Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nêu ưu tiên hành động, gồm "ngăn chặn gây hấn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; Mỹ lại cung cấp bom hạng nặng cho Israel.
Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa hành trình chiến lược
Ngày 26-1, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận Tổng cục Tên lửa của nước này đã tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hành trình chiến lược dẫn đường được phóng từ biển (dưới nước) vào đất liền ngày 25-1.
Theo đó, "các tên lửa hành trình chiến lược đã đánh trúng mục tiêu sau khi bay theo quỹ đạo hình elip và hình số 8 trên quãng đường dài 1.500km trong 7.507 - 7.511 giây".
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát vụ thử. Ông Kim Jong Un đánh giá "những phương tiện răn đe chiến tranh của Các lực lượng vũ trang Triều Tiên đang được hoàn thiện một cách toàn diện hơn".
Vụ thử nghiệm là một phần trong kế hoạch xây dựng năng lực phòng thủ quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát chiến lược chống lại các kẻ thù tiềm tàng, phù hợp với tình hình an ninh đầy biến động trong khu vực. Bình Nhưỡng khẳng định vụ thử nghiệm "không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến an ninh của các nước láng giềng".
Tổng thư ký Liên hợp quốc chúc mừng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Trong thông điệp gửi tới tất cả các quốc gia và người dân trên thế giới kỷ niệm năm mới theo âm lịch, Tổng thư ký Guterres bày tỏ hy vọng năm con rắn - biểu tượng của trí tuệ, kiên cường và đổi mới - sẽ mang tới cho nhân loại nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thịnh vượng và những vận hội mới.
Trong thời khắc khởi đầu một năm mới, người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cũng mong muốn cộng đồng quốc tế củng cố cam kết hợp tác vì hòa bình, công bằng và công lý, với hy vọng và quyết tâm kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người.
Ngày 22-12-2023, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết chính thức công nhận Tết Nguyên đán (Lunar New Year) là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên hợp quốc. Nghị quyết nhấn mạnh Tết Nguyên đán là ngày lễ được kỷ niệm ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích các cơ quan của Liên hợp quốc không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.
Ưu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Một ngày sau khi được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ngày 25-1 nêu rõ những ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Ông Hegseth cam kết thúc đẩy sứ mệnh của Tổng thống Trump nhằm đạt được hòa bình thông qua sức mạnh dựa trên 3 nguyên tắc chỉ đạo gồm: khôi phục tinh thần chiến binh, tái thiết quân đội, tái lập răn đe.
"Toàn bộ các nguyên tắc này sẽ được thực hiện với trọng tâm đặt vào khả năng tác chiến, chế độ thưởng phạt dựa trên năng lực, trách nhiệm giải trình, tiêu chuẩn và tính sẵn sàng chiến đấu", ông nói.
"Chúng ta sẽ vẫn là lực lượng mạnh nhất và có sức chiến đấu cao nhất trên thế giới", ông Hegseth viết trong thông điệp gửi quân đội Mỹ sau đó. Trong đó, ông nhấn mạnh "ngăn chặn hành động gây hấn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương... và định hướng lại các mối đe dọa chính". Ông cũng cam kết "sẽ sát cánh cùng các đồng minh".
Mỹ nối lại cung cấp bom hạng nặng cho Israel
Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị cho quân đội Mỹ bỏ lệnh tạm dừng cung cấp bom 2.000 pound (hơn 900kg) cho Israel dưới thời chính quyền cựu tổng thống Joe Biden, Hãng tin Reuters đưa tin.
Trước đó, ông Biden đã tạm dừng việc giao những quả bom này do lo ngại về tác động mà chúng có thể gây ra trong cuộc chiến của Israel với phong trào Hồi giáo Hamas ở Gaza. Việc sử dụng những quả bom lớn như vậy ở thành phố Rafah, nơi có hơn 1 triệu người Palestine ở Gaza đã tị nạn, có thể gây thương vong lớn.
Bên cạnh đó, Washington cũng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện lệnh ngừng bắn ở Gaza là "điều quan trọng".
Hamas, Israel tiếp tục trao đổi con tin
Một tuần kể từ khi lệnh ngừng bắn ở Gaza có hiệu lực, Hamas và Israel đã tiến hành đợt trao đổi con tin thứ hai với 4 con tin được phía Hamas thả để đổi lấy 200 tù nhân Palestine từ tay Israel.
Tuy nhiên, Hamas ngày 25-1 đã đổ lỗi cho phía Israel trì hoãn tiến trình thực thi các điều khoản ngừng bắn ở Gaza thông qua hành động ngăn cản những người Palestine tản cư trở về miền Bắc của vùng đất này. Nhóm này cảnh báo sự chậm trễ này có thể dẫn đến "những hậu quả" cho các giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận.
Ông Zelensky nhấn mạnh chỉ chấm dứt chiến tranh nếu Kiev được tham gia đàm phán
Ngày 25-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thực hiện lời hứa chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, nhưng chỉ khi ông đưa Kiev vào bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga. "Bởi vì Nga không muốn chấm dứt chiến tranh, trong khi Ukraine muốn chấm dứt nó", ông Zelensky nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận nào có thể diễn ra dưới thời ông Trump vẫn chưa rõ ràng. "Hiện tại, chúng ta không biết điều này sẽ diễn ra như thế nào vì chúng ta không biết chi tiết", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Zelensky.
Ông Trump, người đã hứa sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, mới đây tuyên bố rằng ông sẽ sớm nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Trump cân nhắc cho Mỹ trở lại WHO
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông có thể cân nhắc việc tái gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vài ngày sau khi rút Washington khỏi tổ chức này với cáo buộc WHO có cách xử lý sai đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng y tế quốc tế khác.
"Có lẽ chúng ta sẽ cân nhắc làm lại, tôi không biết. Có thể chúng ta sẽ làm. Họ sẽ phải dọn dẹp tổ chức", ông Trump nhấn mạnh ông không hài lòng khi Mỹ đóng góp nhiều hơn cho WHO so với quốc gia đông dân hơn là Trung Quốc.
Với sắc lệnh được ông Trump ký sau khi nhậm chức, Mỹ dự kiến sẽ rời khỏi WHO vào ngày 22-1-2026. Washington cho đến nay là nhà tài trợ tài chính lớn nhất của WHO, đóng góp khoảng 18% tổng kinh phí của tổ chức này. Ngân sách hai năm gần đây nhất của WHO, cho giai đoạn 2024-2025, là 6,8 tỉ USD.
Đón năm mới
Đọc bài gốc tại đây.