Việc ông Donald Trump, một nhà lãnh đạo rất khó đoán định trở lại Nhà Trắng lần thứ hai được dự báo sẽ mang đến những thay đổi lớn cho tình thế bế tắc trong những năm qua ở bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại cuộc gặp ở Khu phi quân sự (DMZ) ngày 30/6/2019. (Nguồn: Yonhap) |
Trong suốt 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden, vấn đề ở bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp tục rơi vào bế tắc kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội năm 2019.
Một năm sóng gió
Trong năm 2024, căng thẳng liên Triều tiếp tục sục sôi, với ba đợt rõ nét nhất là loạt bắn pháo qua lại tại vùng biển biên giới giữa hai bên, việc Triều Tiên thả bóng bay rác sang Hàn Quốc và cho nổ hai tuyến đường trên bộ kết nối với lãnh thổ Hàn Quốc. Hai bên gần như không có dấu hiệu sẽ thỏa hiệp bên còn lại. Triều Tiên đã loại trừ mục tiêu tái thống nhất, gọi Hàn Quốc là “kẻ thù chính” và coi quan hệ liên Triều là mối quan hệ giữa “hai quốc gia thù địch, hai bên tham chiến”. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Biden ưu tiên thúc đẩy quan hệ đồng minh với Hàn Quốc hơn là nối lại đối thoại phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều.
Tin liên quan |
Triều Tiên bất ngờ giải thể các cơ quan xử lý vấn đề liên Triều |
Trong khi không có tiến triển trong các vấn đề tái thống nhất và phi hạt nhân hóa, các tập hợp lực lượng trên bán đảo Triều Tiên đã chứng kiến những bước phát triển mới chưa từng có. Hàn Quốc và Mỹ đã tăng cường quan hệ đồng minh đến mức toàn diện và sâu sắc nhất từ trước tới nay. Đây cũng là nhân tố góp phần thúc đẩy việc hồi sinh hoặc củng cố các tập hợp lực lượng khác rộng lớn hơn mà Mỹ dẫn dắt nhằm ứng phó với Triều Tiên như cơ chế hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn và hợp tác NATO với 4 đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gọi tắt là IP4 (bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand).
Đối trọng với các tập hợp lực lượng này là quan hệ hợp tác quân sự Nga-Triều được thắt chặt trở lại lần đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh. Hai bên đang làm sâu sắc hơn hợp tác với những kết quả đáng chú ý như đạt được Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga-Triều với Điều 4 quy định việc hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị xâm lược bởi nước khác, và việc Triều Tiên điều quân đến vùng Kursk hỗ trợ quân đội Nga trên chiến trường xung đột Ukraine.
Triều Tiên ngày 17/10/2024 xác nhận các tuyến đường bộ và đường sắt liên Triều đã bị phá hủy hoàn toàn. (Nguồn: KCNA) |
Những làn gió mới
Trong bối cảnh đó, nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai của ông Donald Trump trở thành biến số hứa hẹn mang lại giải pháp giúp giảm nhiệt căng thẳng, đối đầu trên bán đảo Triều Tiên.
Thứ nhất, sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump báo hiệu sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Cách tiếp cận “Nước Mỹ trước tiên” của ông chủ Nhà Trắng 2.0, trong đó đòi hỏi các đồng minh của Mỹ chia sẻ trách nhiệm chi phí lớn hơn, sẽ làm suy yếu đồng minh Mỹ-Hàn và các tập hợp lực lượng khác do Mỹ dẫn dắt. Thêm vào đó, các ưu tiên hiện nay của ông Trump đang là chấm dứt xung đột Ukraine và đẩy mạnh cạnh tranh thương mại với Trung Quốc. Vì vậy, vấn đề hạt nhân Triều Tiên cũng như các tập hợp lực lượng liên quan có thể bị Mỹ tạm thời gác lại.
Thứ hai, lập trường cứng rắn của ông Trump về vấn đề chia sẻ chi phí sẽ buộc Hàn Quốc phải điều chỉnh chính sách của mình đối với Triều Tiên. Không có ô bảo hộ hạt nhân ổn định từ Mỹ dưới thời ông chủ Nhà Trắng mới, Seoul sẽ phải chọn giữa việc tự theo đuổi vũ khí hạt nhân hoặc thúc đẩy hòa hoãn, cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng. Mặc dù chính sách của Hàn Quốc trong thời gian tới còn tùy thuộc vào đảng cầm quyền là Đảng Dân chủ hay Đảng Sức mạnh quốc dân nhưng lập trường của Mỹ đối với quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn vẫn là nhân tố then chốt đối với quyết sách của Hàn Quốc bởi Seoul lệ thuộc vào bảo hộ an ninh của Mỹ. Trong bối cảnh Đảng Dân chủ đối lập đang lên tại Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk Yeol đang trong tiến trình bị luận tội và khả năng Hàn Quốc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nếu theo đuổi vũ khí hạt nhân, lựa chọn hòa giải với Triều Tiên trở nên khả dĩ hơn.
Thứ ba, việc ông Trump quyết tâm chấm dứt xung đột Ukraine sẽ có thể làm chậm lại hợp tác quân sự Nga-Triều. Tình cảnh cạn kiệt đạn pháo để tiếp tục chiến đấu là một trong những lý do chủ chốt Nga thắt chặt quan hệ hợp tác với Triều Tiên. Nếu các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga và Ukraine có thể thúc đẩy đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và một hiệp ước hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine trong năm 2025, lý tưởng nhất là trong vòng 100 ngày đầu sau khi nhậm chức của ông Trump (như kế hoạch mà đặc phái viên về Ukraine và Nga của ông Trump đã công bố), cơ sở để tăng cường quan hệ hợp tác Nga-Triều sẽ bị lung lay. Viễn cảnh xung đột Ukraine kết thúc thì Triều Tiên cũng sẽ rút quân đội về. Hợp tác quân sự Nga-Triều từ đó có thể suy giảm dần về lâu dài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại cuộc họp mở rộng với các quan chức hai nước trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội, ngày 28/2/2019. (Nguồn: AFP) |
Cơ hội để hạ nhiệt
Trên cơ sở đó, có thể dự báo tình hình tập hợp lực lượng phân tuyến trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian qua sẽ dần dịu đi trong nhiệm kỳ tới của ông Trump. Tại Hàn Quốc, việc Tổng thống Yoon bị luận tội đang mở ra khả năng một chính quyền mới do một Tổng thống của Đảng Dân chủ đối lập lên nắm quyền. Điều này mang lại hy vọng về việc nối lại đối thoại phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều với vai trò trung gian, hòa giải của một Tổng thống Hàn Quốc phe dân chủ tương tự như người tiền nhiệm Moon Jae-in.
Khi quan hệ liên Triều được cải thiện hoặc bình thường hóa, cùng với việc Mỹ thúc đẩy vấn đề chia sẻ chi phí với đồng minh, đà phát triển của đồng minh Mỹ-Hàn, hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, hợp tác NATO-IP4 sẽ tương đối khó để tiếp tục duy trì dưới thời Trump 2.0. Tương tự, khi xung đột Ukraine có thể kết thúc trong năm 2025, việc thúc đẩy hợp tác quân sự với Triều Tiên sẽ không còn cấp thiết với Nga nữa.
Là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Trump, 2025 sẽ là thời gian chuyển tiếp quan trọng đối với việc tái sắp xếp các tập hợp lực lượng liên quan trên bán đảo Triều Tiên. Nếu ông Trump có thể tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán Nga-Ukraine về một thỏa thuận hòa bình trong vòng 100 ngày đầu tiên tại Nhà Trắng, nửa sau năm 2025 sẽ chứng kiến sự suy giảm dần trong hợp tác Nga-Triều.
Ngoài ra, vấn đề chia sẻ chi phí sẽ trở thành cản trở lớn trong quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh, trong đó có Hàn Quốc, trong suốt nhiệm kỳ tới của ông Trump. Hàn Quốc cũng đang cần thêm thời gian để ổn định tình hình chính trị trong nước. Do đó, khả năng diễn ra một Hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un với vai trò trung gian của Hàn Quốc trong năm 2025 sẽ tương đối thấp, nhưng không loại trừ xảy ra vào những năm tiếp theo trong nhiệm kỳ 4 năm tới của ông Trump.
Đọc bài gốc tại đây.