho quá trình sản xuất loại xe tăng tương lai này. (AFP)

*Nga tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc: Theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 26/4 cho biết nước này và Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự.

Phát biểu trong cuộc gặp người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân (Dong Jun), ông Shoigu nhấn mạnh rằng Nga và Trung Quốc có quan điểm tương tự nhau khi tiếp cận các vấn đề quốc tế. (TASS)

*Nga trục xuất 2 nhà ngoại giao Latvia: Bộ Ngoại giao Nga ngày 25/4 cho biết sẽ trục xuất 2 nhà ngoại giao Latvia nhằm đáp trả việc Latvia yêu cầu một quan chức Đại sứ quán Nga rời khỏi quốc gia vùng Baltic này.

Các quốc gia phương Tây đã trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Nga kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, trong đó có nhiều trường hợp bị cáo buộc làm gián điệp, và Nga thường xuyên có các động thái đáp trả tương tự.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Latvia ngày 27/3 yêu cầu một nhà ngoại giao Nga rời khỏi nước này trước ngày 10/4. Lý do được đưa ra là nhà ngoại giao Nga này cung cấp thông tin truyền thông không chính xác làm ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức và nhà nước Latvia. Ngay lập tức, phía Nga tuyên bố sẽ có động thái tương tự để đáp trả. (AFP)

Trung Đông – châu Phi

*Hamas cảnh báo Israel không đạt được mục tiêu ở Rafah: Ngày 25/4, ông Ghazi Hamad - một quan chức cấp cao của phong trào Hamas cảnh báo Israel sẽ không đạt được mục tiêu đã đề ra là đánh bại Hamas và giải phóng các con tin bằng cách tấn công vào thành phố Rafah ở miền Nam Gaza.

Trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Qatar, ông Hamad nhấn mạnh: “Kể cả khi (Israel) tiến vào đánh chiếm Rafah, thì họ cũng sẽ không đạt được điều mình mong muốn”.

Israel tuyên bố sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự theo kế hoạch ở Rafah, bất chấp sự phản đối kịch liệt của quốc tế và lo ngại về khoảng 1,5 triệu người Palestine đang trú ẩn trong thành phố. Các quốc gia, bao gồm cả Mỹ - đồng minh hàng đầu và nhà cung cấp vũ khí của Israel, đã cảnh báo Israel không đưa quân vào Rafah. (Al Jazeera)

*Houthi tấn công tàu Israel ở Vịnh Aden: Người phát ngôn quân đội Houthi Yahya Saree ngày 25/4 cho biết phong trào Houthi đã tấn công một tàu của Israel ở Vịnh Aden và phóng tên lửa về phía thành phố Eilat của nước này.

Ông Saree cho biết: "Lực lượng hải quân của Lực lượng vũ trang Yemen đã nhắm mục tiêu vào một tàu Israel (MSC Darwin) ở Vịnh Aden, bằng tên lửa hải quân và thiết bị bay không người lái. Hoạt động đã thành công trong việc đạt được mục tiêu”. Người phát ngôn quân đội Houthi nói thêm rằng Houthi cũng đã phóng "tên lửa đạn đạo" vào "một số mục tiêu" ở cảng Eilat. (Reuters)

Châu Mỹ - Mỹ Latinh

*Mỹ siết chặt xuất khẩu súng đạn: Tối 25/4 (giờ địa phương), một quan chức Bộ Thương mại Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch áp đặt các hạn chế mới đối với xuất khẩu súng đạn và tăng cường giám sát các giao dịch để hạn chế việc cung cấp súng cho các tập đoàn ma túy, các nhóm tội phạm, các băng nhóm và các đối tượng khác.

Quy định mới sẽ áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu súng cho người dùng phi chính phủ ở 36 quốc gia nơi Bộ Ngoại giao xác định súng đạn có nguy cơ cao bị chuyển hướng hoặc sử dụng sai mục đích. Bộ Thương mại Mỹ sẽ thu hồi một số giấy phép xuất khẩu và cắt giảm một số thời hạn giấy phép từ 4 năm xuống còn 1 năm. 36 quốc gia bao gồm một số nước thuộc Liên Xô cũ. (Reuters)

*Thủ tướng Haiti từ chức: Thủ tướng Haiti Ariel Henry ngày 25/4 đã từ chức trong bối cảnh Hội đồng chuyển tiếp chuẩn bị nắm quyền nhằm khôi phục lại bình yên tại quốc gia vùng Caribe đang chìm trong khủng hoảng này.

Việc Thủ tướng Ariel Henry từ chức đánh dấu bước khởi đầu của một kỷ nguyên chính trị mới đối với Haiti. Thủ tướng Henry được bổ nhiệm thay người tiền nhiệm Claude Joseph vài ngày trước khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát ngày 7/7/2021.

Theo thỏa thuận chính trị được ký kết sau vụ ám sát, Haiti sẽ tổ chức bầu cử và Thủ tướng Henry chuyển giao quyền lực cho quan chức được bầu trước ngày 7/2/2024. Tuy nhiên, ông Henry đã hoãn vô thời hạn cuộc bầu cử với lý do cần thiết lập lại an ninh để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra tự do, công bằng trong bối cảnh các băng nhóm tội phạm được trang bị vũ khí hạng nặng đẩy mạnh hoạt động ở nước này. (AFP)

Đọc bài gốc tại đây.