Ông Trump có thể gây sức ép để nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine và Trung Đông, nhưng cũng khiến cạnh tranh siêu cường tăng nhiệt trong năm 2025.
Năm 2024 đã chứng kiến nhiều biến động địa chính trị trên khắp thế giới, với các cuộc xung đột liên tiếp bùng lên ở Trung Đông, chiến sự Nga - Ukraine trải qua nhiều bước ngoặt khốc liệt, cho tới việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn với cả đồng minh lẫn đối thủ của Washington.
Các chuyên gia đánh giá sự trở lại của ông Trump là một trong những điều có thể tạo ra nhiều tác động nhất với thế giới năm 2025. Sau khi nhậm chức vào ngày 20/1, ông Trump sẽ có đủ thẩm quyền để thực hiện những cam kết mà ông đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử, cũng như chương trình nghị sự còn dang dở 4 năm trước. Do đó, cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường được dự báo sẽ tăng nhiệt trong năm tới.
"Mối quan tâm hàng đầu của ông Trump trong nhiệm kỳ mới là quan hệ địa chính trị của Mỹ với hai đối thủ cạnh tranh chiến lược là Nga và Trung Quốc", Leslie Vinjamuri, giám đốc Chương trình Mỹ và châu Mỹ thuộc viện nghiên cứu Chatham House ở Anh, nhận định.
Quan điểm cá nhân của ông Trump với Tổng thống Valdimir Putin là vấn đề được nhiều người quan tâm, bởi điều này sẽ tác động đáng kể tới lập trường của Mỹ về xung đột Ukraine.
Ông Trump đã cam kết chấm dứt chiến sự Ukraine ngay sau khi nhậm chức và từng nhiều lần phàn nàn về viện trợ của Washington dành cho Kiev. Nhiều người Ukraine và các đối tác châu Âu lo ngại ông có thể gây sức ép để Ukraine nhượng bộ Nga, nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn chóng vánh.
Vinjamuri dự đoán ông Trump sẽ thúc đẩy Ukraine hướng tới thỏa thuận nhượng đất đổi hòa bình với Nga. Tuy nhiên, giới phân tích chỉ ra rằng bản chất của đàm phán vẫn là mặc cả lợi ích tối đa, nên Ukraine nhiều khả năng sẽ không dễ dàng chấp nhận những điều khoản quá bất lợi.
Về phần mình, Tổng thống Putin cũng không cần phải vội vàng đạt lệnh ngừng bắn, khi lực lượng Nga đang duy trì đà tiến mạnh mẽ trên khắp chiến trường. Họ cũng đang gây áp lực đáng kể với các đơn vị Ukraine đang chiếm giữ một phần tỉnh Kursk, hướng tới mục tiêu đẩy lùi lực lượng này hoàn toàn trong năm tới.
Bởi vậy, Michael Froman, nhà phân tích của tổ chức Hội đồng Đối ngoại (CFR) ở New York, nhận định bất chấp những nỗ lực của ông Trump, xung đột Ukraine sẽ không sớm chấm dứt, mà có thể leo thang trong những tháng đầu của năm 2025. Chỉ đến khi một trong hai bên hứng chịu những đòn giáng nặng nề, không thể tiếp tục duy trì động lực cuộc chiến, lệnh ngừng bắn mới có thể đạt được.
Việc tình báo Ukraine bị cáo buộc đứng sau vụ ám sát Tư lệnh Lực lượng Phòng hóa Nga ở Moskva và ông Putin đe dọa dùng tên lửa Oreshnik nhắm vào "cơ quan đầu não ra quyết định" ở Kiev cũng có thể làm phức tạp hơn tình hình chiến sự.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa công bố khoản viện trợ quân sự và tài chính trị giá gần 6 tỷ USD cho Ukraine trong những ngày cuối nhiệm kỳ. Những khoản hỗ trợ này có thể tiếp lực cho Kiev kéo dài cuộc chiến, đối phó với sức ép ngày càng tăng từ phía Nga.
Khi giao tranh kéo dài, hai bên sẽ nỗ lực để giành thêm lợi ích trên chiến trường, nhằm gia tăng đòn bẩy và vị thế trước bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng nào.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo 2025 có thể là năm đầy thách thức với Ukraine và các đồng minh. Nếu ông Trump quyết định cắt nguồn viện trợ cho Ukraine, các nước châu Âu sẽ phải chật vật tìm cách bù đắp thiếu hụt về hỗ trợ vũ khí, tiền bạc từ Mỹ.
James Nixey, giám đốc Chương trình Nga và Á-Âu của Chatham House, cho hay điều đáng chú ý là không có lãnh đạo phương Tây nào ngoài các nước gần tiền tuyến kêu gọi hỗ trợ Ukraine đến khi giành chiến thắng. Chuyên gia này nói niềm tin của các lãnh đạo phương Tây về việc Ukraine không thể thắng trong xung đột với Nga có thể trở nên phổ biến hơn trong năm 2025.
Giới quan sát nhiều lần cảnh báo cuộc chiến kéo dài có thể càng làm tăng thêm mệt mỏi ở các nước đồng minh, khi áp lực chính trị trong nước có thể sẽ khiến nhiều nước suy giảm ủng hộ và viện trợ cho Ukraine. Khi nguồn lực của châu Âu cạn kiệt, Ukraine có thể đối mặt nguy cơ thất bại toàn diện trước Nga.
Xung đột ở Trung Đông cũng là một ưu tiên đối ngoại hàng đầu của ông Trump trong nhiệm kỳ mới. Sanam Vakil, giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi ở Chatham House, cho rằng chính quyền mới ở Mỹ sẽ định hướng chiến lược khu vực quanh hai trụ cột là đảm bảo an ninh cho Israel và kiềm chế Iran.
Ông Trump từ lâu duy trì ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel và sẽ tiếp tục ưu tiên các nhu cầu an ninh của họ, ngay cả khi ông dự kiến thúc giục Thủ tướng Benjamin Netanyahu giảm quy mô hoạt động quân sự ở Gaza và Lebanon.
"Cách tiếp cận này sẽ không tạo ra bất kỳ giải pháp chính trị nào có thể giải quyết vấn đề quyền tự quyết của người Palestine, nhưng có thể dẫn đến lệnh ngừng bắn theo các điều khoản có lợi cho Israel", Vakil dự đoán.
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng đã báo hiệu ý định nối lại các biện pháp trừng phạt mà ông từng áp đặt với Iran năm 2018, sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với nước này. Giới phân tích cho rằng mục đích của ông Trump là tăng sức ép để Tehran nối lại các cuộc đàm phán mới về chương trình hạt nhân, cũng như chấm dứt hoạt động chuyển vũ khí cho Nga.
Nhà phân tích Michael Froman nhận định trong giai đoạn khủng hoảng như hiện tại, Tehran sẽ tránh hành động mang tính khiêu khích và có thể tìm cách đàm phán mới chính quyền ông Trump. Tuy nhiên, Froman cũng không loại trừ khả năng Tehran theo đuổi nỗ lực phát triển khả năng răn đe hạt nhân để đảm bảo an ninh đất nước.
Giới chức Iran gần đây nói rằng Tehran đã tích lũy đủ năng lực để chế tạo vũ khí hạt nhân, đồng thời có thể xem xét lại cam kết suốt hai thập kỷ qua của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei về không sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
"Iran sẽ phải phát triển các biện pháp răn đe mới, tăng tốc và mở rộng chương trình hạt nhân khi khả năng uy hiếp Israel bị suy yếu", Gregory Brew, nhà phân tích cấp cao về Iran và năng lượng tại công ty tư vấn Eurasia Group ở Mỹ, nhận định.
Chính sách của ông Trump với Trung Quốc được dự báo là sẽ gây nhiều tác động đến tình hình thế giới trong năm 2025, khi cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường tăng nhiệt. Câu hỏi đặt ra là ông Trump có thực hiện cam kết tăng thuế 60% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu Trung Quốc, hay sẽ coi đây là lá bài mặc cả với Bắc Kinh để đạt được lợi ích tối đa cho Washington.
Chuyên gia Vinjamuri dự báo ông Trump sẽ tăng cường áp lực với Trung Quốc bằng những lời đe dọa áp thuế, châm ngòi cho phản ứng quyết liệt kiểu "ăn miếng trả miếng" từ Bắc Kinh. Sau đó, chính quyền Trump có thể chủ động đề xuất một thỏa thuận hoãn áp thuế với Trung Quốc, đổi lại Bắc Kinh sẽ phải gây sức ép để Moskva sớm chấm dứt chiến sự Ukraine.
"Thỏa thuận như vậy có thể giúp quan hệ giữa Trung - Mỹ phần nào đạt được sự ổn định. Nhưng trong bối cảnh địa chính trị hiện tại, bất kỳ sự ổn định nào cũng có thể chỉ là tạm thời. Nếu cố gắng đi theo hướng này, ông Trump có thể vấp một số rào cản chính sách và thái độ phản đối ngay cả trong đảng Cộng hòa", Vinjamuri nói.
Các chính trị gia đảng Dân chủ và Cộng hòa về cơ bản đều có thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Đây là điểm đồng thuận hiếm hoi giữa hai đảng giữa những bất đồng, chia rẽ nhiều năm qua.
Giới quan sát nhận định sự trở lại của ông Trump và những chính sách liên quan tới quan hệ với Trung Quốc của chính quyền mới cũng có thể ảnh hưởng tới các điểm nóng ở châu Á như Biển Đông, Đài Loan và Triều Tiên.
Giữa lúc Hàn Quốc hỗn loạn vì cuộc khủng hoảng chính trị sau lệnh thiết quân luật, quan hệ của Mỹ với đồng minh quan trọng ở châu Á cũng đối mặt tương lai bấp bênh, theo các nhà phân tích.
"Thế giới trong năm nay sẽ chứng kiến nhiều căng thẳng địa chính trị và thách thức kinh tế, thử thách khả năng của các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế để cùng đưa ra các biện pháp ứng phó với những vấn đề chung", Maleeha Lodhi, cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ, Anh và Liên Hợp Quốc, dự đoán.
Trong bối cảnh đó, sự trở lại của ông Trump sẽ có thể làm suy yếu nỗ lực phối hợp của các quốc gia và tổ chức quốc tế để ứng phó thách thức chung, tạo nên khoảng trống về vai trò lãnh đạo trên thế giới.
"Nước Mỹ dưới thời ông Trump đã tuyên bố rằng họ không muốn trở thành người lãnh đạo toàn cầu", Ian Bremmer, chủ tịch Eurasia Group, nhóm tư vấn hàng đầu về rủi ro địa chính trị, cho hay. "Đội ngũ của ông Trump sẽ chỉ muốn những quy định có lợi cho nước Mỹ và sẵn sàng áp thuế với bất cứ ai, cho đến khi họ làm những điều nước Mỹ muốn".
Thùy Lâm (Theo Conversation, WSJ, CFR)
Đọc bài gốc tại đây.