Ukraine vui buồn lẫn lộn với gói viện trợ quân sự của Mỹ

23/04 19:00
 

Nhiều người Ukraine tin gói viện trợ gần 61 tỷ USD của Mỹ mở hy vọng đẩy lùi quân Nga và tạo đà chiến thắng, song một số cho rằng nó đến quá muộn.

Ngay khi Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ gần 61 tỷ USD sau nhiều tháng trì hoãn, nhiều người Ukraine cảm thấy nhẹ nhõm.

"Gói viện trợ quan trọng của Mỹ sẽ góp phần ngăn chiến tranh lan rộng, cứu sống hàng nghìn người và giúp cả hai nước chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky viết trên mạng xã hội X cuối tuần qua.

Gói viện trợ được Hạ viện Mỹ thông qua sau khi Nga tiến hành các cuộc không kích dữ dội nhằm vào một số thành phố lớn ở Ukraine trong tuần qua như Chernihiv và Dnipro, khiến hàng chục người thiệt mạng. Ukraine, quốc gia đang cạn kiệt tên lửa phòng không, cho biết có thể đối phó hiệu quả những đòn tập kích này nếu họ có nguồn viện trợ vũ khí tốt hơn.

Trong khi đó, trên tiền tuyến miền đông, lực lượng Nga đang áp sát thành phố Chasov Yar, đô thị ở phía tây Bakhmut. Quân đội Ukraine suốt nhiều tháng qua phàn nàn rằng họ phải tiết kiệm từng quả đạn pháo và thất thế trước áp lực lớn từ quân Nga, đối mặt nguy cơ mất Chasov Yar trước khi nguồn viện trợ của Mỹ đến nơi.

Tình trạng thiếu đạn dược trong những tháng qua khiến lực lượng Ukraine gặp nhiều bất lợi và tạo cơ hội cho Nga gia tăng lợi thế trên chiến trường.

"Người Nga tấn công chúng tôi theo từng đợt, chúng tôi trở nên kiệt sức và phải rút khỏi vị trí. Điều này đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Không có đủ đạn đồng nghĩa chúng tôi không thể bảo vệ khu vực cần giữ trước đòn tấn công từ họ", binh sĩ Ukraine Oleksandr, người từng tham chiến ở thành phố Avdeevka mà Nga đã kiểm soát hồi tháng 2, nói. "Với gói viện trợ này, chúng tôi có thể ngăn chặn quân đội Nga và giảm thiểu tổn thất".

Nhiều người Ukraine tin rằng gói viện trợ như "cơn mưa rào giữa nắng hạn", đến vào giữa giai đoạn khó khăn nhất, khi Nga đạt nhiều bước tiến dọc chiến tuyến và đẩy mạnh tập kích cơ sở hạ tầng năng lượng, dân sự của nước này.

"Tôi nghe Tổng thống nói rằng chúng tôi có thể thua nếu không có gói viện trợ này. Cảm ơn rất nhiều và đây là một ngày tuyệt vời", Kateryna Ruda, công dân Ukraine 43 tuổi, nói sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu.

Dự luật viện trợ cho Ukraine sẽ cần được Thượng viện Mỹ thông qua trước khi trình lên Tổng thống Joe Biden ký ban hành. Quá trình này dự kiến diễn ra nhanh chóng vì ít có khả năng vấp phản đối như ở Hạ viện.

"Người dân Ukraine chân thành biết ơn quốc hội Mỹ", Andriy Yermak, chánh văn phòng tổng thống Ukraine, đăng trên X.

Tuy nhiên, Ukraine sẽ cần chờ đợi thêm ít nhất vài tuần trước khi thấy được tác động trực tiếp từ gói viện trợ. Trong khi đó, nhiều người đã chuẩn bị tâm lý cho đợt tăng cường tấn công của Nga trong thời gian tới. Họ tin nước Nga giận dữ có thể tìm cách trừng phạt Ukraine nhiều hơn trước khi Kiev nhận được thêm tên lửa phòng không, thiết giáp, đạn pháo.

"Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ này. Nhưng chúng tôi vẫn có thể trải qua những ngày thực sự khó khăn phía trước", Anastasia Chuchin, 36 tuổi, nói khi đang chờ tàu ở thủ đô Kiev.

Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng khoản viện trợ mới của Mỹ sẽ chỉ mang lại lợi ích cho Washington, trong khi "hủy hoại thêm Ukraine bằng cách khiến nhiều dân thường thiệt mạng hơn".

Leonid Slutsky, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Duma Quốc gia Nga, viết trên Teleram rằng "gói viện trợ mới sẽ không cứu vãn được cho Ukraine, mà ngược lại sẽ khiến thêm hàng nghìn người chết, kéo dài xung đột và mang lại nhiều đau khổ, tàn phá hơn".

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) ở Washington cho biết Ukraine có thể phải chịu thêm thất bại trong khi chờ đợi nguồn viện trợ của Mỹ tới. "Tình hình tiền tuyến có thể xấu đi trong thời gian đó, đặc biệt nếu lực lượng Nga tăng cường tấn công để tận dụng khoảng trống trước khi vũ khí và hàng viện trợ Mỹ tới nơi", nhóm phân tích của ISW nhận định.

Olexiy Haran, giáo sư chính trị tại Học viện Quốc gia Kiev-Mohlya của Ukraine, nói rằng nước này biết ơn viện trợ từ Mỹ và phương Tây, nhưng cảm thấy buồn vì "chúng đến quá muộn và không đủ".

"Đây là năm thứ ba xung đột và chúng tôi vẫn chưa giành được ưu thế trên không. Chúng tôi không có đủ tên lửa và vì thế không thể ngăn chiến đấu cơ Nga tự do hoạt động. Hơn nữa, chúng tôi gần đây còn không có đạn pháo", ông nói. "Đó là lý do tình hình rất khó khăn và người Nga đã tận dụng nó để bắt đầu cuộc tấn công. Nếu nhận được viện trợ từ nửa năm trước, chúng tôi sẽ cứu sống được nhiều người Ukraine, gồm cả dân thường".

Sự chậm trễ phê duyệt gói viện trợ của Mỹ đã khiến Ukraine phải trả giá. "Viện trợ đến quá muộn. Tình trạng thiếu trang thiết bị đã khiến Ukraine mất thế chủ động từ tháng 10/2023", Kateryna Stepanenko, nhà phân tích tại ISW, nói.

Kể từ tháng 10 năm ngoái, Ukraine đã mất 583 km2 lãnh thổ vào tay lực lượng Nga, phần lớn do thiếu đạn pháo, theo Stepanenko. Chuyên gia này cho biết Nga cũng đã có thời gian để chuẩn bị cho các chiến dịch tấn công dự kiến vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè này.

Tatyana Ryavchenuk, vợ của một binh sĩ Ukraine, than thở rằng các binh sĩ "không có gì trong tay để bảo vệ chúng tôi".

"Họ cần vũ khí, trang thiết bị. Chúng tôi luôn cần giúp đỡ. Nếu các binh sĩ phòng thủ của Ukraine không có thêm viện trợ, kẻ thù có thể tiến xa hơn", cô nói.

Giới quan sát cho rằng ổn định và giữ vững mặt trận hiện là mục tiêu và điều có thể hy vọng nhất của Ukraine. Không ai ảo tưởng rằng khoản viện trợ mới đủ sức để Ukraine nhanh chóng tấn công đáp trả Nga.

Quân đội Nga hiện có quy mô lớn hơn 15% so với trước khi mở chiến dịch ở Ukraine, theo tướng Christopher Cavoli, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ. Nga đang tìm cách tiếp tục bổ sung tân binh cho lực lượng chiến đấu.

"Trong khi người Mỹ tranh cãi, con cái chúng tôi đã thiệt mạng", Mikhail Spivak, kỹ sư IT ở Kiev và đang phát triển UAV cho các đơn vị bộ binh Ukraine, nói. "Thật tốt khi biết có nhiều vũ khí mới sẽ tới, song chúng tôi hiểu vị thế của mình hiện nay".

Thanh Tâm (Theo LA Times, Washington Post, Reuters, ABC News)

Đọc bài gốc tại đây.