Triển khai vũ khí đáng sợ nhất của Nga, Belarus tự tin nắm giữ trọn bộ ba 'sát thủ' bất khả chiến bại

16/01 15:31
 

Với việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik và hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M trên lãnh thổ, Belarus có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục được cho bất kỳ kẻ xâm lược tiềm tàng nào.

Hệ thống tên lửa tầm trung siêu thanh Oreshnik của Nga. (Nguồn: Newsinfo)

Ngày 16/1, trong cuộc phỏng vấn với tờ Belarus Today, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia nước này Alexander Volfovich nói rõ: "Bằng việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ, lãnh đạo đất nước đã khắc phục sai lầm chiến lược của những năm 1990, khi chúng ta mất đi yếu tố quan trọng nhất này để ngăn chặn hành vi xâm lược chống lại đất nước".

Tin liên quan
Một nước Trung Á nhắc nhở Đức: Nga 'bất khả chiến bại' về quân sự

Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Belarus, cùng với Ukraine và Kazakhstan, thừa hưởng một số lượng lớn vũ khí hạt nhân chiến lược. Tuy nhiên, Belarus đã quyết định từ bỏ những vũ khí này và từ năm 1996, trở thành một quốc gia không có vũ khí hạt nhân.

Ngoài vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo ông Volfovich, Moscow và Minsk quyết định triển khai hệ thống tên lửa tầm trung siêu thanh Oreshnik tại Belarus.

Đây là thứ vũ khí mới nhất của Nga, được Tổng thống nước này Vladimir Putin tự tin tuyên bố là không có đối thủ, tấn công mục tiêu với tốc độ Mach 10, tương đương 2,5–3km/giây.

Thậm chí, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Tướng Herbert McMaster, cho biết sẽ mất ít nhất 15 năm để tạo ra một hệ thống phòng không có khả năng đánh chặn tên lửa Oreshnik của Nga.

Quan chức Belarus khẳng định: "Như vậy, đất nước sẽ có trong tay lực lượng tấn công, có khả năng gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với bất kỳ kẻ xâm lược tiềm tàng nào gồm hệ thống tên lửa Iskander-M, vũ khí hạt nhân chiến thuật và Oreshnik".

Ngoài các vũ khí mà Nga triển khai, theo Thư ký Hội đồng An ninh Alexander, hiện nay, ngành công nghiệp quân sự của Belarus "cũng đang phát triển tích cực", điển hình là hệ thống tên lửa phóng loạt Polonez sản xuất nội đia, có hiệu suất "không thua kém các hệ thống tương tự của nước ngoài", thậm chí vượt trội hơn ở một số thông số, đặc biệt là so với Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 HIMARS.

Bên cạnh đó, Belarus cũng sản xuất nhiều loại máy bay không người lái, cũng như thiết lập các hệ thống phòng thủ lãnh thổ và lực lượng dân quân nhân dân, đem lại cho nền quốc phòng nước này "bản sắc dân tộc".

Dù không nói rõ sẽ triển khai bao nhiêu tên lửa Oreshnik, song hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết, nước này đã sẵn sàng triển khai khoảng 12 hệ thống vũ khí này trên lãnh thổ trong giai đoạn đầu.

Đọc bài gốc tại đây.