Ảnh vệ tinh có thể cho thấy độ chính xác của tên lửa tập kích Iran

23/04 10:06
 

Ảnh vệ tinh cho thấy vết cháy sém tại nơi đặt đài radar S-300 ở căn cứ Isfahan, chứng tỏ tên lửa Israel đã đánh chính xác mục tiêu, dù Tehran tuyên bố "không thiệt hại".

Công ty Planet Labs ngày 22/4 công bố ảnh chụp căn cứ không quân Iran tại tỉnh Isfahan, cho thấy một trận địa phòng không được bố trí cạnh cơ sở này. Ở khoảng giữa trận địa là đài radar điều khiển hỏa lực 30N6E của tổ hợp S-300, theo cựu chuyên gia phân tích ảnh vệ tinh của chính phủ Mỹ Chris Biggers.

Xung quanh đài radar có vết cháy sém lớn, cho thấy khí tài này đã bị hư hại sau vụ tập kích được cho là của Israel nhằm vào căn cứ hôm 19/4. Điều này có thể chứng minh đòn đánh được tiến hành gần như chính xác tuyệt đối, dường như nhằm đáp trả cuộc tấn công quy mô lớn của Tehran vào lãnh thổ Israel trước đó một tuần.

Một số hình ảnh vệ tinh chụp trước ngày 22/4 cũng cho thấy các vết cháy tương tự quanh vị trí trên, song chưa đủ độ nét để xác định rõ các phương tiện được triển khai ở trận địa phòng không.

Biggers cho biết các thành phần khác của hệ thống S-300 dường như đã được chuyển đi nơi khác trước khi vụ tập kích xảy ra, dù tổ hợp này có nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ cơ sở hạt nhân ngầm Natanz ở gần đó.

"Cuộc tấn công đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ, khi xét tới hệ thống phòng không được triển khai, vị trí và cách nó được sử dụng", ông nêu quan điểm.

Nicole Grajewski, chuyên gia thuộc chương trình chính sách hạt nhân của Quỹ Carnegie, cũng cho rằng vũ khí của Israel đã thể hiện được độ chính xác "xuất sắc" trong vụ tập kích. "Cuộc tấn công cho thấy Israel sở hữu năng lực xuyên phá lưới phòng không của Iran", bà nhận định.

AP nhận định đòn trả đũa của Israel được tiến hành rất "kiềm chế", nhưng độ chính xác của nó đã gây ra tổn thất lớn hơn nhiều so với cuộc tập kích với hơn 300 máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Iran hôm 13/4. Tel Aviv tuyên bố đã phát hiện và đánh chặn 99% quả đạn của Iran, chỉ một số tên lửa đạn đạo rơi xuống căn cứ không quân Nevatim giữa sa mạc và gây hư hại nhẹ cho hạ tầng.

Truyền thông Israel ngày 21/4 dẫn các nguồn giấu tên cho hay quân đội nước này đã khai hỏa một quả tên lửa không đối đất MARS, còn gọi là Rampage, để tập kích đài radar Iran. Tên lửa này nặng 570 kg, mang theo đầu đạn 150 kg, tầm bắn lên tới 300 km và có thể bay với tốc độ hơn 2.000 km/h, chuyên tấn công các mục tiêu giá trị cao như đài radar, trung tâm liên lạc, kho vũ khí và sân bay đối phương.

MARS còn được gọi là tên lửa "không thể phát hiện" do có khả năng né tránh radar. Đây có thể là lý do Iran tuyên bố phòng không nước này hôm 19/4 không phát hiện quả tên lửa nào, chỉ bắn hạ ba thiết bị bay không người lái (drone) trên bầu trời Isfahan và không ghi nhận thiệt hại nào.

Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian thậm chí còn cho rằng đây không phải "đòn tập kích" và số drone bị bắn hạ "giống đồ chơi trẻ con".

Tuy nhiên, người dân Iraq, nước láng giềng của Iran, sau đó phát hiện một số vật thể được cho là mảnh tên lửa phòng không ở phía nam thủ đô Baghdad. Thông tin này, cùng với việc Israel cùng ngày được cho là đã tập kích một trạm radar ở Syria, cho thấy tiêm kích Israel dường như đã bay qua Syria để tới Iraq, rồi khai hỏa tên lửa tầm xa vào căn cứ không quân Iran tại tỉnh Isfahan.

Các đặc vụ Israel cũng có thể đã triển khai drone tầm ngắn từ bên trong lãnh thổ Iran để tập kích hiệp đồng cùng tên lửa. Nước này từng nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công phá hoại và những chiến dịch tương tự bên trong lãnh thổ Iran.

Dù vậy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani ngày 22/4 vẫn phủ nhận vụ tập kích đã gây ra tổn thất cho Tehran.

"Các cơ quan liên quan đã thông báo rằng cuộc tấn công quấy rối này không gây ra thiệt hại và hệ thống phòng thủ của Iran đã hoàn thành nhiệm vụ", quan chức này nói.

Hệ thống phòng không S-300 do Nga sản xuất có tầm bắn tối đa 200 km, sở hữu khả năng bám bắt, tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc, bao gồm máy bay và tên lửa. Dù Moskva đã đưa vào vận hành dòng S-400 hiện đại hơn, S-300 vẫn được đánh giá là một trong các tổ hợp phòng không mạnh nhất thế giới.

Nga được cho là đã chuyển giao cho Iran 4 tổ hợp S-300 phiên bản xuất khẩu. Grajewski cho biết Tehran nhiều khả năng sẽ cần Moskva trợ giúp để sửa chữa đài radar bị hư hại sau vụ tập kích của Tel Aviv.

Sau loạt vụ tập kích đáp trả lẫn nhau, Israel và Iran đang cố gắng giảm bớt căng thẳng để tránh xung đột tiếp tục leo thang, theo giới chuyên gia. Một quan chức của Tehran hôm 19/4 khẳng định nước này hiện không có kế hoạch trả đũa Israel, trong khi Tel Aviv tới nay chưa thừa nhận gây ra cuộc tấn công.

Phạm Giang (Theo AP)

Đọc bài gốc tại đây.