Trung Quốc phát triển vũ khí vi sóng 'bất khả thi'

15/01 22:00
 

Trung Quốc đang phát triển vũ khí vi sóng có thể tạo ra xung điện từ với cường độ cao để tấn công nhiều mục tiêu, công nghệ từng được coi là bất khả thi.

Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia và Viện Công nghệ Hạt nhân Tây Bắc Trung Quốc đang nghiên cứu một loại vũ khí vi sóng công suất cao (HPM) sử dụng công nghệ truyền dẫn mảng pha để "tập trung năng lượng một cách chính xác, tăng tầm bắn hiệu quả và cho phép tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc".

Công nghệ này khác biệt với các vũ khí HPM được Mỹ thông báo sẽ triển khai ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm nay, vốn sử dụng ăng-ten dạng đĩa truyền thống và cần phải xoay liên tục để tấn công các mục tiêu khác nhau, theo báo cáo được công bố ngày 14/1.

Vũ khí HPM của Trung Quốc, hiện vẫn trong quá trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và chưa sẵn sàng triển khai trên thực địa, có khả năng phát ra các xung điện từ với cường độ cực cao, đủ sức làm hỏng hoặc phá hủy những linh kiện điện tử bên trong khí tài của đối phương.

Vũ khí dạng này từng được coi là "bất khả thi", do nó có thể bị chính xung điện từ mà mình tạo ra phá hủy. Vũ khí của Trung Quốc sở hữu khả năng phát ra sóng điện từ xoay với tổng công suất một gigawatt hoặc thậm chí lớn hơn, cần được chuyển đổi một cách chính xác để trở nên ổn định, cũng như phân phối đều qua 8 kênh độc lập cho các ăng-ten mảng pha.

Cường độ điện trường bên trong bộ chia công suất đạt mức hơn 80.000 volt một mét, tương đương sóng điện từ do các vụ nổ hạt nhân tạo ra. Bức xạ điện từ có cường độ cao như vậy rất khó tách và có khả năng cao sẽ gây hư hỏng cho thiết bị.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu của Trung Quốc nói đã vượt qua được thách thức trên, khi phát triển được bộ chia công suất có khả năng chịu được các vụ nổ của hơn 5.000 lần phát xung công suất tối đa mà không bị hỏng. Bước sóng cũng được duy trì ổn định trong các cuộc thử nghiệm.

Vũ khí năng lượng của Trung Quốc còn có khả năng phát ra xung điện từ trên băng tần Ku, một trong các băng tần hoạt động chính của vệ tinh liên lạc như Starlink.

Nhóm nghiên cứu chưa công bố tên hay hình ảnh của loại vũ khí này.

Nhận thấy vai trò nổi bật của Starlink trong xung đột tại Ukraine, quân đội Trung Quốc đang tích cực phát triển các loại vũ khí chống vệ tinh, trong đó vũ khí năng lượng định hướng cấp độ gigawatt được cho là phương pháp tiềm năng để đối phó vệ tinh ở quỹ đạo tầm thấp, cũng như thiết bị bay không người lái (drone).

Ngoài HPM, vũ khí năng lượng định hướng còn bao gồm các loại như pháo laser công suất cao. Chúng có một số ưu điểm so với vũ khí sử dụng động năng truyền thống, nổi bật nhất là khả năng khai hỏa liên tục với chi phí mỗi phát bắn rất rẻ.

Phạm Giang (Theo Eurasian Times)

Đọc bài gốc tại đây.