Tin tức thế giới 24-1: Ông Trump: 'Chiến sự Nga - Ukraine là cuộc thảm sát'; Mỹ có giám đốc CIA mới

24/01 08:16
 

Washington sẽ áp dụng các mức thuế mới với "những mức độ khác nhau" với mọi nước; Mỹ đảm bảo năng lượng cho châu Âu.

Ông Trump sẵn sàng gặp ông Putin "lập tức"

Theo Hãng tin Reuters, rạng sáng 24-1 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu trực tuyến với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ).

Trong bài phát biểu đầu tiên với đông đảo lãnh đạo thế giới sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 2, ông Trump khẳng định bản thân sẵn sàng gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin càng sớm càng tốt để bàn về việc kết thúc chiến tranh ở Ukraine.

Tổng thống Mỹ khẳng định: "Tôi thực sự muốn gặp Tổng thống Putin sớm để chấm dứt cuộc chiến đó. Mong muốn này không xuất phát từ kinh tế hay bất kỳ điều gì khác.

  • Nga nói sẵn sàng đối thoại tôn trọng lẫn nhau với ông TrumpĐỌC NGAY

Nó đến từ hàng triệu sinh mạng đang bị lãng phí… Đây là một cuộc thảm sát. Và chúng ta thực sự phải chấm dứt cuộc chiến đó".

Bên cạnh đó, ông Trump cũng khẳng định với các đại biểu tham dự WEF rằng các nỗ lực của Washington nhằm đạt một thỏa thuận hòa bình đang tiến triển. Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết.

Vài tiếng sau bài phát biểu trên, chia sẻ với báo chí từ Nhà Trắng, ông Trump một lần nữa khẳng định sẵn sàng gặp ông Putin sớm nhất có thể.

"Từ những gì tôi nghe được, ông Putin muốn gặp tôi. Chúng tôi sẽ gặp mặt ngay khi có thể. Tôi sẵn sàng làm điều đó bây giờ. Càng gặp muộn ngày nào, binh sĩ hai bên tiếp tục bị giết trên chiến trường ngày đó", ông Trump khẳng định.

Ngoài ra, tổng thống Mỹ còn cho biết người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã nói với ông rằng Kiev sẵn sàng thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến.

Cũng trong bài phát biểu tại WEF, ông Trump tuyên bố mong muốn hợp tác cắt giảm vũ khí hạt nhân, khẳng định Nga và Trung Quốc có thể ủng hộ việc giảm tiềm lực quân sự của họ.

Tổng thống Mỹ khẳng định: "Chúng tôi muốn phi hạt nhân hóa… Tôi nói với các bạn rằng Tổng thống Putin thực sự thích ý tưởng giảm mạnh vũ khí hạt nhân. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thuyết phục được phần còn lại của thế giới, bao gồm Trung Quốc tham gia".

Mỹ sẽ dựng rào thuế quan với mọi nước

Cũng trong bài phát biểu tại WEF, ông chủ Nhà Trắng đã cảnh báo Washington sẽ áp dụng các mức thuế mới với "những mức độ khác nhau" đối với tất cả các quốc gia.

Do đó, các tập đoàn đa quốc gia đối diện với hai lựa chọn: hoặc sản xuất hàng hóa trên đất Mỹ hoặc đối diện hàng rào thuế quan của nước này.

Ông Trump khẳng định: "Thông điệp của tôi gửi tới mọi doanh nghiệp trên thế giới rất đơn giản: hãy sản xuất sản phẩm của các bạn tại Mỹ và chúng tôi sẽ dành cho các bạn mức thuế thuộc hàng thấp nhất trên thế giới.

  • Tin tức thế giới ngày 23-1: Ông Trump dọa áp thuế và trừng phạt Nga; Tàu ngầm gãy đôi ở Tây Ban Nha

Các bạn có quyền không sản xuất tại Mỹ. Nhưng nếu như thế thì đơn giản thôi, các bạn sẽ phải chịu một mức thuế quan. Mức thuế sẽ khác nhau, nhưng nó sẽ mang lại hàng trăm tỉ, thậm chí hàng ngàn tỉ USD vào ngân khố của chúng tôi để củng cố nền kinh tế và giảm nợ công".

Sau khi lên nắm quyền, ông Trump đã đề xuất mức thuế doanh nghiệp 15% cho các công ty sản xuất tại Mỹ. Đề xuất này đang đợi được Quốc hội phê duyệt.

Ở chiều ngược lại, ông khẳng định Canada và Mexico - hai quốc gia tiếp giáp Mỹ trên đất liền - sẽ đối mặt mức thuế 25% từ ngày 1-2 đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Trung Quốc cũng bị đe dọa áp mức thuế 10% từ ngày 1-2.

Tổng thống Mỹ khẳng định Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn cũng sẽ phải đối mặt hàng rào thuế quan mới.

Mỹ đảm bảo năng lượng cho châu Âu

Tại Davos, ông Trump khẳng định Mỹ sẽ đảm bảo nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho toàn châu Âu.

Ông Trump khẳng định: "Tôi sẽ đảm bảo các bạn nhận được nó (LNG)". Ông cũng cho biết đang xem xét đẩy nhanh các giấy phép cho các dự án LNG. Dưới thời tổng thống tiền nhiệm Joe Biden, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới vào năm 2023.

"Tôi nghĩ rằng càng làm nhiều, giá sẽ càng giảm. Tôi muốn thấy các giấy phép được phê duyệt nhanh chóng", ông Trump nói.

Ngoài ra, tổng thống Mỹ còn khẳng định sẽ yêu cầu các nước OPEC hạ giá dầu, cũng như kêu gọi các ngân hàng trung ương thế giới hạ lãi suất.

"Tôi yêu cầu lãi suất phải được giảm ngay lập tức. Chúng nên được giảm trên toàn thế giới. Tôi cũng sẽ yêu cầu Saudi Arabia và OPEC giảm giá dầu mỏ", ông Trump khẳng định.

Nhiều lãnh đạo của các tập đoàn lớn trên thế giới cũng đã tận dụng sự hiện diện trực tuyến của ông Trump ở diễn đàn này để đưa ra những câu hỏi về chính sách tại Washington trong vài năm tới.

Thượng viện Mỹ phê chuẩn giám đốc CIA

Chiều 23-1 (giờ Washington D.C), Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn cựu giám đốc Tình báo quốc gia John Ratcliffe làm giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) với 74 phiếu thuận và 25 phiếu chống.

Qua đó, ông Ratcliffe trở thành người duy nhất trong lịch sử Mỹ từng nắm giữ cả hai vị trí trên và là thành viên thứ hai trong nội các của ông Trump được phê chuẩn.

Trong phiên biểu quyết phê chuẩn, ông Ratcliffe nhận sự ủng hộ của toàn bộ 53 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, cũng như phiếu thuận của 20 thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ và của ông Bernie Sanders - thượng nghị sĩ độc lập duy nhất.

  • Thượng viện Mỹ phê chuẩn ngoại trưởng đầu tiên gốc CubaĐỌC NGAY

Ngay sau đó, Phó tổng thống JD Vance đã chủ trì buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Ratcliffe.

Việc nhanh chóng thông qua đề cử giám đốc CIA là một phần nỗ lực của Đảng Cộng hòa nhằm kiện toàn nội các cho ông Trump càng sớm càng tốt, bắt đầu từ đội ngũ an ninh quốc gia.

Hôm 20-1, ngay trong ngày nhậm chức của ông Trump, Thượng viện đã thông qua đề cử Ngoại trưởng Marco Rubio với số phiếu ủng hộ tuyệt đối.

Ông Ratcliffe từng làm dân biểu Hạ viện Mỹ đại diện một phần của bang Texas. Năm 2020, ông được ông Trump bổ nhiệm là giám đốc Tình báo quốc gia, chức vụ lãnh đạo chung toàn bộ các cơ quan tình báo của Mỹ như CIA, Cơ quan An ninh quốc gia (NSA)...

Trong vai trò này, ông bị chỉ trích đã phá vỡ quy tắc không đảng phái của ngành tình báo và thể hiện quan điểm bảo vệ ông Trump quá đà. Điều này dấy lên nhiều nghi ngại cho viễn cảnh ông một lần nữa trở lại vị trí lãnh đạo ngành tình báo.

Trong phiên điều trần ngày 15-1, ông Ratcliffe đã cam kết với Ủy ban Tình báo Thượng viện sẽ đảm bảo duy trì quy tắc phi đảng phái nêu trên và được ủy ban này thông qua đề cử với số phiếu ủng hộ áp đảo.

Đề cử bộ trưởng Quốc phòng tranh cãi suýt bị bãi bỏ

Cũng trong phiên họp chiều 23-1, Thượng viện đã bỏ phiếu sít sao cho quyết định tiến hành đề cử ông Pete Hegseth làm bộ trưởng Quốc phòng. Ông Hegseth vượt qua vòng bỏ phiếu này với 51 phiếu thuận và 49 phiếu chống.

Nhờ đó, ông sẽ được bỏ phiếu phê chuẩn chức danh trên, dự kiến diễn ra vào cuối ngày 24-1 (giờ Mỹ).

Ông Hegseth là một trong những đề cử thành viên nội các gây tranh cãi nhất của ông Trump. Ông bị cho là thiếu cả trình độ chuyên môn vì chưa từng nắm giữ vai trò hoạch định chiến lược nào ở Lầu Năm Góc, vừa thiếu tư cách đạo đức khi đối diện vô vàn cáo buộc quấy rối tình dục phụ nữ.

Kết quả biểu quyết ngày 23-1 cho thấy toàn bộ thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ phản đối việc phê chuẩn ông làm lãnh đạo Lầu Năm Góc. Ngoài ra, hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa là bà Lisa Murkowski (Alaska) và bà Susan Collins (Maine) cũng bỏ phiếu chống.

Với tương quan hiện tại giữa hai đảng ở Thượng viện, ông Hegseth chỉ được phép mất tối đa thêm một phiếu trong phiên biểu quyết phê chuẩn sẽ diễn ra trong ít giờ tới.

Trong tiệm sách

Đọc bài gốc tại đây.