Đơn vị pháo binh toàn người già của Ukraine

04/05 05:00
 

Đơn vị pháo binh tự phát, phần lớn đã cao tuổi, tình nguyện hỗ trợ lính Ukraine ở tiền tuyến đối phó Nga, dù không được hỗ trợ chính thức.

Ông Oleksandr Taran, 68 tuổi, là chỉ huy một lực lượng quân tình nguyện Ukraine mang tên Steppe Wolves. Lực lượng này có hàng chục người, phần lớn đã hơn 60 tuổi, bị coi là quá già để có thể nhập ngũ, song vẫn muốn chiến đấu. Họ còn bao gồm một vài thành viên trẻ tuổi không đủ điều kiện sức khỏe để gia nhập quân đội.

Steppe Wolves hoạt động phía sau tiền tuyến với vũ khí là các bệ phóng rocket gắn trên xe tải, nhận lệnh từ các chỉ huy trên chiến trường và phối hợp với các binh sĩ khác, dù không phải đơn vị chính thức của quân đội Ukraine.

Lực lượng này hoạt động bằng tiền quyên góp. Các binh sĩ ở tiền tuyến chuyển cho họ vũ khí thu được từ Nga và đạn dược hỏng, họ sau đó tự sửa chữa để dùng.

"Chúng tôi xoay sở được nhờ có lương hưu", Taran, người có hô hiệu "Ông nội", nói.

Khi phóng viên Reuters tới thăm cơ sở của Steppe Wolves tại tỉnh miền nam Zaporizhzhia, họ đang chuẩn bị đạn rocket Grad 122 mm cho một đơn vị khác.

"Các chỉ huy rất vui khi có thể cung cấp mục tiêu cho chúng tôi nhắm bắn. Họ cố gắng chuyển cho chúng tôi đạn dược bằng mọi cách có thể", thành viên 63 tuổi có hô hiệu "Zorro" cho hay.

Taran cho biết đơn vị của ông đang cố gắng chính thức gia nhập lực lượng vũ trang Ukraine để có thể trực tiếp nhận đạn dược và lương từ quân đội, song chưa thành công.

Nhiệt huyết chiến đấu của Steppe Wolves trái ngược với thực trạng tuyển quân hiện nay của Ukraine. Kiev đang gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực huy động thêm binh sĩ do không còn nhiều người muốn nhập ngũ, trong bối cảnh cuộc xung đột đã bước sang năm thứ ba mà vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Giới phân tích nhận định Kiev cần phải nhanh chóng giải quyết bài toán thiếu nhân lực để có thể ngăn chặn đà tiến của quân đội Nga ở mặt trận phía đông.

Đầu tháng 4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phê chuẩn dự luật cho phép quân đội có thể triệu tập thêm binh sĩ và tăng cường hình phạt với hành vi trốn quân dịch. Độ tuổi huy động quân cũng được giảm từ 27 xuống 25.

Dự luật ban đầu có kế hoạch cho phép các binh sĩ phục vụ từ 36 tháng trở lên được về nhà nghỉ ngơi trước khi quay lại tiền tuyến, song điều khoản này đã bị loại bỏ ở phiên bản cuối.

Theo Taran, người đã chiến đấu kể từ khi giao tranh bùng phát tại miền đông Ukraine hồi năm 2014, chính sách cưỡng ép nhập ngũ khó có thể thay thế được việc tuyển mộ các tân binh thực sự muốn cầm súng.

"Cứ cầm gậy đánh người đó nếu muốn, nhưng anh ấy sẽ không chiến đấu", ông nói. "Khi thực sự muốn, anh ấy sẽ sẵn sàng cầm súng trong 100 năm để hoàn thành nhiệm vụ và tiêu diệt kẻ thù".

Phạm Giang (Theo Reuters)

Đọc bài gốc tại đây.