Tàu chiến Nga tới Biển Đỏ tập trận

29/03 14:28
 

Biên đội tàu tuần dương và hộ vệ hạm Nga tiến vào Biển Đỏ để tập trận cùng quân đội Eritrea, dù đây đang là điểm nóng với các cuộc tập kích của Houthi.

Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Nga ngày 28/3 thông báo tuần dương hạm tên lửa Varyag và tàu hộ vệ Nguyên soái Shaposhnikov đã vượt qua eo biển Bab el-Mandeb, tiến vào Biển Đỏ trong "chuyến đi biển dài ngày".

Đại sứ Nga tại Eritrea Igor Mozgo cùng ngày nói rằng tàu Shaposhnikov đã cập cảng Massawa và triển khai ở nước này đến ngày 5/4 và sẽ lần đầu tiên tham gia tập trận cùng hải quân Eritra trong 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Giới chức Nga không cho biết đợt triển khai của đội tàu chiến có liên quan tới căng thẳng trên Biển Đỏ những tháng gần đây hay không. Eritrea là một trong 6 nước châu Phi được Nga cung cấp ngũ cốc miễn phí theo cam kết của Tổng thống Vladimir Putin.

Chiến hạm Shaposhnikov là một trong 12 tàu khu trục săn ngầm mang tên lửa dẫn đường thuộc Đề án 1155 của Liên Xô, được biên chế năm 1985. Tàu dài 163 m, có lượng giãn nước đầy tải khoảng 7.900 tấn. Chiến hạm sau này được xếp vào phân nhóm tàu hộ vệ và trải qua đợt hiện đại hóa từ năm 2017.

Sau khi nâng cấp, tàu Shaposhnikov mang được 16 tên lửa hành trình Kalibr hoặc tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Oniks, 8 tên lửa chống hạm cận âm 3M24 Uran, cùng 64 tên lửa phòng không tầm ngắn. Hai bệ pháo AK-100 cỡ nòng 100 mm cũng được thay thế bằng một hải pháo A-190 với thiết kế giảm tiết diện phản xạ radar và gọn nhẹ hơn.

Tuyến đường đi qua eo biển Bab el-Mandeb, nằm giữa Biển Đỏ và Vịnh Aden, đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế toàn cầu. Khoảng 30% lượng container của thế giới đi qua tuyến đường biển này. Ngoài ra, đây cũng là tuyến vận chuyển lượng lớn dầu mỏ và khí tự nhiên hóa lỏng.

Tuy nhiên, Biển Đỏ đang trở thành điểm nóng mới, khi lực lượng Houthi ở Yemen liên tục tập kích tên lửa, UAV tự sát vào các tàu hàng đi qua. Mỹ cùng nhiều nước đồng minh đang triển khai loạt chiến hạm tại đây để bảo vệ tàu hàng, đánh chặn tên lửa, UAV của Houthi.

Đại diện Houthi cho biết lực lượng cam kết với Nga và Trung Quốc rằng họ sẽ đảm bảo cho tàu hàng của các quốc gia này di chuyển an toàn qua Biển Đỏ.

Nga là đối tác ngoại giao và kinh tế của Iran, quốc gia ủng hộ tài chính và quân sự cho lực lượng Houthi, nhưng Tehran khẳng định Houthi tự đưa ra quyết định về các vấn đề chính trị và quân sự của nhóm.

Vũ Anh (Theo TASS, Reuters)

Đọc bài gốc tại đây.