Các hãng phụ tùng ôtô Trung Quốc tăng gấp ba lần ở Thái Lan

09/05/2025 11:53
 

Số lượng các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Trung Quốc tăng ba lần tại Thái Lan trong cơn sốt pin xe điện.

Tại Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan, cách Bangkok khoảng hai giờ đi ôtô, nhiều nhà máy mới đang được xây dựng dọc theo con đường chính.

Hãng pin Sunwoda Electronic đang đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất pin lithium-ion cho xe điện. Sản xuất hàng loạt dự kiến bắt đầu trong năm 2025, theo truyền thông Trung Quốc.

Hơn 20 thương hiệu ôtô Trung Quốc, bao gồm BYD và Great Wall Motor, đã vào Thái Lan. Một số đã bắt đầu sản xuất xe điện tại địa phương, chủ yếu ở EEC. Nhà máy của BYD, bắt đầu sản xuất từ tháng 7/2024, là trung tâm xung quanh chuỗi cung ứng đang phát triển.

Bên cạnh Sunwoda, các nhà sản xuất pin CALB, Gotion và SVOLT Energy Technology cũng đang gia nhập và một số đã bắt đầu sản xuất. Hãng pin hàng đầu là CATL đang xây dựng một nhà máy liên doanh với tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan PTT.

Một công nhân kiểm tra pin xe điện tại nhà máy của Sunwoda tại Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP

Một công nhân kiểm tra pin xe điện tại nhà máy của Sunwoda tại Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP

Các nhà sản xuất Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ vào Thái Lan từ khoảng năm 2018. Tính đến tháng 3, số lượng công ty Thái Lan do Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực phụ tùng ôtô đã đạt 165, dựa trên dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường MarkLines, chính phủ Thái Lan và các nguồn khác. Con số này cao gấp ba lần so với cuối năm 2017.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, số lượng công ty mà các tập đoàn Trung Quốc thành lập tại Đông Nam Á, đã vượt quá 7.000 vào năm 2023 và tiếp tục tăng. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Đông Nam Á đã đạt 25 tỷ USD vào năm đó, lập kỷ lục.

Xu hướng này dự kiến tiếp tục. Tập đoàn Ningbo Tuopu, chuyên sản xuất khung gầm và các phụ tùng ôtô khác, công bố vào giữa tháng 4 rằng sẽ đầu tư tới 300 triệu USD để xây dựng một nhà máy tại Thái Lan. Công ty cho biết động thái này sẽ giúp họ giành được nhiều đơn đặt hàng hơn và tăng cường hỗ trợ cho các khách hàng nước ngoài quan trọng.

Thái Lan xuất khẩu ít ôtô thành phẩm sang Mỹ, do đó tác động của thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến hạn chế, ngoại trừ một số sản phẩm như lốp xe. Yeap Swee Chuan, CEO của nhà sản xuất phụ tùng ôtô Thái Lan Aapico Hitech, cho biết sẽ không có tác động lớn nào đến hoạt động hiện nay.

Một số công ty địa phương cảnh giác với sự tiến vào của các nhà cung cấp Trung Quốc tại Thái Lan. Sompol Tanadumrongsak, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Thái Lan (TAPMA), cho biết những tiến bộ hơn nữa của các công ty Trung Quốc sẽ "phá hủy chuỗi cung ứng hiện có".

Các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản, bắt đầu sản xuất toàn diện tại Thái Lan vào những năm 1960, có mạng lưới các nhà cung cấp địa phương đã phát triển lên khoảng 1.400. Nhiều nhà sản xuất ôtô Nhật Bản liên doanh với các công ty địa phương, tạo thành một kim tự tháp công nghiệp tích hợp theo chiều dọc.

Ngược lại, các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang cố gắng tạo ra mạng lưới riêng, sử dụng ít hoặc không sử dụng chuỗi cung ứng của Nhật Bản.

Giá giao hàng linh kiện do các nhà sản xuất ôtô lớn của Trung Quốc đặt hàng được cho là thấp hơn gần 30% so với các công ty ôtô Nhật Bản. Ngoài ra, các công ty Trung Quốc có xu hướng tự sản xuất các bộ phận cốt lõi như pin hoặc mua từ các nhà cung cấp Trung Quốc có liên quan. Sompol cho biết các nhà cung cấp Thái Lan sẽ không thể hưởng lợi hoàn toàn từ sự gia tăng của các công ty Trung Quốc vào nước này.

Một giám đốc điều hành tại Thai Summit Group, một nhà sản xuất phụ tùng ôtô lớn khác, cho biết các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản cũng có thể chuyển sang các bộ phận có giá thành cạnh tranh do các nhà cung cấp Trung Quốc sản xuất. Nếu các công ty ôtô lớn của Nhật Bản dựa vào các linh kiện của Trung Quốc cho xe điện, điều này có thể khiến các nhà cung cấp Nhật Bản tại Thái Lan phải thu hẹp quy mô hoặc rút khỏi thị trường.

Toyota, Honda và các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản khác nắm giữ tổng cộng hơn 70% thị phần xe hơi mới của Thái Lan, nhưng khoảng cách dẫn đầu đang thu hẹp dưới áp lực từ sự cạnh tranh của các hãng Trung Quốc.

Mỹ Anh (theo Nikkei)